Thu mua cá ngừ ddổ đồng một loại giá cho tất cả loại cá là bất hợp lý

Công nhân sơ chế cá ngừ đại dương tại Cảng cá Tam Quan, huyện Hoài Nhơn.
Chính vì vậy, ngành cá ngừ cần thêm nhiều giải pháp trong việc thúc đẩy triển vọng khai thác và xuất khẩu trong tương lai.
Tiềm năng lớn
Theo ông Nguyễn Phạm Thanh, Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ Cá ngừ, Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (Vasep), vùng biển Việt Nam có tiềm năng khai thác cá ngừ khoảng 600.000 tấn/năm, tập trung ở vùng biển các tỉnh Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa…, trong đó, có các loại cá ngừ mắt to, vây vàng, sọc dưa, cá ngừ đại dương (còn gọi là cá ngừ bò). Riêng loại cá ngừ sọc dưa có tiềm năng khai thác khoảng 400.000 tấn/năm.
Hiện các sản phẩm cá ngừ Việt Nam được tiêu thụ tại 99 quốc gia trên thế giới, bao gồm các thị trường “khó tính” như Nhật, Mỹ, châu Âu.
Có 10 thị trường nhập khẩu lớn chiếm 85% tổng giá trị xuất khẩu cá ngừ của Việt Nam là Mỹ, châu Âu, các nước Đông Nam Á, Nhật Bản, Israel, Mexico, Canada và Nga.
Xuất khẩu cá ngừ Việt Nam đứng thứ 10 thế giới, sau Thái Lan, Tây Ban Nha, Ecuador, Trung Quốc, Indonesia, Hàn Quốc, Philippines…
Thị trường Mỹ chiếm 36% tổng giá trị xuất khẩu của Việt Nam. Có khoảng 54,5% sản lượng sản phẩm xuất khẩu là cá ngừ tươi sống, 45,5% là sản phẩm đã qua chế biến.
Cá ngừ đại dương là sản phẩm được ưa chuộng tại các thị trường vì có khả năng chế biến thêm nhiều món mới.
Ông Nguyễn Đình Hậu, Trưởng phòng Kinh doanh Công ty Trách nhiệm hữu hạn Hải sản Bền Vững (tỉnh Khánh Hòa) cho biết, mỗi năm Việt Nam khai thác cá ngừ đại dương ước đạt 16.000 tấn/năm, trong khi sản lượng cho phép khai thác là 21.000 tấn/năm.
Sản lượng loại cá ngừ vằn khoảng 45.000 tấn/năm, khả năng khai thác chỉ đạt 22.000 tấn/năm. Điều này cho thấy cá ngừ đầy tiềm năng xuất khẩu trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với nền kinh tế thế giới.
Theo ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và hợp tác quốc tế (Tổng cục Thủy sản), chỉ cần năng lực khai thác thực sự của ngư dân và doanh nghiệp Việt Nam khoảng 100.000 tấn/năm thì đã đủ sức đẩy mạnh chế biến và xuất khẩu đi các thị trường trên thế giới, tăng khả năng cạnh tranh với các quốc gia đứng đầu hiện nay như Thái Lan và Indonesia.
Trên thực tế, nếu các ngư dân Việt Nam không biết tranh thủ khai thác nguồn cá này theo đúng mùa vụ thì đàn cá cũng sẽ theo dòng hải lưu tự động di chuyển sang quốc gia khác.
Triển vọng xuất khẩu lớn
Cách đây 20 năm, Việt Nam "chưa có tên trên bản đồ thế giới về xuất khẩu cá ngừ," nhưng vài năm gần đây, nhiều quốc gia đã biết đến sản phẩm cá ngừ của Việt Nam.
Đặc biệt, khi Việt Nam là thành viên của các Hiệp định thương mại tự do (FTA) với các nước phát triển, thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ có cơ hội xuất khẩu lớn.
Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đang triển khai các dự án liên kết với các doanh nghiệp đánh bắt, xuất khẩu cá ngừ, nhằm hỗ trợ kỹ thuật đánh bắt, bảo quản và chế biến các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Hiện tại, các sản phẩm cá ngừ của Việt Nam đang phải cạnh tranh khốc liệt với các quốc gia như Thái Lan, Indonesia, Ecuadore về thuế khi xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam chưa ký kết các FTA. Châu Âu áp thuế cá ngừ Việt Nam là 20,5 - 24% so với Ecuadore 0%. Tại thị trường Mỹ áp thuế 12% lên các sản phẩm cá ngừ Việt Nam.
Trong thời gian tới, khi các hiệp định thương mại tự do FTA và TPP được ký kết, thì sản phẩm cá ngừ Việt Nam sẽ có thêm lợi thế về giá bán và tăng khả năng cạnh tranh với các nước Thái Lan và Indonesia, các quốc gia có lịch sử xuất khẩu cá ngừ hơn 40 năm.
Ông Nguyễn Đình Hậu chia sẻ, để ngành xuất khẩu cá ngừ Việt Nam phát triển bền vững, các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương cần tập huấn, hướng dẫn ngư dân nâng cao kỹ thuật đánh bắt và bảo quản phù hợp với thị trường đang cung cấp.
Ngư dân cũng cần chịu khó học hỏi, nâng cao tay nghề kỹ thuật trong quá trình đánh bắt cá ngừ. Ngoài ra, chính quyền địa phương cũng tạo điều kiện, hỗ trợ vay vốn cho ngư dân đầu tư, hiện đại hóa trang thiết bị, máy móc, ngư lưới cụ, ứng dụng khoa học kỹ thuật hiện đại vào sản xuất để nâng cao giá trị sản xuất.
Theo các ngư dân, việc thu mua đồng giá cho tất cả các loại cá là bất hợp lý, mà chỉ một phía doanh nghiệp thu lợi nhuận, chưa khuyến khích được ngư dân đầu tư cho chất lượng con cá sau khi đánh bắt.
Hình thức thu mua cần phải thay đổi theo phương châm cả doanh nghiệp và ngư dân cùng có lợi. Nếu cá đánh bắt chất lượng tốt phải bán được giá cao, còn cá có chất lượng thấp các doanh nghiệp thu mua giá thấp, ngư dân không thể kêu ca.
Hiện các cơ quan quản lý của Hoa Kỳ đang soạn thảo dự luật chống vi phạm khai thác bất hợp pháp, không theo quy định mà không báo cáo, gian lận trong thủy sản, chú trọng khả năng khai thác và truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Dự luật này sẽ ban hành tháng 8/2016.
"Vì vậy, để tăng khả năng cạnh tranh với các nước xuất khẩu cá ngừ khác, phía doanh nghiệp Việt Nam cần thận trọng khi nhập nguyên liệu cá ngừ phục vụ cho xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần soạn thảo và ban hành cẩm nang chất lượng cá ngừ có xuất xứ Việt Nam.
Cẩm nang này trình bày đầy đủ cách nhận dạng các sản phẩm tươi, đông lạnh, chế biến đạt chất lượng cá ngừ. Bên trong minh họa bằng hình ảnh và phát hành rộng rãi đến các thị trường trên thế giới qua các sự kiện và doanh nghiệp xuất khẩu cá ngừ," ông Nguyễn Văn Do, chuyên viên Vụ Khai thác thủy sản, Tổng cục Thủy sản cho biết.
Theo Vasep, xuất khẩu cá ngừ 8 tháng đầu năm 2015 đạt giá trị hơn 300 triệu USD, trong đó các sản phẩm cá ngừ tươi sống, đông lạnh, khô đạt hơn 165 triệu USD, các sản phẩm chế biến đạt hơn 138 triệu USD.
Kim ngạch 8 tháng đầu năm 2015 giảm 7,2% so với cùng kỳ năm 2014 vì chất lượng sản phẩm sau thu hoạch kém hơn do ngư dân thay đổi hình thức đánh bắt./.
Related news

Ngày 20 tháng 4 năm 2013, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (TTKNQG) phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Quỳnh Nhai (Sơn La) đã tiến hành đánh giá các mô hình nuôi trồng thủy sản tại điểm tái định cư xã Mường Giàng.

Theo Hiệp hội chăn nuôi Việt Nam, giá trứng hơn một tuần nay đang bị các doanh nghiệp chăn nuôi FDI đẩy giá tăng từng ngày.

Được biết, vụ mùa sầu riêng ở huyện Đạ Huoai (Lâm Đồng) năm 2013 vừa được mùa, và giá vẫn bình ổn (không tăng, không giảm). Chị Nguyễn Thị Minh Hằng, tiểu thương đã có 10 năm buôn bán sầu riêng ở xã Hà Lâm (huyện Đạ Huoai), cho biết: “Tôi thường đi vào tận vườn để mua sầu riêng, rồi chuyển ra Bắc bán cho thương lái.

Cá chép Nhật có tên theo tiếng Nhật là Nishiki Koi (có nghĩa là cá chép có màu gấm). Nét độc đáo mà cá chép Nhật thu hút các nghệ nhân và những người thưởng ngoạn cá cảnh là sự đa dạng về màu sắc, hình dạng và kiểu vẩy, vây của cá, nhất là vây đuôi. Cá sống vùng nước ngọt, có thể sống trong môi trường nước có độ mặn 6 phần ngàn, hàm lượng oxy trong bể nuôi tối thiểu: 2,5 mg/l, độ pH từ 6,5 - 8, nhiệt độ nước thích hợp: 25 – 30 C. Cá chép Nhật rất thích hợp và sinh trưởng tốt với điều kiện nuôi tại Việt Nam.

Trong những năm gần đây, nghề nuôi tôm đã đem lại hiệu quả kinh tế khá cao cho bà con, tuy nhiên nghề này vẫn tồn tại những rủi ro rất cao, thậm chí có những vụ nhiều bà con phải mất trắng. Với thời điểm hiện tại khi tình hình thời tiết diễn biến phức tạp kèm theo các biện pháp kiểm soát chất lượng về môi trường nước, phòng ngừa dịch bệnh trên diện tích ao tôm vẫn còn nhiều hạn chế, nên việc tôm bị nhiễm bệnh và chết hàng loạt trong thời gian qua là điều không thể tránh khỏi, gây thiệt hại rất lớn đến với các hộ nuôi. Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phú Đông, toàn huyện hiện có 49 ha với 44 triệu con giống đang bị nhiễm bệnh hoại tử gan tụy và đốm trắng.