Tổ Giúp Nhau Phát Triển Kinh Tế Ở Thôn 8, Xã Nhân Đạo

Từ thực tế nhiều gia đình thiếu vốn, thiếu kiến thức về khoa học kỹ thuật để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp, 22 hộ dân ở thôn 8 xã Nhân Đạo (Đắk R’lấp) đã thành lập Tổ giúp nhau phát triển kinh tế. Qua nhiều năm hoạt động, tổ thực sự đã là chỗ dựa tin cậy cho các tổ viên trong việc xóa đói giảm nghèo, làm giàu bền vững trên chính mảnh đất của mình.
Cụ thể, những năm trước đây, dù có gần 1 ha đất trồng các loại cây ngắn ngày nhưng gia đình ông Bùi Văn Cầu vẫn không phát triển sản xuất một cách hiệu quả. Thế nhưng 2 năm trở lại đây, khi tham gia vào Tổ giúp nhau phát triển kinh tế, cuộc sống của gia đình ông ngày càng trở nên khấm khá hơn nhờ đã biết cách tổ chức lại sản xuất theo hướng phù hợp.
Ông Cầu cho biết: “Nhờ tham gia sinh hoạt, giao lưu học hỏi ở các hộ khác mà tôi biết hoạch toán giá trị kinh tế trên cùng diện tích để chọn loại cây trồng nào cho lợi nhuận cao hơn. Mỗi năm sau khi trừ chi phí, tôi cũng có lãi trên 100 triệu đồng”.
Còn gia đình ông Võ Cư lại được tổ cho vay vốn 10 triệu đồng để mua sắm máy móc, ống nước phục vụ việc sản xuất trên 1 ha cà phê, tiêu. Theo ông Cư thì trước thực tế vườn cây đã bước vào giai đoạn kinh doanh, nhu cầu mua sắm hệ thống máy bơm nước, phun thuốc bảo vệ thực vật là rất bức thiết.
Nhưng những năm qua, ông vẫn chưa tích lũy được vốn mua nên mỗi khi có nhu cầu là phải đi mượn hoặc thuê. Từ 2 năm nay, khi đầu tư hệ thống máy móc, ống tưới việc chăm sóc, phòng bệnh cho vườn cây của gia đình trở nên thuận tiện và hiệu quả hơn rất nhiều.
Ông Cư cho biết thêm: “Vườn cây của gia đình nhờ được chăm sóc đúng thời điểm nên ngày càng phát triển tốt, ít sâu bệnh nên chắc chắn sẽ đảm bảo năng suất ổn định, năm ngoái cũng đạt mức 2 tấn cà phê, 1 tấn tiêu”.
Theo ông Nguyễn Vân, Tổ trưởng Tổ giúp nhau phát triển kinh tế thôn 8 xã Nhân Đạo thì hàng năm thông qua các ban, ngành đoàn thể của xã, tổ luôn giúp các hội viên tham gia vào các lớp tập huấn, hội thảo về phát triển kinh tế. Qua đó, hội viên luôn được tiếp cận với những kiến thức, kinh nghiệm mới trong trồng trọt, chăn nuôi, chuyển đổi cơ cấu cây trồng để phát triển kinh tế gia đình.
Những hộ có nhu cầu về vay vốn, tư vấn kỹ thuật đều được tổ theo dõi, giám sát, hướng dẫn để đạt hiệu quả tối ưu, hoàn trả vốn đúng thời hạn. Đến mùa vụ, tổ còn giúp nhau về ngày công, kỹ thuật, phơi sấy, bảo quản sản phẩm. Vì thế, hiện nay, đời sống của tất cả tổ viên ngày càng nâng cao, nhiều hộ có mức thu nhập trừ chi phí từ 100 - 300 triệu đồng/năm.
Related news

Trái trúc là loại cây sống ở vùng đồi núi cùng họ với chanh, trái có vị chua dùng để lấy nước, đặc biệt có mùi thơm giữ rất lâu.

Dịch cúm gia cầm xảy ra ở VN vào thời điểm cuối năm 2003, đến nay đã hơn 10 năm. Thế nhưng đến nay dịch cúm vẫn hoành hành và gây thiệt hại rất nặng.

Cùng với tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra và cá ba sa, cá rô phi là một trong những loài thuỷ sản có giá trị kinh tế cao, không chỉ đáp ứng nhu cầu thị trường nội địa mà còn để xuất khẩu.

Mấy năm trở lại đây, cá lóc trở thành vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp người dân Đức Phổ (Quảng Ngãi) từng bước thoát nghèo. Tuy nhiên, trong khi người nuôi cá vui vì có thu nhập khá thì những hộ dân xung quanh lại phải “gánh” nỗi lo vì môi trường bị ô nhiễm.

"Nếu tôi là họ sẽ không tham gia dự án này vì chưa nhìn thấy hiệu quả. Thêm nữa, sẽ bấu víu vào đâu khi kịch bản xấu nhất xảy ra?"