Tôm Càng Xanh Toàn Đực Cứu Nông Dân
Thời gian gần đây, ở huyện Thoại Sơn và Châu Phú, ngành Nông nghiệp tỉnh An Giang đã đưa giống tôm càng xanh toàn đực vào nuôi thay thế tôm càng xanh trước đây. Việc thay thế này bước đầu đã mang lại hiệu quả cao cho người nông dân.
Thực trạng
Tôm càng xanh toàn đực là giống tôm cải thiện di truyền có xuất sứ từ Israel (một ứng dụng mới mang hàm lượng khoa học cao). Trong quá trình cho sinh sản, tôm cái được loại bỏ, tôm đực được để lại phát triển. Tôm đực nuôi lớn nhanh, tỷ lệ sống cao, kích cỡ đồng đều. Thời gian nuôi từ 4 – 6 tháng là thu hoạch. Thịt chắc, thơm ngon, được người tiêu dùng ưa thích.
“Tôm toàn đực đã cứu nông dân vùng này” - ông Văng Công Hường, hộ nuôi tôm xã Phú Thuận (Thoại Sơn), nói. Phong trào nuôi tôm mùa lũ của nông dân trong tỉnh bắt đầu từ năm 1998 với diện tích 4 héc-ta của ông Trần Văn Săn (xã Phú Thuận). Lúc đó, con giống được nhập từ Thái Lan. Cao điểm của phong trào nuôi tôm trong mùa lũ là năm 2002 – 2003, với diện tích thả nuôi lên đến 460 héc-ta (220 hộ). 5 năm trở lại đây, diện tích nuôi tôm càng xanh sụt giảm đáng kể, nay chỉ còn 158 héc-ta với 46 hộ nuôi. Nguyên nhân là do con giống không đạt chất lượng, năng suất thấp, môi trường nước bị ô nhiễm, giá cả bấp bênh nên nông dân “trắng tay”.
“Những năm trước, con giống tôm càng xanh bị bệnh đục thân nên tỷ lệ hao hụt rất cao. Thời điểm xảy ra loại bệnh này là từ năm 2008 - 2009. Ở xã Phú Thuận đã có nhiều vuông tôm do bị bệnh này và chết muốn hết vuông” - anh Lê Văn Sang, cán bộ Thủy sản, xã Phú Thuận, chia sẻ.
Trước thực trạng này, Trung tâm Giống thủy sản An Giang kết hợp với Công ty TNHH Dịch vụ - Thương mại - Sản xuất Bước Tiến Xanh (TP. Hồ Chí Minh) và Tập đoàn Tiran (Israel) đưa giống tôm càng xanh toàn đực từ Israel về nuôi thử nghiệm tại đồng ruộng An Giang, bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Vụ tôm 2013, ông Văng Công Hữu (xã Phú Thuận) thả nuôi thử nghiệm tôm càng xanh toàn đực trên diện tích 5 héc-ta. Sau 6 tháng nuôi, tôm cho năng suất trung bình 1,4 tấn/héc-ta, trừ chi phí đầu tư (từ 120 triệu – 130 triệu đồng/héc-ta), ông Hữu lãi được từ 70 triệu – 80 triệu đồng/héc-ta.
“Tôm càng xanh toàn đực Israel tỷ lệ sống trên 80%, cao hơn nhiều so với giống tôm trước đây. Tôm phát triển rất đồng đều, ít bệnh, nuôi từ 4 – 6 tháng là thu hoạch. Năng suất thấp nhất cũng 1,2 tấn/héc-ta - ông Hữu chia sẻ. Ở Phú Thuận, ngoài ông Hữu thả nuôi 5 héc-ta trong niên vụ 2013, còn có ông Văng Công Hường, thả nuôi 1,5 héc-ta cho năng suất bình quân 1,5 tấn/héc-ta và nhiều hộ nuôi khác.
Bà Nguyễn Thị Ngọc Trinh, Giám đốc Trung tâm Giống thủy sản An Giang cho biết, năm 2014, giá con giống tôm càng xanh toàn đực (loại 80.000 – 90.000 con/kg) do trung tâm bán ra là 450 đồng/con. Nuôi tôm càng xanh toàn đực là chương trình ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp nhằm tăng hiệu quả kinh tế trên cùng một diện tích nuôi. Năm 2013, trung tâm đã đưa ra cộng đồng nuôi thử nghiệm 13 triệu con giống, cho hiệu quả cao. Dự kiến năm 2014, trung tâm sẽ sản xuất và đưa ra cộng đồng 250 triệu con giống để phục vụ nông dân trong tỉnh và các tỉnh ĐBSCL” - bà Trinh cho biết.
Để phát triển bền vững, nông dân nuôi tôm cần liên kết lại với nhau, chủ động hợp tác với các đơn vị tiêu thụ (thông qua hợp đồng kinh tế), nhằm tìm đầu ra ổn định cho con tôm.
Related news
Với nghị lực phi thường, anh Đặng Anh Tuấn (sinh năm 1957), trú ở xã Xuân Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An) đã một mình chinh phục những quả đồi hoang lập trang trại. Giấc mơ được sánh vai với những tỷ phú nông dân trên thế giới của anh đã trở thành hiện thực…
“Nhờ được Agribank hỗ trợ kịp thời nguồn vốn 3,5 tỷ đồng, con tàu đánh bắt xa bờ 510CV đã hoàn thành đúng tiến độ và chuẩn bị ra khơi hứa hẹn đón những mẻ cá đầu tiên”- ngư dân Lê Văn Thức, xã Nghĩa An, huyện Tư Nghĩa (Quảng Ngãi) chia sẻ.
Đến nay, toàn huyện Đông Giang (Quảng Nam) có hơn 450ha trồng chuối chuyên canh, trong đó hơn 300ha trồng tập trung, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Theo ngành nông nghiệp tỉnh Trà Vinh, vùng ngập mặn, ven biển thuộc hai huyện Cầu Ngang và Duyên Hải hiện có hơn 1.000 hộ dân thả nuôi khoảng 300 triệu con tôm thẻ chân trắng giống, trên diện tích gần 500ha theo hình thức thâm canh.
Xã Lý Nhơn được xem là nơi sản xuất muối chiếm diện tích lớn nhất tại huyện Cần Giờ, TP.HCM. Những năm gần đây, nhiều nông dân xã đã mạnh dạn chuyển đổi từ hình thức sản xuất muối truyền thống (trên nền đất) sang sản xuất muối sạch trên bạt (muối trải bạt).