Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước)
Tiêu đang xanh tốt, tự nhiên vàng lá rũ xuống rồi chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ trồng tiêu ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập - Bình Phước) đứng ngồi không yên. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nay đứng nhìn cây tiêu chết dần vì bệnh lạ.
Bệnh lạ tràn lan
Gần đây, ở xã Đắk Ơ những vườn tiêu xanh tốt đã ngả màu vàng, nhiều cây chết trụi trơ lại nọc. Ông Nguyễn Văn Minh ở thôn ĐắK Min cho biết, vườn tiêu của ông mới trồng được hơn một năm, thời gian đầu cây phát triển rất nhanh. Cách đây hơn nửa tháng, gần 200 trong tổng số 500 nọc tiêu của gia đình ông lá chuyển từ màu xanh qua màu vàng và lan rất nhanh sang những cây bên cạnh.
Ông Minh đã sử dụng nhiều loại thuốc để trị bệnh cho tiêu vẫn không hiệu quả. “Cả gia đình đang ngồi trên đống lửa, lục tìm hết tài liệu, hỏi khắp nơi nhưng không ai biết cây bệnh gì và cây tiêu cứ chết lan ra cả vườn. Hiện tôi đang mua thuốc xử lý những cây vàng lá với hy vọng mong manh. Nếu không cứu được, phải cắt bỏ hết những dây tiêu bị bệnh để tránh lây sang cây khác.
Khu vườn hơn 1.000 trụ tiêu của anh Điểu Nhớ ở thôn 4 đang xơ xác. Hơn một nửa diện tích đã chết trụi. Trụ được anh nhổ lên chất đống, chờ mưa xuống để trồng lại. Theo anh Nhớ, tiêu phát bệnh từ cuối tháng 11-2013 và đến nay có hơn 500 nọc đã chết, số còn lại chỉ sống lay lắt.
Để đảm bảo an toàn cho những nọc tiêu khác, anh buộc phải nhổ sạch những cây bị bệnh, đem phơi khô rồi đốt bỏ để tránh lây lan. “Năm ngoái vì điều rớt giá nên tôi chuyển một phần sang trồng tiêu. Bao nhiêu công sức, tiền của bỏ ra coi như mất trắng” - anh Nhớ thở dài.
Theo ông Điểu Nép, Trưởng thôn 4, chỉ riêng thôn 4 hiện có trên 30 hộ tiêu chết hàng loạt. Người ít vài trăm nọc, người nhiều cả ngàn nọc. Người dân ở đây đang rất hoang mang.
Chưa có thuốc đặc trị
Anh Nguyễn Văn Bình ở thôn 4 cho biết, khi cây tiêu hơn một năm tuổi, cắt được dây thì bỗng nhiên bị vàng lá rồi chết. Một số cây vàng lá rồi chết dần, một số cây có hiện tượng khô ngoài và bị thối phần ruột không rõ nguyên nhân. “Hơn 1.500 nọc tiêu, tôi đã chi gần 20 triệu đồng tiền thuốc về phun xịt nhưng vẫn không hiệu quả.
Đặc biệt, thời gian này tiêu chỉ phát bệnh ở những vườn cây từ 3 năm tuổi trở xuống. Chúng tôi đặt vấn đề với Hội khuyến nông xã để có sự giúp đỡ nhưng họ cũng chưa có biện pháp hữu hiệu” - anh Bình cho biết.
Anh Bế Văn Tiêm, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đắk Ơ cho biết: Sau tết Nguyên đán, nhiều hộ dân trong xã báo tin tiêu chết hàng loạt, tập trung ở vườn tiêu từ 3 năm tuổi trở xuống. Đến nay, toàn xã ghi nhận trên 50 hộ có tiêu chết. Số bắt đầu phát bệnh thì rất nhiều.
Theo anh Tiêm, có nhiều nguyên nhân dẫn đến cây tiêu chết hàng loạt nhưng chủ yếu do người dân chọn giống tiêu bị thoái hóa, không có khả năng kháng bệnh, nên gặp thời tiết thất thường cây dễ bị bệnh và khi bị bệnh rất khó chữa. Chúng tôi đã báo lên Phòng nông nghiệp huyện để tìm rõ nguyên nhân và có phương pháp xử lý cứu cây tiêu giúp người dân xã Đắk Ơ.
Related news
Cuối năm 2008, dự án chăn nuôi bò sữa công nghiệp tập trung lớn nhất Việt Nam của Tập đoàn TH được Ngân hàng TMCP Bắc Á đầu tư với tổng vốn 350 triệu USD (giai đoạn 1) bắt đầu được khởi động tại huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An). Dự án triển khai trong thời điểm trước đó, không ít dự án nuôi bò sữa lớn nhiều nơi đổ bể, khiến không biết bao nhiêu người, từ lãnh đạo đến nhân dân băn khoăn...
Bởi thế, không lạ gì khi có hàng loạt doanh nghiệp trong và ngoài nước (trong đó có Đài Loan) chọn Lâm Đồng làm “đất sống” để kinh doanh cây chè. Song, gần đây, một vài thông tin từ các phương tiện truyền thông Đài Loan cho rằng vùng chè Lâm Đồng được trồng trên đất nhiễm chất độc dioxin do Mỹ rải xuống trong thời chiến tranh khiến cho hàng loạt doanh nghiệp trà của Lâm Đồng điêu đứng.
Đây là hoạt động thường niên của Binh đoàn 15, nhằm tìm ra và vinh danh những cá nhân, tập thể xuất sắc trong việc thu hoạch mủ cao su. Đặc biệt là tạo điều kiện cho công nhân các đơn vị được gặp gỡ, giao lưu và học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau, từ đó có kiến thức, kỹ năng tốt để khai thác mủ cao su ở vườn cây của đơn vị mình.
Ngày 27/11/2014, Thông tư 29/2014/TT-BCT của Bộ Công thương hướng dẫn thi hành Nghị định 202/2013/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý phân bón sẽ chính thức có hiệu lực.
Theo kế hoạch của ngành Nông nghiệp Bình Định, trong vụ ĐX 2014-2015, toàn tỉnh sẽ sản xuất 47.156 ha lúa, 16.230 ha hoa màu các loại… với nhu cầu khoảng 35.000 tấn phân bón các loại, như urê, NPK, lân, kali, DAP… Thời điểm này, giá phân bón đang giảm so với cùng kỳ năm ngoái.