Tôm chết hàng loạt, người nuôi tôm Quảng Trị lao đao
Dịch bệnh trên tôm nuôi đang gây khó khăn cho nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị.
Diện tích tôm bị bệnh hơn 223 ha, chiếm hơn 20% tổng diện tích nuôi tôm toàn tỉnh Quảng Trị, gây thiệt hại lớn cho người nuôi tôm.
Cù lao Bắc Phước (gồm cả ba thôn là Duy Phiên, Hà La và Dương Xuân) là vùng nuôi tôm tập trung lớn nhất của xã Triệu Phước (Triệu Phong), với 90 hộ nuôi tôm trên diện tích hơn 66 ha. Người dân ở đây đã chuyển đổi phần lớn diện tích đất ruộng để đào ao, thả tôm.
Đến nay, khi dịch bệnh bùng phát, ảnh hưởng đến 90% diện tích nuôi tôm đã khiến cho đời sống của bà con gặp rất nhiều khó khăn, nhiều hộ đứng trước nguy cơ mất trắng, vỡ nợ. Bình quân mỗi ha người dân đầu tư gần 100 triệu đồng tiền vốn mua con giống.
Ông Trần Văn Dương, ở thôn Dương Xuân, xã Triệu Phước (Triệu Phong) cho biết: Gia đình nuôi hai ao tôm, cả hai ao đều bị bệnh, thiệt hại hơn trăm triệu đồng. Ông Dương cho biết thêm, nhiều hộ dân ở đây cũng lâm vào hoàn cảnh như ông, chấp nhận mất trắng vì không thể kiểm soát được dịch bệnh.
Tôm chết hàng loạt, hồ tôm bị bỏ hoang đợi mùa sau cải tạo nuôi lại.
Theo Chủ tịch UBND xã Triệu Phước Nguyễn Vũ Sĩ, hiện nay trên địa bàn xã Triệu Phước có 149 ha nuôi tôm, trong đó diện tích tôm bị bệnh hơn 55 ha. Nguyên nhân chủ yếu là do thời tiết không thuận lợi khiến dịch bệnh bùng phát nhanh.
Cơ sở vật chất của các ao nuôi không bảo đảm, việc vệ sinh ao nuôi chưa thực hiện triệt để khiến mầm bệnh phát triển. Các hộ khi phát hiện bệnh không báo cáo kịp thời mà tự ý xả thải ra các hồ xung quang khiến dịch bệnh lây lan...
Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, năm nay, tỉnh Quảng Trị không có kinh phí mua hóa chất phòng chống dịch bệnh thủy sản nên khi tôm nuôi xảy ra dịch bệnh hầu hết các hộ nuôi đã không báo với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng lấy mẫu tìm nguyên nhân mà tự xử lý hoặc thải trực tiếp ra môi trường.
Vì vậy, trên thực tế số diện tích bị bệnh có thể còn lớn hơn nhiều so với số liệu thống kê, thậm chí có hồ nuôi bị bệnh đến lần thứ hai, gây thiệt hại lớn cho người dân và nguy cơ lây nhiễm cho vùng nuôi trên diện rộng.
Ngoài nguyên nhân trên, việc lựa chọn con giống trôi nổi, không rõ nguồn gốc, không bảo đảm chất lượng và thiếu kinh phí để đầu tư máy móc, vệ sinh ao nuôi cũng góp phần khiến dịch bệnh bùng phát. Theo kết quả xét nghiệm của Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị đối với hơn 79/223 ha tôm bị bệnh trong thời gian qua, thì các bệnh chủ yếu tôm mắc phải là hội chứng hoại tử gan tụy cấp tính, đầu vàng và đốm trắng.
Không chỉ riêng xã Triệu Phước, tại các xã Triệu An, Triệu Lăng (Triệu Phong), Hải An, Hải Khê (Hải Lăng) dịch bệnh trên tôm cũng diễn ra trên diện rộng.
Năm nay, tỉnh Quảng Trị không có kinh phí mua hóa chất phòng chống dịch bệnh thủy sản, đồng thời khi phát hiện dịch bệnh xảy ra, hầu hết các hộ nuôi không báo với cơ quan chức năng để tìm cách khắc phục mà tự ý xả thải trực tiếp ra môi trường.
Vì vậy, tình hình dịch bệnh càng phức tạp và khó kiểm soát, diện tích bị bệnh có thể còn tăng lên trong thời gian tới.
Để hạn chế dịch bệnh tiếp tục lây lan, Chi cục Thú y tỉnh Quảng Trị khuyến cáo người nuôi tôm cần tăng cường kiểm tra ao nuôi, bảo đảm môi trường nước trong ao và sức khỏe tôm nuôi để kịp thời phát hiện dịch bệnh. Các hộ nuôi cũng cần ý thức cao hơn nữa từ việc chọn con giống đến việc theo dõi, giám sát trong quá trình nuôi, nhất là tránh để nguồn nước nhiễm bệnh lan ra ngoài, gây khó khăn cho công tác kiểm soát dịch bệnh.
Khi phát hiện dịch bệnh cần thực hiện nghiêm việc khai báo với cơ quan thú y và chính quyền địa phương. Tỉnh Quảng Trị đã trích ngân sách hỗ trợ 30 triệu đồng/ha tôm bị nhiễm bệnh.
Related news
Phòng Kinh tế huyện Thanh Trì (Hà Nội) vừa triển khai thí điểm mô hình nuôi gà Ai Cập siêu trứng tại xã Tả Thanh Oai. Đây là giống gà siêu trứng có nhiều ưu điểm như dễ chăm sóc, tốn ít thức ăn, chất lượng trứng cao. Mô hình này đang mở ra triển vọng làm giàu cho người nông dân trên địa bàn.
Bổ sung nguồn lợi thủy sản ở vùng đầm phá, tạo sinh kế cho bà con ngư dân, Chi hội nghề cá Hà Giang (xã Vinh Hà, huyện Phú Vang - Thừa Thiên Huế) vừa tự nguyện góp tiền thả 3 tạ cá dìa, kích cỡ 2cm ra đầm phá.
Ông Đinh Như Trực (58 tuổi), ở thôn Di Tây, xã Phú Hồ, huyện Phú Vang, là người đầu tiên ở Thừa Thiên - Huế nuôi ếch trong lồng lưới.
Dù đã trải qua nhiều thăng trầm, song qua thời gian, mô hình luân canh tôm - lúa đã thể hiện nhiều ưu thế phù hợp với xu thế phát triển chung; nhất là tạo ra sản phẩm sạch, mang lại hiệu quả kinh tế cao và bền vững.
Năm 2012, toàn tỉnh Sóc Trăng bị thiệt hại nặng nề do nạn tôm chết trên diện rộng. Diện tích tôm bị chết lên đến gần 24.000 ha, chiếm hơn 56% diện tích thả nuôi, trong đó chủ yếu là tôm sú. Đa số diện tích nuôi tôm sú bị chết là do bị bệnh đốm trắng và hoại tử dưới vỏ. Chính vì vậy, vụ nuôi tôm 2013 này, bà con nông dân đã cạn kiệt vốn, không còn khả năng đầu tư mới. Cho đến giữa tháng 5/2013 mà diện tích nuôi tôm mới đạt 20% kế hoạch. Ngành thủy sản đã đúc kết mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng để phổ biến cho bà con nông dân xem đó là cứu cánh cho vùng nuôi tôm Sóc Trăng.