Thoát nghèo từ nuôi lợn
Hồng Phong có 62 hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Thôn nằm bên kia con sông Tiên Yên, nhiều năm bị chia cắt với trung tâm xã. Người dân rất khó phát triển sản xuất, giá như có nuôi được con lợn, con gà thì cũng chỉ để ăn, không có thương lái nào chịu mất công lội sông vào mua sản phẩm chăn nuôi cho bà con.
Từ chương trình xây dựng nông thôn mới, thôn đã có cầu tràn. Người dân hăng hái hiến đất, hiến công lao động để bê tông hoá đường vào thôn. Giao thông thuận lợi hơn, do vậy mô hình nuôi lợn ở Hồng Phong cũng thuận lợi hơn nhiều.
Anh Nguyễn Văn Tụy là hộ nghèo được hỗ trợ nuôi lợn, gia đình anh đã đăng ký thoát nghèo vào cuối năm nay. Vợ chồng anh có 1.800m2 ruộng, nhưng chỉ cấy được 1 vụ vì hệ thống tưới tiêu kém, nhưng bù lại xung quanh ngôi nhà anh là khu đồi rộng có thể trồng khoai sắn. Anh Tụy bảo: Từ ngày nuôi lợn, tôi trồng thêm nhiều hoa màu, trước đây tôi chẳng trồng làm gì, bởi không ăn được nhiều, bán chẳng ai mua. Bây giờ khoai sắn để lợn ăn rất tốt, đỡ được tiền mua thức ăn cho lợn. Vợ chồng tôi chỉ làm ruộng, làm đến đâu chi tiêu hết đến đấy. Nuôi lợn, chúng tôi sẽ có khoản tích luỹ cho đợt nuôi sau để từ đó thoát nghèo.
Anh Nguyễn Văn Phoóng, là hộ cận nghèo được hỗ trợ nuôi lợn tỏ ra hoạt bát hơn. Trước khi được hỗ trợ chăn nuôi anh cũng đã nuôi lợn, nhưng chỉ nuôi để gia đình ăn vào các kỳ lễ tết. Từ khi được hỗ trợ nuôi lợn, anh hăng hái vay thêm bạn bè người thân tiền để đầu tư nuôi thêm 2 con lợn nái để tự gây giống cho đàn lợn nhà mình. Nhờ đầu tư hợp lý nên đàn lợn nhà anh lúc nào cũng có khoảng 20 con, riêng 5 con lợn từ nguồn hỗ trợ được anh chăm sóc tốt nên lớn rất nhanh, đến nay đã nặng từ 60 - 70kg/con.
Anh Phoóng có gần 3.000m2 đất nông nghiệp, đa phần anh trồng ngô, khoai. Anh bảo: Do hệ thống tưới tiêu ở thôn kém, trồng ngô khoai phù hợp vì chúng chịu hạn tốt hơn. Bán lợn, tôi lại có tiền mua gạo về ăn thay trồng lúa. Ngoài các kỹ thuật được học hỏi ở các lớp tập huấn, anh còn tự tìm hiểu các mô hình từ ti vi, sách báo và tìm cách tự tiếp cận thị trường, đưa các mối tiêu thụ về thôn.
Anh cho biết thêm: Người ta bảo “bẩn như lợn” nhưng tôi lại không nghĩ thế. Tôi thấy con lợn ưa sạch sẽ nên tôi thường xuyên vệ sinh chuồng trại, đảm bảo chuồng trại thoáng mát về mùa hè, ấm áp về mùa đông. Bên cạnh đó, đề cao việc tiêm vắc-xin phòng bệnh cho lợn. Nếu ai cũng làm tốt việc nuôi lợn thì tôi tin rằng nuôi lợn cũng xoá được nghèo.
Từ năm 2014, thôn Hồng Phong đã được thi công đường bê tông dài 450m, trị giá hơn 371 triệu đồng do người dân và Nhà nước cùng làm. Gần thôn Hồng Phong, từ nguồn vốn của tỉnh, huyện, các con đường Phong Dụ - Hà Lâu, Phong Dụ - Đại Dực cũng đã được mở ra, giúp cho người dân Hồng Phong có nhiều cơ hội giao lưu với các xã khác trong huyện và mạnh dạn hơn trong việc phát triển kinh tế. Hiện nay, Phong Dụ đã đạt được 13 tiêu chí xây dựng nông thôn mới và phấn đấu cơ bản về đích nông thôn mới trong năm nay. Xã phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo từ 14,6% xuống còn dưới 10% vào cuối năm nay.
Related news
Ở nông thôn hầu như nhà nào cũng có ao mương, nên việc khai thác diện tích mặt nước để nuôi các loại cá nước ngọt được các địa phương trong tỉnh Sóc Trăng quan tâm, nhằm giúp nông dân tăng thu nhập, góp phần chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, như mô hình nuôi cá sặc rằn ở huyện Long Phú.
Vào năm 2012, nhiều chủ vựa cua trên địa bàn các huyện Năm Căn, Đầm Dơi, Cái Nước... tỉnh Cà Mau đã lao đao vì bị quỵt nợ hàng chục tỷ đồng do mua bán cua với thương lái Trung Quốc kinh doanh không phép.
Trong 6 tháng qua, các doanh nghiệp cũng tập trung mở rộng thị trường xuất khẩu và xuất hơn 21.330 tấn thủy sản (chủ yếu là tôm đông), cho kim ngạch xuất khẩu đạt trên 223 triệu USD. Theo các doanh nghiệp, tình hình xuất khẩu từ đầu năm đến nay khá thuận lợi và doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh có lãi.
Khoảng 6 năm trở lại đây, bí đỏ hồ lô đã trở thành nông sản mang lại thu nhập khá cho người dân xã Vạn Bình (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa). Tuy nhiên hiện nay, thị trường tiêu thụ không ổn định, tư thương ép giá đã khiến người trồng bí gặp khó khăn...
Vụ lúa hè - thu năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng và duy trì mô hình cánh đồng lớn (CĐL) ở 25 địa phương trong tỉnh Trà Vinh, với diện tích 4.243,98ha/3.762 hộ tại các huyện Càng Long, Châu Thành, Tiểu Cần, Trà Cú, Cầu Ngang và Cầu Kè, hiện nông dân xuống giống đạt 100% diện tích, chủ yếu sử dụng các giống lúa chất lượng cao được ngành Nông nghiệp khuyến cáo như, OM 4900, OM6976, OM5451... lúa đang phát triển tốt.