Nuôi cá sấu làm xấu suối Tiên
Thế nhưng, hơn một năm trở lại đây, thắng cảnh này ngày càng ô nhiễm trầm trọng do chất thải chưa qua xử lý từ một trại nuôi cá sấu quy mô lớn thấm ra.
Nhiều người dân khi tiếp xúc với nguồn nước đã bị ngứa và ghẻ lở nổi khắp người. Còn du khách trong và ngoài nước, do không được cảnh báo nên vẫn thản nhiên tắm, lội.
Người bị ghẻ lở, thắng cảnh chết dần
Dòng suối Tiên không chỉ là thắng cảnh du lịch nổi tiếng, mang dấu ấn đặc trưng của thành phố biển Phan Thiết, đây còn là nguồn nước tưới tiêu phục vụ cho các hộ làm nông tại xã Thiện Nghiệp và phường Hàm Tiến.
Thế nhưng, từ năm 2007, khi Công ty TNHH Mỹ Đoàn (nay là Công ty TNHH SXTM Thiện Mỹ, thuộc xã Thiện Nghiệp) bắt đầu nuôi cá sấu giống và thương phẩm, vô tư xả chất thải nuôi cá chưa qua xử lý ra môi trường, đã khiến chất lượng nguồn nước của suối Tiên và sức khỏe người dân bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Ông L.T.H. (thôn Thiện Trung, xã Thiện Nghiệp) bức xúc: “Khi trại nuôi cá sấu mới đi vào hoạt động, do số lượng cá còn ít nên dòng suối chưa bị ảnh hưởng nhiều.
Từ khoảng hơn một năm trở lại đây, khi cơ sở này được mở rộng, dòng suối Tiên trở nên đục ngầu, nước có mùi hôi nồng nặc, nhất là vào sáng sớm và giữa chiều”.
Nghiêm trọng hơn, thời gian qua, hàng chục hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch, canh tác lúa và hoa màu sống gần dòng suối này đều có biểu hiện bị ghẻ lở, mụn nhọt nổi khắp người.
Đưa đôi chân có nhiều vết lở loét, anh P.Đ.N. (thôn Thiện Trung) nhăn nhó: “Cách đây gần một tháng, tôi bơm nước từ suối lên để tưới cây trồng thì ngửi thấy mùi rất khó chịu.
Về nhà được vài ngày thì chân, tay bỗng nhiên nổi mụn, ngứa ngáy khó chịu, phát sốt về đêm.
Đi khám da liễu, bác sĩ nói tôi bị viêm da do nguồn nước, uống thuốc cả tháng vẫn chưa khỏi”. Gia đình anh N. có 4 người và tất cả đều có triệu chứng giống như anh.
Do không được cảnh báo, du khách nước ngoài vô tư lội dưới dòng suối đang bị ô nhiễm
Hiện tại, một số hộ dân kinh doanh dịch vụ du lịch gần cầu Suối Tiên (phường Hàm Tiến) đã phải tạm dừng tour dẫn khách đi tham quan, khám phá dòng suối này, vì chân tay họ cũng đang bị ngứa và lở loét.
“Nhiều khách quốc tế yêu cầu dẫn đi tham quan suối Tiên nhưng tôi phải từ chối và cũng cảnh báo họ không nên đi vì sợ làm mất uy tín của ngành du lịch địa phương”, chị N.T.A.Đ. cho biết.
Nhưng thực tế, nhiều du khách do không thấy biển cảnh báo, cũng như không nhận được thông tin từ ngành chức năng nên vẫn cứ vô tư tắm, lội dưới suối.
Né tránh, cố tình không khắc phục
Khi chúng tôi liên lạc với bà Nguyễn Thị Mỹ để tìm hiểu thông tin người dân phản ánh, thì chủ công ty nuôi cá sấu này cố tình né tránh, không tiếp xúc. Trao đổi về vấn đề này, ông Phan Văn Phước, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thiện Nghiệp, cho biết:
“Thời gian qua, tại các buổi tiếp xúc cử tri, người dân đã liên tiếp phản ánh tình trạng công ty cá sấu của bà Mỹ xả chất thải ra môi trường gây ảnh hưởng sức khỏe và sản xuất của nhân dân. Dù chúng tôi đã báo cáo lãnh đạo cấp trên nhưng tình trạng này vẫn chưa được khắc phục”.
Theo một vị lãnh đạo của TP Phan Thiết, cuối tháng 9 vừa qua, UBND thành phố cùng ngành chức năng đã kiểm tra lần thứ 3 tại công ty và khảo sát chất lượng nguồn nước suối Tiên.
Dù đã có quyết định xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 15,5 triệu đồng vì đã vi phạm cam kết bảo vệ môi trường vào năm 2013 và được yêu cầu phải xây dựng công trình xử lý môi trường đạt chuẩn, nhưng đến thời điểm hiện tại, công ty này vẫn chưa thực hiện đúng như cam kết.
Còn đại diện Sở TN-MT tỉnh Bình Thuận thông tin, qua kiểm tra, đến tháng 8-2015, Công ty TNHH SXTM Thiện Mỹ có diện tích nuôi cá sấu hơn 17.000m2, với 3.540 con cá sấu lớn nhỏ được nhốt trong 50 chuồng nuôi.
Hiện công ty này vẫn chưa đầu tư hệ thống xử lý nước thải, cũng không thực hiện báo cáo giám sát môi trường định kỳ 6 tháng/lần gửi về Phòng TN-MT TP Phan Thiết như quy định.
Nước thải trong quá trình nuôi cá sấu được công ty cho chảy trực tiếp ra 3 ao sau trang trại nhưng không qua xử lý, dẫn đến nước thải bị thấm ra suối Tiên và gây ảnh hưởng đến môi trường sống của các hộ dân xung quanh.
Related news
Ông Trần Phượng ở xóm Tân Hương 2, xã Thanh Hối, huyện Tân Lạc (Hòa Bình) đến với nghề nuôi ong là một sự tình cờ và gắn bó với nó. Nhưng cái duyên đó bắt đầu từ việc làm quen, nuôi nhỏ lẻ 1-2 đàn đến ham thích nghề nuôi ong và chịu khó học hỏi, rút kinh nghiệm qua thực tế công việc, đã mang lại thu nhập cao cho gia đình.
Dịch cúm gia cầm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước làm người tiêu dùng e ngại sử dụng các sản phẩm gia cầm, khiến mặt hàng này bị giảm sức mua và rớt giá. Mặc dù Đà Nẵng chưa xuất hiện dịch nhưng những tiểu thương buôn bán mặt hàng này ở các chợ cũng đang thấp thỏm lo lắng khi sức tiêu thụ mỗi ngày giảm mạnh.
Theo ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, dịch cúm gia cầm (CGC) A/H5N1 đã bùng phát tại huyện Càng Long, Tiểu Cần, Cầu Kè và nguy cơ lây lan trên diện rộng rất cao. Do đó, ngành chuyên môn, ngành chức năng của tỉnh đang theo dõi sát tình hình diễn biến của loại dịch bệnh hết sức nguy hiểm này để có giải pháp ứng phó kịp thời.
Buổi sáng, chỉ cần vệ sinh chuồng trại, đến khoảng 3 giờ chiều thì cho nhím ăn, mỗi ngày cho ăn một lần là đủ. Nhím thuộc loài gặm nhấm nên đa phần là ăn về đêm.
Cùng với sự phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất nông nghiệp đã có những bước tiến rõ rệt, việc người nông dân đưa nhiều giống cây, con đặc sản vào nuôi, trồng không phải là chuyện hiếm gặp.