Tôm Thịnh Thì Mía Suy
Tại thị trấn Long Phú, huyện Long Phú (tỉnh Sóc Trăng), đang diễn ra tình trạng phá mía đào ao nuôi tôm rầm rộ. Theo số liệu của ngành Nông nghiệp, thị trấn Long Phú là một trong 3 địa phương có diện tích trồng mía lớn của huyện Long Phú với diện tích trên 200ha…
Nhưng bây giờ con số đó đã bị thu hẹp, diện tích mía ngày càng ít và nhường chỗ cho ao tôm. Có một số ruộng mía vừa thu hoạch đã được thuê máy móc đào ao nuôi tôm.
Là người trồng mía lâu năm, nhưng bây giờ ông Phạm Văn Trung (ấp 2, thị trấn Long Phú) phải “chia tay” với cây mía để tìm cơ hội “đổi đời” với con tôm.
Ông Trung chia sẻ: “Gần hết cả đời mình tôi chỉ chuyên canh cây mía 1vụ/năm, thu nhập ổn định nhờ mía có giá. Tuy nhiên, vài năm gần đây, giá mía thấp nên không có lời. Tôi quyết định phá mía, đào ao để nuôi tôm vì hiện nay tôm rất có giá”.
Ông Trung đã chuyển 5.000m2 đất trồng mía sang đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Theo ông Trung, thời gian nuôi tôm thẻ ngắn, bán được giá cao.
Nếu thành công thì đổi đời ngay chứ không phập phù như cây mía. Bà Phạm Thị Thương (ngụ cùng địa phương) cũng đào xong ao nuôi tôm rộng 3.000m2. Bà Thương cho biết: “Gia đình tôi có 2ha đất trồng mía nhưng cũng chỉ ở mức đủ ăn.
Mấy năm nay mía mất giá, trong khi đó một số hộ xung quanh nuôi tôm đều trúng nên tôi mạnh dạn đầu tư mấy chục triệu đồng để đào ao nuôi tôm thẻ chân trắng. Nếu thuận lợi kinh tế gia đình ổn định hơn”.
Theo ông Nguyễn Văn Đệ (cùng ở ấp 2, thị trấn Long Phú), ở ấp này có hộ ông Nguyễn Văn Mỹ cũng đổi đời nhờ phá mía… nuôi tôm. Trong năm 2012 và 2013, gia đình ông Mỹ nuôi thành công, thu về tiền tỉ. Nuôi tôm 3 vụ/năm, nếu thuận lợi thu lời gấp mấy chục lần trồng mía.
Còn tại huyện Cù Lao Dung (Sóc Trăng), diện tích đào mới ao nuôi tôm nước lợ phát triển với tốc độ khá nhanh. Theo ông Trần Văn Hòa, Chủ tịch UBND huyện, năm 2013 nhiều hộ phá mía nuôi tôm với diện tích 110ha, còn từ đầu năm 2014 tăng lên trên 200ha.
Ông Nguyễn Hoàng Phục (ngụ xã An Thạnh Nhì, huyện Cù Lao Dung) cho biết: Hiện, giá bán 1ha mía từ 43-50 triệu đồng, với mức này, nông dân không có lời. Trong khi đó, 1ha đất trồng mía nếu cho thuê là 350 triệu đồng trong thời gian 5 năm và người thuê trả tiền một lần.
Như vậy, bình quân 1 công đất (1.000m2) cho thuê được hơn 5 triệu đồng, người trồng mía không cần đầu tư cũng thu lợi nhuận 5 triệu đồng/năm. Chính vì thế, những ruộng mía nhanh chóng “biến” thành ao nuôi tôm ngày càng nhiều.
Điều đáng lo ngại là việc nuôi tôm không nằm trong qui hoạch mà do tự phát của người dân. Nếu ở thị trấn Cù Lao Dung nhiều hộ phá mía đào ao nuôi tôm thì tại xã Đại Ân 1 (huyện Cù Lao Dung), chúng tôi thấy có một số hộ đào duy nhất 1 ao nuôi tôm giữa bạt ngàn cánh đồng mía. Việc nuôi lẻ như vậy sẽ dẫn tới rủi ro rất cao.
Trước thực trạng phá mía, đào ao nuôi tôm ở một số địa phương, ông Quách Văn Nam, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, khuyến cáo: “Tình hình tự phát phá mía nuôi tôm ở Cù Lao Dung là không nên. Tôi đề nghị địa phương cần làm rõ những tổn hại để cảnh báo nông dân.
Chúng ta không chạy theo lợi nhuận trước mắt sẽ làm ảnh hưởng đến tài nguyên đất đai, tài nguyên nước ngầm. Vấn đề là phải làm đúng quy hoạch để đảm bảo tính bền vững trong sản xuất”.
Related news
Khoai tây là cây trồng trong vụ đông có năng suất ổn định và có giá trị kinh tế cao, là nguồn nguyên liệu quan trọng trong công nghiệp chế biến. Tuy nhiên, trong những năm gần đây diện tích trồng khoai tây có xu thế tăng chậm, nguyên nhân chính là nguồn lao động trong nông thôn ngày một giảm do chuyển sang kinh doanh dịch vụ hay đi lao động ở các ngành nghề khác. Mặt khác chi phí sản xuất trồng khoai tây thường cao, nhất là khâu làm đất, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh. Đặc biệt, những năm gần đây nhiều hộ nông dân không dùng rơm rạ phục vụ đời sống dân sinh, rơm rạ cũng ít được sử dụng làm phân hữu cơ. Xuất phát từ thực tế đó, vụ đông năm 2011 Chi cục Bảo vệ thực vật (BVTV) Hưng Yên đã triển khai mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ, góp phần giải quyết những khó khăn trên.
Sau hơn 1 năm thực hiện thí điểm bảo hiểm nông nghiệp (BHNN) về cây trồng, vật nuôi và thủy sản theo Quyết định 315 của Thủ tướng Chính phủ, Hà Nội đã bước đầu đạt được những kết quả đáng mừng...
Ông Nguyễn Vân Thanh, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng Thủy sản Kiên Giang cho biết, từ đầu năm 2013 đến nay, các huyện thuộc vùng U Minh Thượng rộ lên phong trào nuôi tôm sú "châu Phi". Giống này được các cơ sở tôm giống bán với giá rất cao (75 đồng/con, cao hơn từ 25 - 30 đồng/con so với tôm giống bình thường), kèm theo những lời quảng cáo về sức đề kháng bệnh, tốc độ sinh trưởng và hiệu quả kinh tế của loại tôm này.
Do lũ rút, cua đồng ít dần nên giá cua tại các chợ huyện, thị, thành ở tỉnh An Giang đã tăng đáng kể. Cụ thể giá cua từ 50.000 - 70.000 đồng/kg, còn càng cua giá 120.000 - 160.000 đồng/kg.
Từ tháng 6.2013, Trung tâm Khuyến nông - khuyến ngư (KN-KN) tỉnh Quảng Nam phối hợp với Trạm Khuyến nông - khuyến lâm huyện Điện Bàn thí điểm mô hình nuôi heo thịt trên nền đệm lót sinh thái. Ông Lê Thương, Trưởng phòng Thông tin - huấn luyện (Trung tâm KN-KN tỉnh) cho biết, đệm lót sinh thái trên nền chuồng chăn nuôi chủ yếu sử dụng mùn cưa hoặc trấu. Mùn này đựơc rải lên nền chuồng, sau đó kết hợp với một lớp men vi sinh vật có ích.