Thực Hư Giống Tiêu Ghép Trên Cây Trầu Rừng Nam Mỹ
“Tiêu ghép trên gốc cây trầu rừng Nam Mỹ Amazon năng suất cao, kháng bệnh tốt, chịu hạn, chịu ngập nhưng ở “quê hương” sản xuất giống tiêu này (Xuân Lộc - Đồng Nai) không ai trồng”.
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Xuân Ánh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Lộc Thành (Lộc Ninh - Bình Phước) sau chuyến tham quan mô hình trồng tiêu năng suất cao ở Đồng Nai vào tháng 5-2014!
NỖI LO TIÊU CHẾT
Sau tết Nguyên đán 2014, thời điểm chuẩn bị vào chính vụ thu hoạch hồ tiêu trong tình cảnh giá mủ cao su giảm sâu nhưng giá tiêu vẫn giữ kỷ lục, nhà nhà ở các vùng trọng điểm trồng tiêu Bù Đốp, Lộc Ninh và Thanh Lương, Thanh Phú (thị xã Bình Long) đã lên kế hoạch chuẩn bị xuống giống trồng mới hoặc tái canh hồ tiêu khi mùa mưa đến.
Tuy nhiên, người trồng tiêu ở Lộc Ninh và toàn tỉnh vẫn ôm nỗi lo về bệnh chết nhanh, chết chậm chưa có thuốc chữa của hồ tiêu. Đến đâu cũng nghe nông dân nói về giống tiêu ghép bằng cây trầu rừng ở lưu vực sông Amazon (Nam Mỹ) có sức chịu hạn, chống ngập và kháng bệnh tốt. Nhiều người cho biết, năm trước muốn “săn” được giống tiêu hiếm này phải về tận vùng trồng tiêu trọng điểm Xuân Lộc (Đồng Nai). Nhưng tháng 3, 4 năm nay, trên các con đường liên xã, liên thôn và cả quốc lộ 13 đều có bảng quảng cáo bán giống tiêu rừng Amazon.
Một lần, trên chuyến xe đò Lộc Ninh - Đồng Xoài, một chị đang công tác tại Hội Người mù tỉnh (nhà ở xã Thanh Lương) cho biết: Tại ấp 3 (Thanh Lương) có hộ đã sản xuất giống tiêu trầu Amazon với diện tích khoảng 2 ha, gồm bầu đã ghép hoặc bán cây trầu rừng để làm gốc ghép theo nhu cầu của khách hàng.
Chị cũng cho biết: Vừa chớm mùa mưa, nhiều vườn tiêu trong xóm (kể cả vườn nhà chị) đã đổ lá vàng. Giá tiêu thời điểm này đã là 170 ngàn đồng/kg càng làm nông dân nẫu ruột. Gia đình chị cũng đang tính trồng lại bằng giống tiêu ghép cây trầu rừng Amazon.
HỐT TIỀN TỶ NHỜ BÁN GIỐNG
Đầu tháng 6, sau đợt kiểm tra liên ngành kinh doanh các mặt hàng cây - con giống, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cùng khuyến cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: “Nông dân không nên trồng ồ ạt giống tiêu trầu hay tiêu ghép Amazon...”, chúng tôi tìm đến những vùng trồng tiêu trọng điểm ở Lộc Ninh.
Những bảng quảng cáo bán giống tiêu ghép Amazon đã biến mất, do người bán sợ sẽ bị ngành chức năng thu hồi, tiêu hủy do bán giống không rõ nguồn gốc, chưa được kiểm nghiệm.
Sau một ngày vòng quanh các con đường ở Lộc Quang, Lộc Phú, Lộc An, những xã có diện tích xuống giống nhiều trong năm nay, chúng tôi cũng tìm được một điểm bán giống tiêu ghép đang treo bảng quảng cáo nằm sâu trong đường đất đỏ ở tổ 1, ấp K54, xã Lộc Thiện.
Trong vai người đi mua tiêu ghép, chúng tôi được bà chủ tên Huỳnh quảng cáo: “Giống tiêu này do người anh ở tỉnh Đồng Nai sản xuất, chủ yếu bán ở Tây Nguyên. Năm nay, khi ghé thăm nhà, tôi thấy người dân đang có nhu cầu nên đặt điểm bán giống với giá 25 ngàn đồng/bầu, 15 ngàn đồng/gốc ghép”. Trên sân nhà bà Huỳnh chỉ còn khoảng 100 bầu đã ghép và 500 cây trầu rừng.
“Nếu muốn mua phải đặt hàng với số lượng trên 1.000 bầu thì mới đủ chuyến xe, bởi hiện nay do nhu cầu nhiều nên ghép không kịp”, bà Huỳnh nói. Bà Huỳnh cho biết thêm, nhiều người ở Lộc Ninh, Bù Đốp điện thoại đặt mua từ 100-200 bầu, chủ yếu để trồng dặm.
Tuy chưa đến mùa vụ trồng mới nhưng bà đã bán gần 10.000 bầu. Theo số điện thoại chúng tôi liên hệ bà Lan, điểm bán giống tiêu ghép ở ấp 1 (Lộc Thiện), cũng được biết là giống không còn nhiều, giá giảm chỉ còn 20.000 đồng/bầu. Được biết, chỉ riêng ở xã Lộc Thiện đã có khoảng 5 điểm bán giống tiêu ghép.
Ông Lê Khắc Phú, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Lộc Ninh cho biết: Theo khảo sát của hội nông dân các xã thì người trồng tiêu ở Lộc Ninh đa phần mua 100-200 bầu/hộ về trồng thử nghiệm. Nhưng chỉ với con số khiêm tốn đó thì người bán giống tiêu ghép Amazon cũng đã hốt tiền tỷ...
SẢN XUẤT GIỐNG NHƯNG KHÔNG TRỒNG!?
Cũng trên đường vào điểm bán giống tiêu ghép của bà Huỳnh (khoảng cách 300m) là vườn tiêu của gia đình ông Thiệu được quy hoạch theo hình bậc thang. Ông Thiệu từ miền Bắc vào lập nghiệp và đã trồng tiêu vài chục năm nên năm nào gia đình ông cũng trồng thêm tiêu trên đất mới.
Ông Thiệu đưa chúng tôi xem vườn tiêu ghép Amazon trồng tháng 3. Cây đã bén rễ và lên 0,5m nhưng vì lo chưa biết “thực hư hiệu quả giống tiêu” nên ông trồng thêm 2 dây tiêu mới giống Vĩnh Linh/trụ.
Ông Thiệu cho biết: Sau tết Nguyên đán 2014 nghe đồn ở Đồng Nai có giống tiêu ghép chịu bệnh nên ông và nhiều hộ khác tìm đến mua. Ông đã mua 1.000 gốc, với giá 30 triệu đồng. Có người còn mua thêm cây trầu rừng về trồng và tự ghép.
Cây trầu rừng nhân giống rất dễ, chỉ cần cắt từng hom như cây mì cấy xuống đất vài tháng là có ghép. Có nhiều cây ghép, nhà sẵn vườn tiêu 1 năm tuổi và tuy chưa rõ về hiệu quả tiêu ghép, nhưng để gỡ vốn ông đã ghép để bán giống trong mùa mưa này.
Tháng 4-2014, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lộc Ninh tổ chức đoàn tham quan mô hình trồng tiêu năng suất cao tại huyện Xuân Lộc, tỉnh Đồng Nai. Ông Nguyễn Xuân Ánh cho biết: Trước khi đoàn đi đã có nhiều người rỉ tai “Chỉ xem thôi, đừng mua vì chưa rõ hiệu quả. Ở đây, người sản xuất giống không trồng giống tiêu này”. Khi đến, đoàn chỉ được xem vườn giống, còn hỏi về vườn tiêu kinh doanh thì được trả lời mơ hồ “Xa lắm, khó đi mà trời đã tối...”.
Cũng ở điểm bán giống của bà Huỳnh, khi chúng tôi hỏi: Gia đình có trồng bằng giống này không? Bà Huỳnh ấp úng: Có trồng 200 trụ. Sau đó lại đính chính vì sẵn có giống nhà và ngại phải ghép nên đã cắt ngọn trồng theo truyền thống…
Ngày 23-4-2014, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã ban hành Công văn số 533/SNN-TTBVTV về tăng cường quản lý giống cây hồ tiêu, ghi rõ: “Hiện nay trên thị trường đang xuất hiện giống tiêu ghép mới có gốc ghép là giống tiêu rừng (tiêu trầu) hay tiêu Nam Mỹ...
Theo nghiên cứu của Viện khoa học Nông Lâm Tây nguyên; trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh thì gốc ghép sử dụng có hạn chế như: Chịu hạn kém, cây tiêu ghép sinh trưởng, phát triển đến năm thứ 4, thứ 5 xuất hiện hiện tượng chân voi và vết ghép từ thời điểm này dễ bị tróc làm chết cây. Bên cạnh đó, giống tiêu này không có nguồn gốc xuất xứ, chưa được công nhận và khảo nghiệm tại Bình Phước...”
Related news
Nông dân vùng ĐBSCL đang bước vào vụ thu hoạch lúa thu đông 2013. Năm nay, thời tiết tương đối thuận lợi và nhờ tăng cường ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, năng suất lúa tại một số địa phương ĐBSCL cao hơn cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, nông dân trồng lúa vẫn chưa vui, vì giá lúa đang ở mức thấp…
Từ đầu năm đến nay, nông dân huyện Châu Thành A (Hậu Giang) thả nuôi 470ha thủy sản, đạt 70% kế hoạch. Năm nay, do cá thát lát cườm thương phẩm tăng giá từ 80.000 - 90.000 đ/kg tăng gần gấp đôi năm rồi, nên nhiều người trở lại đầu tư nuôi cá này, dẫn đến giá con giống cũng tăng theo.
Ngay từ những năm đầu của thập niên 1990, nghề NTNL đã xuất hiện và bắt đầu từ năm 2000 NTNL phát triển nhanh chóng. Theo số liệu thống kê của cơ quan chức năng, năm 2000 diện tích NTNL toàn tỉnh chỉ đạt 2.617 ha với sản lượng 1.348 tấn, tạo việc làm cho 5.000 lao động; đến năm 2012 diện tích thả nuôi tôm toàn tỉnh đạt 5.082 ha, sản lượng đạt 11.821 tấn và tạo ra việc làm ổn định cho hơn 10.000 lao động địa phương.
Sau thời gian giá nhím con ở mức khá cao: khoảng 15 triệu đồng/cặp, thì hiện nay người chăn nuôi chỉ cần đầu tư khoảng 1,2 triệu đồng/cặp để chăn nuôi. Giá nhím giống giảm mạnh cũng kéo theo giá nhím thịt giảm từ trên 500.000 đồng xuống chỉ còn 150.000 đồng/kg.
Mùa khai thác thủy sản năm nay được xem là thất bát nặng nề nhất trong 20 năm qua. Ngư dân dù đã và đang được hỗ trợ tích cực từ phía Nhà nước, nhưng do biển mất mùa, chi phí đánh bắt tăng cao nên hiện tại họ đang gặp rất nhiều khó khăn. Dẫu vậy, nhiều chủ tàu vẫn tìm mọi cách huy động vốn, kể cả vay “tín dụng đen” để “đặt cược” trong những chuyến biển cuối vụ khai thác…