Nông Dân Thành Phố Mỹ Tho Thi Đua Sản Xuất Kinh Doanh Giỏi
Theo báo cáo của Hội Nông dân TP. Mỹ Tho, trong năm 2013, toàn thành phố đã bình chọn được 4.587 hộ nông dân sản xuất - kinh doanh (XSKD) giỏi 3 cấp, trong đó có 400 hộ đạt danh hiệu nông dân SXKD giỏi cấp tỉnh.
Hầu như trên những lĩnh vực đặc thù của sản xuất nông nghiệp vùng ven đô: trồng lúa, trồng màu, trồng hoa kiểng tết, chăn nuôi, kết hợp giữa trồng trọt và chăn nuôi... đều xuất hiện những nông dân SXKD giỏi, có những mô hình làm ăn năng động, phù hợp với điều kiện thực tế và mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Khảo sát của ngành chức năng cho thấy, trên lĩnh vực trồng lúa, các xã ven như: Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh, Đạo Thạnh... đi đầu trong việc thâm canh lúa chất lượng cao, kết hợp trồng lúa với luân canh rau màu dưới chân ruộng, tích cực ứng dụng rộng rãi các tiến bộ kỹ thuật để đạt năng suất và sản lượng cao, giảm được chi phí sản xuất đáng kể...
Nhờ áp dụng các biện pháp canh tác theo chương trình “3 giảm 3 tăng”, quản lý dịch hại tổng hợp, sử dụng công cụ sạ hàng... bà con giảm được chi phí sản xuất từ 300.000 - 400.000 đồng/ha/vụ.
Trên lĩnh vực kinh tế vườn, nông dân TP. Mỹ Tho tập trung phát triển vườn chuyên canh các loại cây ăn trái đặc sản: cam, bưởi, chanh, ổi, mận... cho sản lượng mỗi năm 27.000 tấn. Đáng chú ý, nhờ nắm vững kỹ thuật thâm canh, xử lý cho ra hoa trái vụ, bón phân hữu cơ vi sinh... vườn cây luôn sum sê, trúng mùa, được giá, cho thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Nổi bật nhất là trồng rau màu, hoa kiểng, vốn là thế mạnh của nông dân vùng ven thành phố. Trước mắt, đã hình thành các vùng chuyên trồng hoa kiểng, trồng màu thực phẩm tại các xã trọng điểm: Tân Mỹ Chánh, Mỹ Phong, Trung An, Phường 9, Phước Thạnh, Thới Sơn,...
Để tăng hiệu quả sản xuất, nông dân áp dụng những tiến bộ kỹ thuật mới: sử dụng giống mới, đa dạng về chủng loại, dùng màng phủ nông nghiệp, áp dụng IPM trên cây rau, làm nhà lưới để sản xuất hoa kiểng... cho thu nhập từ 100 - 120 triệu đồng/ ha.
Trong vụ hoa tết năm vừa qua, nông dân TP. Mỹ Tho đã sản xuất và cung ứng cho thị trường 700.000 giỏ hoa. Sau khi trừ chi phí, bà con thu lãi 3,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi hộ sản xuất hoa tết lãi trên 20 triệu đồng, điển hình như: Ông Phạm Văn Thanh thu nhập 150 triệu đồng, Nguyễn Văn Chọn thu nhập 130 triệu đồng, Nguyễn Văn Nhựt trên 130 triệu đồng, ông Nguyễn Hoàng Lai thu nhập trên 130 triệu đồng.
Phong trào chăn nuôi gia súc - gia cầm, thủy sản lồng bè trên sông Tiền và nuôi lồng ghép trong các mô hình kinh tế hộ VAC, VACR... cũng phát triển khá mạnh đã mở ra những hướng đi tích cực trong phong trào thi đua sản xuất -kinh doanh giỏi. TP. Mỹ Tho hiện có 934 bè cá trên sông Tiền, chủ yếu nuôi cá điêu hồng, cá da trơn, cá he... Thành phố cũng có đàn bò 2.282 con, đàn heo 24.000 con, đàn gia cầm 303.000 con.
Liên kết sản xuất cũng là con đường phát triển tất yếu được nông dân địa phương hưởng ứng. Qua phong trào, nhiều tổ hợp tác và hợp tác xã ra đời: Tổ hợp tác nuôi cá bè Tân Long - Thới Sơn, Tổ hợp tác hoa tươi Mỹ Phong, Tổ hợp tác hoa tươi Tân Mỹ Chánh, Tổ hợp tác hoa tươi Phường 9, Tổ hợp tác bún Phường 9, Tổ hợp tác nuôi ếch Đạo Thạnh, Hợp tác xã nông nghiệp Tân Mỹ Chánh, Làng nghề bún, bánh, hủ tiếu Mỹ Phong, Hợp tác xã Tín dụng Tân Mỹ Chánh...
Sản xuất phát triển cũng là động lực để nông dân địa phương góp công sức xây dựng nông thôn mới theo chủ trương của Nhà nước. Trong năm qua, nông dân thành phố đã góp 2.500 ngày công lao động nạo vét 88 tuyến kinh mương nội đồng với tổng chiều dài 99km.
Các hộ nông dân SXKD giỏi cũng đã giúp đỡ hộ nghèo về kinh nghiệm sản xuất, cách làm ăn theo khoa học, vốn liếng, vật tư, cây con giống... tổng trị giá trên 2,6 tỷ đồng, với hàng trăm lượt hộ nghèo được hưởng lợi.
Những xã ven của thành phố như: Mỹ Phong, Tân Mỹ Chánh cũng nỗ lực tăng tốc xây dựng nông thôn mới. Đặc biệt, xã Tân Mỹ Chánh đã cùng với xã Tân Thanh (huyện Cái Bè) vươn lên dẫn đầu tỉnh trong phong trào xây dựng nông thôn mới. Kết quả trên có sự góp sức tích cực từ phong trào thi đua SXKD giỏi của nông dân TP.Mỹ Tho.
Related news
Nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất giống thủy sản, TP Cần Thơ đang thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng như khu sản xuất giống thủy sản tập trung, hoàn thiện cơ sở hạ tầng ở các khu vực nuôi cá tra. Đặc biệt, thành phố đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trung tâm Giống thủy sản cấp I Cần Thơ tại huyện Vĩnh Thạnh để đưa vào hoạt động trong năm 2015.
Hiện tại, tổng đàn heo nái chăn nuôi gia công của CP có khoảng 200 ngàn con với năng suất bình quân 23,5 heo con cai sữa/heo nái/năm, tương đương 4,7 triệu heo con nuôi làm giống và nuôi thịt hàng năm. Được biết, lượng thịt heo của toàn hệ thống CP cung ứng cho thị trường xấp xỉ bằng lượng heo thịt của tỉnh Đồng Nai.
Anh Lê Văn Hiệp (sinh năm 1979, xã An Phước, huyện Long Thành - Đồng Nai) được biết đến như một người “mê” làm giàu và có nhiều sáng kiến để phát triển kinh tế.
Đây là cách nuôi mới, thay đổi kỹ thuật xử lý chất thải, nhằm phát triển chăn nuôi nhưng vẫn đảm bảo tốt yếu tố môi trường. Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều tranh cãi về tính hiệu quả và tác động khác của mô hình giữa các cơ quan quản lý nhà nước, những hộ chăn nuôi với các nhà khoa học. Hội thảo đánh giá thực trạng chăn nuôi trên đệm lót sinh học do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN - PTNT) tổ chức ngày 27-11-2014 đã phân tích rõ mặt được và chưa được của mô hình.
Bất chấp những khuyến cáo của doanh nghiệp và ngành chức năng, người trồng hành tím ở Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng vẫn quyết định trữ hành để chờ giá. Hệ quả là 30.000 tấn hành tím thương phẩm đến nay vẫn chưa có nơi tiêu thụ, đang trong giai đoạn hư hỏng.