Tín Hiệu Phát Triển Bò Sữa Ở Bảo Lộc (Lâm Đồng)
Đã có “địa lợi” và “nhân hòa”, nhưng khi mới bắt tay nuôi bò sữa, người dân Bảo Lộc chưa gặp được “thiên thời”. Bởi cách đây khá lâu, người chăn nuôi bò sữa thiếu vốn, thiếu kinh nghiệm, thiếu đồng cỏ… đã đành, nhưng đến lúc sản xuất được sữa tươi rồi, thì việc đem bán cũng lắm nhiêu khê. Chỉ mấy năm gần đây, nghề chăn nuôi bò sữa tại Bảo Lộc mới bắt đầu có “tín hiệu” phát triển đáng mừng.
Nghề chăn nuôi bò sữa tại thành phố Bảo Lộc bắt đầu “manh nha” từ những năm 1990. Ban đầu, tổng đàn chỉ có 120 con, rồi tăng lên trên dưới 200 con. Trong thời gian này, nông dân không có sự lựa chọn nào khác là “bỏ mối” cho người làm sữa chua (yaour) và bán tại Điểm thu mua của DalatMilk (ở phường Lộc Sơn). Do giá cả bấp bênh và việc tổ chức thu mua không ổn định, nên đàn bò sữa tại Bảo Lộc chỉ cầm chừng ở con số nói trên.
Từ những năm 2008 trở lại đây, nhờ giá sữa tươi nguyên liệu tương đối cao và ổn định, Công ty Vinamilk tổ chức trạm thu mua (tại xã Lộc Châu) và cam kết thu mua hết lượng sữa tươi thương phẩm cho nông dân, nên phong trào chăn nuôi bò sữa tại thành phố Bảo Lộc bắt đầu phát triển khá nhanh.
Đến nay, tại thành phố Bảo Lộc đã có trên 175 hộ nông dân ở các xã, phường đã phát triển thêm nghề chăn nuôi bò sữa, với tổng đàn trên 900 con; trong đó, có gần 500 con cho sữa, với lượng sữa mỗi ngày trên 8.500kg.
Theo Trung tâm Nông nghiệp TP Bảo Lộc: Hiện nay, thành phố đã có tới 10 trong tổng số 11 xã, phường bắt đầu phát triển chăn nuôi bò sữa (bình quân mỗi hộ nuôi trên 5 con). Đơn vị nuôi bò sữa nhiều nhất là xã Đại Lào (70 hộ); kế đến là xã Lộc Châu (35 hộ), phường Lộc Tiến (24 hộ), phường II (20 hộ), xã Đam Bri (16 hộ)…
Giống bò sữa chủ yếu được nuôi hiện nay là giống HF Hà Lan (phổ biến là giống HF lai F2 và F3). Giống bò này cho khoảng 5.000 đến 5.500kg sữa/1 chu kỳ. Phương thức nuôi bò phổ biến của bà con nông dân ở đây là nuôi nhốt. Trong số nông dân nuôi bò sữa ở thành phố, hiện có khoảng 65% số hộ đã trang bị máy vắt sữa và máy cắt (băm nhỏ) cỏ…
Mới đây, UBND thành phố Bảo Lộc đã họp với đại diện các ngành liên quan của thành phố cùng các ngành của tỉnh, Công ty Vinamilk và Ngân hàng Đầu tư Phát triển (BIDV) để bàn giải pháp triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa của thành phố Bảo Lộc giai đoạn 2015 - 2020.
Tại cuộc họp này, UBND thành Bảo Lộc đã ký Biên bản ghi nhớ với BIDV và Công ty Vinamilk về việc đầu tư vốn và bao tiêu sản phẩm sữa tươi cho nông dân.
Tại Đại Lào, 70 hộ nông dân trong xã nuôi gần 450 bò sữa (trên 50% đã cho sữa), chiếm gần ½ tổng đàn bò sữa của cả thành phố Bảo Lộc. Ông Nguyễn Xuân Thán (ở thôn 9, vừa nuôi bò lấy sữa vừa bán giống) là nông dân nuôi nhiều nhất, hiện có 21 con; trong đó, có 8 con cho thu hoạch 160kg sữa mỗi ngày. Ông Nguyễn Xuân Sang (thôn 8) hiện nuôi 18 con; trong đó, có 7 con cho thu hoạch 140 lít sữa mỗi ngày.
Ông Nguyễn Xuân Các (thôn 8) vừa nuôi heo vừa nuôi bò sữa, với tổng đàn hiện nay có 90 heo nái, trên 800 heo thịt và 10 bò sữa…
Ông Nguyễn Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đại Lào, cho biết: “Nhờ đem lại hiệu quả kinh tế cao và khâu tổ chức thu mua tốt, nên bà con trong xã đã mạnh dạn phát triển nuôi bò sữa. Thôn 8 là thôn nuôi nhiều bò sữa nhất xã (35 hộ), nên trạm thu mua đã tổ chức 1 điểm thu mua tại đây. Cứ đều đặn mỗi ngày, “Chợ sữa” hoạt động từ lúc 6 giờ 30 - 7 giờ 30 và lúc 16 giờ - 17 giờ. Thuận tiện cho bà con các thôn đem bán sữa tại đây”.
Tại xã Lộc Châu, những hộ nuôi nhiều nhất hiện có từ 10 đến 12 con. Ông Lưu Văn Thanh (ở thôn Tân An) cho biết, nhà ông có 4 anh em đều nuôi bò sữa.
Riêng gia đình ông, từ trước đến nay vẫn nuôi heo nái, thấy phong trào nuôi bò sữa phát triển, gần 2 năm nay, ông nuôi thêm bò sữa. Đàn bò của ông hiện tại còn 12 con. Ông trao đổi với chúng tôi: “Nuôi bò sữa, nếu không gặp rủi ro thì cho thu nhập cao, nhưng đòi hỏi phải có nhiều vốn.
Một con giống đẹp, tốt có giá từ 70 đến 85 triệu đồng. Mặt khác, do nguồn cung cấp chưa ổn định, ban đầu mua con giống, nhiều nông dân gặp phải rủi ro, mà phổ biến là bò thường bị “sụp” (yếu) chân sau. Riêng gia đình tôi đã có 3 con bò bị tình trạng này, nên buộc phải bán thịt! Một cái khó nữa là đất để trồng cỏ làm thức ăn cho bò, hầu như bà con đều thiếu và phải trồng cỏ ở xa…”.
Cũng theo Trung tâm Nông nghiệp thành phố, diện tích đất trồng cỏ của bà con nông dân hiện chỉ có khoảng 65ha. Phần lớn bà con trồng cỏ Voi, cỏ Sả, cỏ VA06. Tuy các giống cỏ này cho năng suất cao (300 - 350 tấn/1ha/năm) nhưng chỉ mới giải quyết được 70% nhu cầu thức ăn xanh cho bò trong mùa mưa.
Còn lại 30%, bà con phải cắt cỏ tự nhiên và sử dụng thêm các nguồn thức ăn khác. Đến mùa khô hạn, thức ăn cho bò sữa lại thiếu trầm trọng. Một số nông dân đã dự trữ cỏ bằng cách ủ chua, phơi khô hoặc dùng rơm rạ từ các nơi, nhưng vẫn còn thiếu!
Vấn đề mà bà con nông dân nuôi bò sữa ở thành phố Bảo Lộc quan tâm nhất là “đầu ra”. Việc tổ chức thu mua sữa tươi như hiện nay của Công ty Vinamilk khá ổn định, bà con rất mừng.
Tuy nhiên, điều băn khoăn của bà con là tuy giá sữa tươi hiện nay Công ty mua từ 13.700 đồng đến 14.000 đồng/kg, nhưng ít khi nào bà con bán được mức giá này. Bởi lẽ, khi cân đong xong, sữa được chuyển về Công ty. Tuần lễ sau, bà con mới biết được kết quả đánh giá phẩm cấp chất lượng sữa kèm theo mức giá thu mua và được thanh toán tiền.
Thực tế, bà con ai cũng bị trừ tiền do chưa đảm bảo ở mức cao nhất độ khô, chất béo, vi sinh… nên hầu như chỉ bán được với giá 12.000 đồng - 13.000 đồng/kg. Do vậy, bà con mong muốn thành phố Bảo Lộc can thiệp để khắc phục tình trạng nói trên; đồng thời, tổ chức thêm 1 hoặc 2 trạm thu mua của các Công ty khác để có sự cạnh tranh lành mạnh trong thu mua sữa tươi.
Từ thực trạng phát triển và xuất phát từ lợi thế so sánh của địa phương, UBND thành phố Bảo Lộc bắt đầu triển khai Đề án phát triển chăn nuôi bò sữa của thành phố giai đoạn 2015 - 2020. Theo mục tiêu của Đề án là đến năm 2020, đàn bò sữa của thành phố Bảo Lộc tăng lên 3.500 - 3.700 con, với sản lượng sữa tươi đạt khoảng 15.000 tấn/năm.
Để đạt được mục tiêu này, thành phố Bảo Lộc đã đề ra các giải pháp về tuyên truyền, vận động; quản lý và nâng cao chất lượng con giống; quy hoạch, phát triển đồng cỏ và các nguồn thức ăn khác; xây dựng chuồng trại; quản lý môi trường; đầu tư trang, thiết bị; dịch vụ thú y; nâng cao trình độ kỹ thuật cho nông dân; giải quyết vốn đầu tư và khâu tổ chức tiêu thụ sản phẩm sữa tươi.
Nguồn bài viết: http://www.baolamdong.vn/kinhte/201411/tin-hieu-phat-trien-bo-sua-o-bao-loc-2375136/
Related news
Vụ đông 2015, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên trì chủ trương hỗ trợ SX cây trồng truyền thống, nhất là cây ngô.
Giá lúa lao dốc không phanh, cộng thêm thời tiết cực đoan gây thiệt hại thời gian vừa qua làm nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chồng chất khó khăn.
Không chỉ cung cấp lượng trứng lớn làm thực phẩm cho người dân tại xã đảo Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai), trang trại của ông Lý Kế Thường còn là địa chỉ tin cậy, an toàn cung cấp gà giống chất lượng cao.
Ngày 21/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An tổ chức hội thảo kết quả dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI vùng ĐBSCL năm 2015”.
Đối với vườn ổi từ 2 năm tuổi trở lên, mỗi tháng cho thu hoạch 3 lần, năng suất đạt từ 650 – 800 kg/1.000 m2, lấy công làm lời thì lợi nhuận từ 1,9 – 2,4 triệu đồng/1.000 m2/tháng.