Nuôi Lươn Mở Hướng Làm Ăn Mới Cho Một Vùng Quê
Xã Ia Yeng, huyện Phú Thiện, tỉnh Gia Lai là vùng nông nghiệp có nhiều diện tích ao hồ rất thuận lợi cho việc nuôi trồng thuỷ sản. Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc cải thiện bữa ăn hàng ngày và tăng thu nhập trong điều kiện thiên nhiên ưu đãi, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình nuôi lươn tại làng Kte, xã Ia Yeng.
Xã Ia Yeng có 729 hộ với trên 4.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Người dân trong xã sinh sống chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp, với trên 900 ha lúa nước. Đây là vùng lúa nước đạt năng suất bình quân trên 7 tấn/ha. Ngoài ra, trên địa bàn xã có hơn 10 ha ao hồ và có hệ thống thủy lợi nên thuận lợi cho việc nuôi trồng thủy sản. Điều kiện thì có, trong khi đó bữa ăn hàng ngày của bà con lại thiếu thức ăn tinh như cá, lươn, tôm…Để tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc cải thiện bữa ăn hàng ngày và tăng thu nhập trong điều kiện thiên nhiên ưu đãi, năm 2009, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ triển khai mô hình nuôi lươn tại làng Kte, xã Ia Yeng.
Được hỗ trợ 50 triệu đồng từ kinh phí sự nghiệp khoa học – công nghệ tỉnh, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với Hội nông dân huyện Phú Thiện triển khai và cử cán bộ hướng dẫn kỹ thuật cho bà con. Làng Kte đã chọn 12 hộ dân tham gia. Ngaòi kinh phí hỗ trợ, các hộ tham gia bỏ thêm 51 triệu đồng nữa để xây dựng 12 bể nuôi lươn, trong đó có 6 bể xây bê tông và 6 bể đào âm dưới đất có lót bạt ni lông. Nhờ được tập huấn kỹ thuật nuôi, chăm sóc lươn và hỗ trợ 12 kg lươn giống/hộ, cùng một phần thức ăn, thuốc phòng trừ sâu bệnh nên sau gần 1 năm triển khai, hầu hết bể nuôi lươn đều phát triển tốt.
Chúng tôi đến hộ ông Uêr đã tận dụng 12 m2 dưới gầm nhà sàn đào một bể nuôi lươn âm dưới đất có lót bạt. Ông Uêr phấn khởi: Đây là lứa lươn thứ hai. Một mét vuông mặt nước nếu nuôi tốt sẽ đạt 5-8 kg lươn thịt. Nuôi lươn vừa tiết kiệm diện tích lại có thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa.
Ông Đinh Nhiêu- Chủ tịch Hội nông dân huyện phú thiện cũng là hộ tham gia mô hình cho biết: Điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở xã Ia Yeng rất thuận lợi cho con lươn phát triển. Để lươn phát triển tốt nên cho ăn các loại thức ăn còn tươi. Không quá 3 ngày nên thay nước trong bể một lần. Nếu thấy lươn dựng đầu khỏi mặt nước thì phải thay nước, do môi trường nước đã ô nhiễm. Nếu bể nuôi bốc mùi hôi thối mà thay nước vẫn không hết thì phải thay lớp đất bùn ở những nơi rải mồi cho ăn hoặc thay toàn bộ lớp đất bùn vì trong quá trình nuôi đã cho ăn dư thừa hoặc do xác lươn chết phân hủy làm phát sinh mầm bệnh.
Thấy mô hình nuôi lươn của 12 hộ đầu tiên ở buôn Kte có hiệu quả, bà con xung quanh được tham quan học hỏi kinh nghiệm nên gần đây có thêm nhiều hộ đồng bào Jrai ở trong buôn và trong xã cũng bắt đầu đào bể nuôi lươn trong vườn nhà. Nghề nuôi lươn đã mở ra một hướng làm ăn mới cho người dân vùng quê lúa này
Related news
Thời gian qua, mô hình nuôi lươn trong bồn làm bằng nylon đã được nhiều nông dân ở TP Cần Thơ chọn để phát triển kinh tế hộ vì vốn đầu tư không quá lớn nhưng hiệu quả kinh tế mang lại khá cao.
Thấy mì bán được giá, thời gian qua hàng ngàn hộ dân hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum ồ ạt chuyển qua trồng loại cây ngắn ngày. Diện tích và sản lượng tăng nhưng thị trường tiêu thụ hạn hẹp, khiến mì nguyên liệu rớt giá, không có nơi tiêu thụ.
Tinh bột khoai nưa có thể sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất nhiều loại kẹo bánh, làm miến, đặc biệt có thể sử dụng trong công nghiệp để hồ vải. Nếu phát triển công nghiệp chế biến ethanol thì tinh bột cây nưa sẽ là nguồn nguyên liệu đáng kể để sản xuất nhiên liệu sinh học trong tương lai. Khoai nưa dễ trồng, kỹ thuật đơn giản, ít bị sâu bệnh hại, năng suất khá cao, đầu tư chi phí thấp mà hiệu quả cao.
Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long vừa có văn bản thống nhất kinh phí chi hỗ trợ cho người dân có diện tích nhãn bị thiệt hại do bệnh chổi rồng trên địa bàn tỉnh với tổng số tiền khoảng 71,23 tỷ đồng cho các huyện, thành phố. Cụ thể: Mang Thít 12,87 tỷ đồng; Tam Bình 2,23 tỷ đồng; Vũng Liêm 3,38 tỷ đồng; Trà Ôn 5,1 tỷ đồng; Long Hồ 38,5 tỷ đồng; Bình Minh 1,34 tỷ đồng; Bình Tân 1,87 tỷ đồng và TP Vĩnh Long 5,95 tỷ đồng.
Mô hình nuôi ong trang trại của gia đình anh Hà Ngọc Tĩnh, bản Kiến Xương, xã Phổng Lái (Thuận Châu - Sơn La) cho thu nhập hàng năm gần 200 triệu đồng.