Thực hiện chuỗi liên kết khai thác, thu mua, xuất khẩu mở hướng phát triển mới cho nghề khai thác cá ngừ đại dương
PV Báo Bình Ðịnh đã phỏng vấn ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT, quanh việc thực hiện đề án này.
Xin ông cho biết mục tiêu của đề án thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi đã và đang được Bộ NN&PTNT triển khai?
- Nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị cá ngừ đại dương (CNĐD) theo hướng công nghiệp, hiện đại, gắn khai thác với thu mua, chế biến và tiêu thụ sản phẩm, đồng thời điều chỉnh hài hòa lợi ích giữa ngư dân và doanh nghiệp;
Góp phần khai thác hiệu quả, bền vững nguồn lợi làm cơ sở cho việc nhân rộng trong nghề khai thác thủy sản ở Việt Nam, ngày 6.8.2014, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT đã ban hành Quyết định số 3465/QĐ-BNN-TCTS phê duyệt đề án “Thí điểm tổ chức khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi”.
Bộ NN&PTNT đề ra mục tiêu đến năm 2016, sản lượng cá ngừ khai thác được đạt 69.000 tấn (19.000 tấn cá ngừ vây vàng, mắt to và 50.000 tấn cá ngừ vằn) với tổn thất sau thu hoạch giảm xuống dưới 15%, và 100% ngư dân được đào tạo kỹ thuật tiên tiến khai thác, sơ chế, bảo quản cá ngừ.
Năm 2020, sản lượng cá ngừ đạt 91.000 tấn (21.000 tấn cá ngừ vây vàng, mắt to và 70.000 tấn cá ngừ vằn), giảm tổn thất sau thu hoạch xuống dưới 10%.
Bộ NN&PTNT chọn 3 tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thực hiện thí điểm đề án.
Từ nay đến năm 2020, Bộ giao nhiệm vụ cho các tỉnh xây dựng, quản lý quy hoạch nghề khai thác CNĐD; phát triển đội tàu khai thác CNĐD theo hướng hiện đại; tổ chức thí điểm một số mô hình liên kết theo chuỗi giá trị; xây dựng đồng bộ cơ sở dịch vụ hậu cần CNĐD; tổ chức đào tạo, hướng dẫn kỹ thuật tiên tiến cho ngư dân.
Vậy đề án này được thực hiện như thế nào?
- Đầu năm 2014, tỉnh ta đã tổ chức nhiều đoàn công tác sang Nhật Bản để xúc tiến đầu tư lĩnh vực thủy sản.
Nhờ sự hỗ trợ, giúp đỡ tận tình của Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai, nhiều cán bộ của ngành Nông nghiệp tỉnh đã được sang Nhật học tập quy trình khai thác, xử lý, bảo quản CNĐD.
Tỉnh ta cũng đã xây dựng mô hình thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ CNĐD theo chuỗi; đầu tư mua 5 bộ thiết bị khai thác CNĐD để lắp đặt trên 5 tàu cá của ngư dân tham gia mô hình.
Thông qua Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai, tỉnh ta đã mời các chuyên gia thủy sản của Tập đoàn Kato (Nhật Bản) sang để chuyển giao và hướng dẫn quy trình kỹ thuật cho ngư dân.
Sau đó, Tập đoàn Kato đã phối hợp với Công ty cổ phần Thủy sản Bình Định (BIDIFISCO) đánh giá chất lượng và thu mua sản phẩm của ngư dân đưa sang thị trường Nhật Bản bán đấu giá.
Trên cơ sở phân tích, đánh giá thực trạng, tiềm năng và triển vọng phát triển của mô hình này, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở NN&PTNT xây dựng dự án chuyển giao công nghệ đánh bắt CNĐD của Nhật Bản, nhằm hiện đại hóa nghề khai thác cá ngừ, tăng giá trị và hiệu quả kinh tế mặt hàng này.
Nhờ sự hỗ trợ của Hội Hữu nghị Nhật - Việt tại Sakai, tháng 6.2015, dự án đã được Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) chấp nhận hỗ trợ kinh phí.
Trong khuôn khổ dự án, JICA hỗ trợ 25 bộ thiết bị khai thác CNĐD và chỉ định Liên danh Tập đoàn Kato và Công ty Yamada cùng với Trường Đại học Kagoshima Nhật Bản hỗ trợ tỉnh chuyển giao công nghệ, ngư lưới cụ khai thác cho ngư dân.
Phương án tiếp theo của tỉnh ta sau khi nhận thiết bị khai thác CNĐD do JICA hỗ trợ là gì, thưa ông?
- Sở NN&PTNT đã lựa chọn 17 tàu cá của ngư dân huyện Hoài Nhơn và 8 tàu cá của ngư dân TP Quy Nhơn tham gia dự án chuyển giao công nghệ đánh bắt CNĐD của Nhật Bản.
Đầu tháng 10.2015, chúng tôi tiến hành lắp đặt cho 3 tàu cá và đã tổ chức ra khơi thử nghiệm các thiết bị nói trên.
Cùng đi với ngư dân có các cán bộ kỹ thuật của ngành Nông nghiệp tỉnh và 4 chuyên gia thủy sản của Tập đoàn Kato.
Cuối tháng 10, tỉnh ta đã tiếp nhận toàn bộ thiết bị do JICA hỗ trợ và đã bàn giao cho ngư dân.
Ngoài ra, tỉnh ta cũng đã hỗ trợ mỗi tàu cá tham gia dự án 30 triệu đồng để cải tạo, nâng cấp hầm bảo quản sản phẩm và được hỗ trợ bảo hộ lao động.
Hiện ngành chức năng đang nỗ lực lắp đặt các bộ thiết bị câu cá ngừ trên tàu cá và chuyển giao quy trình khai thác, xử lý, bảo quản cá ngừ cho ngư dân, đồng thời phối hợp với các chuyên gia thủy sản của Nhật Bản hướng dẫn ngư dân cải tạo hầm bảo quản sản phẩm trên tàu, để đầu năm 2016 sắp đến, 25 tàu cá tham gia dự án đồng loạt ra khơi khai thác CNĐD.
Tỉnh ta cũng đã và đang tính toán sử dụng 1 tàu trung chuyển, để vận chuyển sản phẩm từ các tàu cá của ngư dân trên biển vào đất liền, nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm.
UBND tỉnh cũng đã chỉ đạo BIDIFISCO nâng cao năng lực kiểm tra chất lượng sản phẩm để đánh giá chính xác, không để ngư dân bị thiệt, và có chính sách khuyến khích ngư dân nâng cao chất lượng sản phẩm.
Ngoài ra, các tàu cá khai thác được CNĐD đảm bảo chất lượng xuất khẩu, tỉnh ta cũng sẽ thưởng thêm, nhằm khuyến khích ngư dân.
Xin cảm ơn ông!
Related news
Nhằm khai thác tiềm năng về đất đai, lao động của địa phương, những năm qua Đảng ủy, UBND Thị trấn Rạng Đông (Nghĩa Hưng - Nam Định) đã tập trung chỉ đạo, đẩy mạnh phát triển nuôi thủy sản. UBND thị trấn đã rà soát thực địa, xây dựng quy hoạch phát triển vùng nuôi. Hằng năm, thị trấn tổ chức từ 8 - 10 lớp đào tạo, tập huấn, chuyển giao kỹ thuật nuôi thủy sản cho hàng trăm lượt hộ dân
Sáng 27-3, Sở NN-PTNT tổ chức lễ phát động tái tạo nguồn lợi thủy sản nhân kỷ niệm 54 năm thành lập ngành thủy sản (1/4/1959 - 1/4/2013).
Tổng cục Thống kê (Bộ KHĐT) vừa cho biết, sản lượng thủy sản 9 tháng qua ước tính đạt 4.496 nghìn tấn, tăng 2,7% so với cùng kỳ năm trước, trong đó cá đạt 3335 nghìn tấn, tăng 1,9%; tôm đạt 475 nghìn tấn, tăng 6,4%.
Trong khi mô hình nuôi chồn nhung đa cấp của ông Đoàn Việt Châu đang cận kề bờ vực thì mô hình của Cty TNHH Đào tạo Thương mại điện tử Giấc Mơ Việt (Vdream) đã chính thức khai tử. Một lần nữa, giấc mơ làm giàu từ chồn nhung đen của người dân tan vỡ.
Theo ông Bùi Bá Sự, PGĐ Kinh doanh Cty TNHH Việt - Úc, khách hàng có nhu cầu mua tôm thẻ chân trắng (TTCT) giống của Cty, đặc biệt tại các tỉnh phía Nam đang tăng cao.