Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phí, lệ phí bủa vây người chăn nuôi

Phí, lệ phí bủa vây người chăn nuôi
Publish date: Wednesday. September 30th, 2015

Phí chồng phí

Giữa tháng 8/2015, trình bày về dự án Luật phí và lệ phí tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, hiện nay lĩnh vực nông nghiệp có 937 loại phí, 90 loại lệ phí, trong đó lĩnh vực thú y có đến 568 loại phí và lệ phí.

Những loại phí chồng phí đang “bủa vây” người chăn nuôi, làm hạn chế quá trình sản xuất.

Anh Đỗ Văn Trưởng kiểm tra lịch tiêm phòng cho đàn lợn.

Thái Bình có thế mạnh về nông nghiệp, trong đó có ngành chăn nuôi. Hiện nay, tỉnh có trên 1 triệu con lợn, đàn trâu bò gần 48.000 con và trên 11,3 triệu con gia cầm với 700 trang trại, 1.600 gia trại, trong đó có 69 trang trại quy mô lớn.

Tuy vậy, người chăn nuôi không khỏi “đau đầu” bởi những khoản phí, lệ phí như hiện nay.

Trang trại của ông Phạm Văn Tràng (thôn 2, xã Vũ Đoài, huyện Vũ Thư) nổi tiếng cả tỉnh với mô hình nuôi gà đẻ trứng thương phẩm. Trang trại cung cấp ra thị trường 6.300 quả trứng/ngày và khoảng 25 tấn gà/năm.

Tuy vậy, ông Tràng vẫn không khỏi băn khoăn bởi các loại phí, đặc biệt là phí kiểm dịch:

“Để đưa sản phẩm chăn nuôi ra thị trường phải chịu nhiều loại phí kiểm dịch.

Con giống một ngày tuổi phải qua kiểm dịch, quả trứng bán ra thị trường phải mất phí kiểm dịch, đến khi con gà hết khả năng khai thác, mang bán cũng chịu tiếp phí kiểm dịch. Như vậy, có 3 lần phí kiểm dịch trên đầu 1 con gà”.

Bên cạnh đó, trung bình mỗi xe tải 2 tấn vận chuyển trứng thương phẩm sẽ mất khoảng 200.000 đồng phí kiểm dịch và kẹp chì. Đối với thương lái vận chuyển bằng xe máy, họ thường tìm cách trốn... kiểm dịch.

Vì có thời điểm, thương lái chỉ lãi được 50 đồng/1 quả trứng, một xe chở được 3.000 quả trứng mới lãi 150.000 đồng.

Nếu phải kiểm dịch với mức phí 40.000 đồng/lần vận chuyển hàng đi tiêu thụ, chỉ còn lãi 110.000 đồng, chưa kể chi phí đi lại, khiến giá sản phẩm tới tay người tiêu dùng lại bị “đội lên”.

Theo ông Tràng, nếu có quá nhiều phí trên một sản phẩm sẽ đẩy giá thành lên cao.

Trong khi đó, do chịu tác động của quá trình hội nhập như hiện nay, sản phẩm nội - ngoại chơi chung “một sân”, nếu các loại phí cao sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng cạnh tranh của hàng Việt với hàng ngoại nhập.

Vì vậy, ông Tràng mong Nhà nước xem xét lại hệ thống phí, loại phí, đặc biệt là phí kiểm dịch.

Anh Đỗ Văn Trưởng, chủ cơ sở trại lợn siêu nạc Rừng Đồng bằng (xã Tân Lập, huyện Vũ Thư) với gần 600 lợn siêu nạc và 200 lợn nái, mỗi năm xuất chuồng khoảng 120 tấn lợn thịt.

Anh Trưởng cho rằng, người chăn nuôi trực tiếp hoặc gián tiếp chịu các loại phí, lệ phí thông qua giá thành bán sản phẩm.

Người bán khó bán được hàng hoặc phải bán rẻ, còn hàng hóa đến tay người mua vẫn là giá cao.

Theo quy luật thị trường, người mua sẽ tìm đến những sản phẩm có giá cạnh tranh, hợp lý hơn khiến ngành chăn nuôi trong nước gặp khó từ chính hệ thống cơ chế, chính sách mà cụ thể là hệ thống phí, lệ phí chồng chéo hiện nay.

Tương tự tại Hải Dương, ông Lục Văn Nhàn, nông dân chăn nuôi trang trại gà đồi tại xã Hoàng Hoa Thám, thị xã Chí Linh cũng biết khá rõ về những khoản phí mà trang trại ông đang phải gánh chịu:

“Hiện nay, chúng tôi phải chịu khá nhiều chi phí trong quá trình chăn nuôi, từ khi bắt con giống về thả đến khi cho gà xuất chuồng.

Cụ thể: Để phòng chống dịch bệnh, chúng tôi phải mua vắcxin không được hỗ trợ giá. Cứ 1.000 con gà thì mua vắcxin hết 600.000 - 700.000 đồng. Mua xong, công ty cho người đến tiêm. Phí cho một lần tiêm là 100.000 đồng/1.000 con”.

Theo ông Nhàn, trong quá trình chăn nuôi, để vệ sinh chuồng trại, cũng phải thêm chi phí mua thuốc phun khử trùng, sát trùng...

Khi xuất bán, thêm phí kiểm dịch cho gia cầm. Cụ thể, khi có nhu cầu bán, phải báo cho Chi cục Thú y tỉnh, họ sẽ cử cán bộ về kiểm tra, cấp giấy kiểm dịch. Để xuất bán 1 tấn gà, sẽ mất 400.000 - 500.000 đồng tiền phí. Càng chăn nuôi quy mô lớn thì càng phải mất chi phí cao.

“Cởi trói” cho người chăn nuôi

Theo các chuyên gia nông nghiệp, ngoài những khoản phí gây khó khăn cho người dân, việc cấp phép, thủ tục hành chính cũng đang là một “nút thắt” đối với người chăn nuôi. Muốn giải quyết cả hai bài toán này, Nhà nước cần rà soát lại tổng thể các loại phí và cải cách thủ tục hành chính.

Ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi, Chủ tịch Hiệp hội chăn nuôi gia cầm Việt Nam cho rằng, thu phí và lệ phí là điều tất yếu trong nền kinh tế thị trường, nhưng thu đến mức người sản xuất gặp quá nhiều khó khăn thì cần phải xem xét lại.

Chính vì sự bất cập này, trong thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đề nghị với Chính phủ rà soát lại một số khoản phí, dỡ bỏ một số loại phí.

Cùng chung quan điểm này, ông Hoàng Đình Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Nông nghiệp (Ban Kinh tế Trung ương) cho rằng, cần có quá trình ra soát lại, những khoản nào bất hợp lý thì nên bỏ, còn những khoản phục vụ cho công tác quản lý vẫn phải duy trì.

Ngoài ra, hiện nay chúng ta đang cố gắng thực hiện việc nâng cao vai trò của các hiệp hội ngành nghề, thông qua đó để thực hiện các dịch vụ công, giảm bớt chi phí và làm cho dịch vụ công gần gũi hơn với doanh nghiệp, hộ chăn nuôi.

Trong xu thế cạnh tranh, hội nhập sâu, chúng ta phải ban hành những khoản phí và lệ phí phù hợp điều kiện thực tiễn của nền kinh tế, để nâng cao sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp.

Thực tế, trong thời gian qua Bộ Tài Chính đã bãi bỏ 14 khoản thu liên quan đến cấp giấy phép có thu lệ phí và 21 chỉ tiêu thu phí thú y ở các khâu khác nhau.

Theo ông Đoàn Xuân Trúc, Tổng thư ký Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, việc giảm các loại phí này đã giảm sức ép lên người chăn nuôi, nhưng vẫn phải xem xét lại một số loại phí khác như: kiểm dịch, thú y...

Tuy nhiên, ông Trúc cũng cho rằng, nếu không thu phí mà bỏ việc kiểm dịch, khi dịch bệnh quay lại, nguy hiểm cho ngành chăn nuôi. Do vậy, vẫn cần có giải pháp kiểm soát tốt dịch bệnh.

Ngoài ra, theo ông Nguyễn Thanh Sơn, Viện trưởng Viện Chăn nuôi:

“Một việc còn quan trọng hơn thu phí và lệ phí, đó là phải giảm bớt các thủ tục hành chính gây phiền nhiễu cho người sản xuất và tiêu dùng.

Tôi được biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tiếp tục rà soát để dỡ bỏ các quy định chưa hợp lý này, nhằm tăng sức cạnh tranh cho ngành nông nghiệp”.


Related news

Nuôi heo trên đệm lót sinh học: Vì sao người chăn nuôi quay lưng Nuôi heo trên đệm lót sinh học: Vì sao người chăn nuôi quay lưng

Mô hình nuôi heo trên đệm lót sinh học đã được triển khai tại Hậu Giang vào giữa năm 2012. Tuy nhiên sau ba năm triển khai thực hiện, nhiều người đã quay lưng và trở về với cách nuôi truyền thống.

Saturday. October 3rd, 2015
 Cánh đồng lớn nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp Cánh đồng lớn nền tảng tái cơ cấu nông nghiệp

Từ “cánh đồng mẫu lớn” của Công ty CP vật tư nông nghiệp An Giang (AGPPS) năm 2007 chỉ 200ha, đến năm 2015, “cánh đồng lớn”, “cánh đồng liên kết” đã phát triển mạnh ra nhiều tỉnh, thành với khoảng 290.000ha.

Saturday. October 3rd, 2015
Sản xuất 102.900 tấn muối công nghiệp Sản xuất 102.900 tấn muối công nghiệp

Mặc dù sản xuất muối tăng mạnh do thuận lợi về thời tiết, song nhờ triển khai mua tạm trữ, nên giá muối một số vùng trong nước tăng nhẹ so với tháng trước.

Saturday. October 3rd, 2015
Ảm đạm thị trường lúa gạo Ảm đạm thị trường lúa gạo

Giá lúa gạo ở ĐBSCL đang dao động ở mức thấp, sức tiêu thụ chậm khiến nông dân và thương lái như ngồi trên lửa. Trong khi đó, các doanh nghiệp xuất khẩu gạo cũng rối bời vì sản lượng tồn kho nhiều nhưng đầu ra cứ ì ạch. Thị trường lúa gạo diễn biến trong cảnh chợ chiều đìu hiu.

Saturday. October 3rd, 2015
Xuất khẩu cá tra tốt hơn nhờ Trung Quốc Xuất khẩu cá tra tốt hơn nhờ Trung Quốc

Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), xuất khẩu cá tra Việt Nam đang tốt hơn nhờ thị trường Trung Quốc.

Saturday. October 3rd, 2015