Cam Thuỷ (Lệ Thủy - Quảng Bình) Nhiều Gia Trại Thu Nhập Cao Từ Chăn Nuôi
Từ đầu năm 2014 đến nay, hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình liên tục "bội thu" nhờ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi lợn, gà với số lượng lớn. Chỉ tính riêng 9 tháng của năm 2014, xã Cam Thuỷ đã có hàng chục gia trại xuất chuồng được hàng trăm con lợn, vài ngàn con gà, nhờ đó mà thu về lãi ròng trên 300 triệu đồng/1 gia trại...
Xã Cam Thuỷ, huyện Lệ Thuỷ hiện có trên 1.100 hộ dân, với khoảng 4.200 nhân khẩu, sống phân bố tại 9 thôn. Cách đây khoảng chục năm trở về trước, mỗi lần nhắc đến vùng cát Cam Thuỷ, nhiều người lại liên tưởng ngay đến sự cơ cực của không ít hộ dân sinh sống trên những dải cát trắng, cằn cỗi, nối dài đến ngút tầm mắt. Mùa nắng đi rát bỏng chân, mùa mưa gió thổi rát mặt, rồi nạn cát bay, cát chảy liên tục "tấn công" làng mạc...
Ấy vậy mà, ngay trên vùng đất đầy khắc nghiệt đó, mấy năm trở lại đây, hàng chục hộ dân xã Cam Thuỷ đã khiến cho không ít người phải "nể phục". Nhiều nông dân nơi đây đã khắc phục được những khó khăn về điều kiện tự nhiên... của vùng cát để lập nên những gia trại, mỗi năm thu về hàng trăm triệu đồng lãi ròng nhờ mạnh dạn đầu tư phát triển chăn nuôi, trồng trọt, đặc biệt là từ việc nuôi gà, lợn...
Nể nang lắm anh Lê Thanh Trọng, thôn Đặng Lộc 1, xã Cam Thuỷ mới đồng ý cho chúng tôi vào tham quan trang trại nuôi gà, lợn của gia đình anh, nhưng với điều kiện là tất cả mọi người đều phải thực hiện công tác tiêu độc khử trùng theo yêu cầu của anh.
Anh Trọng lý giải: "Gia đình tui sống nhờ cái nghề chăn nuôi gà, lợn đã hơn chục năm nay. Từ miếng cơm, manh áo, phương tiện sinh hoạt hàng ngày, con cái ăn học, xây dựng nhà cửa... đều trông cậy vào việc chăn nuôi gà, lợn là chính. Tài sản mà vợ chồng tui đầu tư vào gia trại này đã lên đến vài trăm triệu đồng.
Nếu người từ bên ngoài vào mà không thực hiện công tác tiêu độc, khử trùng, lỡ ra mang theo mầm bệnh cho đàn gà, lợn thì cả khối tài sản này sẽ... "biến sạch" chỉ trông chốc lát. Nhiều năm nuôi gà, lợn nên tui hiểu công tác thú y quan trọng lắm, không thể chủ quan lơ là được đâu.
Các chú thông cảm, ngay cả mọi thành viên trong gia đình tui cũng buộc phải tuân thủ nghiêm ngặt việc tiêu độc, khử trùng mỗi khi ra vào khu vực chăn nuôi...".
Rồi anh Trọng bày tỏ sự phấn khởi: Mấy năm trước đây, việc đầu tư phát triển chăn nuôi lợn, gà cũng đem về cho gia đình một khoản lợi nhuận tương đối khá, nhưng chưa có năm nào "bội thu" như năm 2014 này. Trong năm nay, nhờ chú trọng về công tác thú y, thời tiết thuận lợi nên gia đình anh xuất chuồng được 3 lứa lợn (mỗi lứa 100 con) và 3 lứa gà (mỗi lứa khoảng 1.000 con).
Giá thu mua lợn, gà cũng khá ổn, lãi ròng hơn hẳn mọi năm... Trường hợp gia trại của anh Trọng mới chỉ là một dẫn chứng cho hàng chục gia trại ở xã Cam Thuỷ liên tiếp "bội thu" nhờ phát triển chăn nuôi gà, lợn...
Anh Trần Như Lĩnh, cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Cam Thuỷ cho biết: Toàn xã Cam Thuỷ hiện có 35 hộ gia đình được cấp giấy chứng nhận gia trại. Bình quân mỗi gia trại đều có diện tích khoảng 1.500 m2.
Từ đầu năm 2014 đến nay, hầu hết các gia trại này đều tập trung vào việc phát triển chăn nuôi gà, lợn và cá. Mức độ đầu tư phát triển chăn nuôi của các gia trại có sự khác biệt nhau, hộ thì chuyên tâm nuôi lợn, hộ chuyên nuôi gà, nhưng một số hộ lại kết hợp chăn nuôi giữa lợn, gà và cá cùng một lúc.
Nếu tính về chăn nuôi lợn, gia trại ít nhất cũng luôn có trong chuồng khoảng 100 con lợn/lứa, hộ nhiều lên tới 300 con lợn/lứa. Tính về nuôi gà, bình quân mỗi gia trại đầu tư ít nhất cũng có quy mô trên 1.000 con gà/lứa, hộ nhiều lên tới 4.000 con gà/lứa...
Qua tìm hiểu được biết, từ đầu năm đến nay, các gia trại chăn nuôi trong xã đều xuất chuồng được 3 lứa gà hoặc lợn (một lứa nuôi khoảng 3 tháng). Nhờ mạnh dạn phát triển chăn nuôi gà, lợn, bình quân mỗi gia trại đã thu về trên 300 triệu đồng lãi ròng, có hộ thu trên 700 triệu đồng tiền lãi, nhờ kết hợp giữa nuôi gà, lợn cùng lúc.
Tiêu biểu như các hộ: Nguyễn Đăng Hùng, Ngô Văn Châu, Ngô Thanh Phương, Ngô Văn Khiêm, Nguyễn Bá Tuân, Lê Khắc Tiệp... Để có được thành quả nói trên, là nhờ thời tiết thuận lợi; kinh nghiệm sản xuất của bà con trong phát triển chăn nuôi ngày càng cao và giá cả thị trường gia súc, gia cầm có những biến động theo chiều hướng có lợi cho người chăn nuôi...
Related news
Hộ chú Trần Văn Hạnh ngụ ấp Nam Hưng, xã Vĩnh Hưng, huyện Vĩnh Lợi là một trong những người đã “biết nuôi” và thành công trong việc chăn nuôi vịt theo quy trình an toàn sinh học, mang lại hiệu quả kinh tế, tạo sản phẩm sạch, giữ gìn môi trường sinh thái.
Chủ tịch UBND tỉnh Hà Tĩnh vừa có Công diện số 16/CĐ-UBND về việc thực hiện các biện pháp cấp bách phòng chống dịch bệnh trên tôm nuôi.
Năm 2011, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp nhiều bất lợi do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, thời tiết khắc nghiệt, dịch bệnh diễn biến bất thường... Để sản xuất nông nghiệp đem lại hiệu quả, các cấp ủy Đảng, chính quyền, ngành chức năng, đặc biệt là nông dân đã cố gắng khắc phục khó khăn, chủ động chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, tập trung mọi nguồn lực thâm canh cây trồng đem lại hiệu quả thiết thực.
Nhằm khai thác triệt để, tiềm năng lợi thế về các điều kiện tự nhiên và xã hội của địa phương để phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp hàng hoá, từ năm 2006, huyện Hạ Lang tiến hành ký kết hợp đồng với huyện Long Châu (Trung Quốc) phát triển trồng mía nguyên liệu xuất khẩu với quy mô đến năm 2015 trồng 1.200 ha.
Trong những ngày lạnh giá của mùa đông, hàng nghìn giáo viên và học sinh các dân tộc huyện Bảo Lâm đã được đón Tết Nhâm Thìn vừa qua trong những căn phòng kỹ túc xá khang trang, sạch đẹp, ấm cúng.