Thoát Nghèo Nhờ Nuôi Ếch
Trong những năm qua, nhiều hộ nông dân trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã mạnh dạn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, nhằm tăng thêm nguồn thu cho gia đình, góp phần giải quyết việc làm và xoá đói giảm nghèo ở địa phương, trong đó, mô hình nuôi ếch đầu tư ít, dễ nuôi, cho hiệu quả kinh tế cao, đang ngày càng có nhiều nông dân áp dụng.
Điển hình như mô hình nuôi ếch của hộ ông Nguyễn văn Đề, ấp số 7, xã Mỹ Cẩm, huyện Càng Long (Trà Vinh), ông là người đầu tiên ở địa phương thực hiện mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả kinh tế cao.
Ông Đề cho biết, năm 2011 trong một chuyến đi thăm bạn bè, ông Đề thấy có mô hình nuôi ếch công nghiệp đạt hiệu quả, về nhà ông quyết định làm theo. Ông tận dụng khu vườn nhà với diện tích trên 42m2 để làm bể nylon nuôi trên 1.500 con ếch thịt, bể nuôi được thiết kế bao quanh bằng lưới mùng ở phía trên, và bạt nylon ở phía dưới (để chứa nước cho ếch trú ẩn).
Giống ếch hiện nay gia đình ông đang nuôi là ếch Thái Lan, có kích cỡ lớn từ 200 đến 400 gam/con. Lúc nhỏ ông nuôi với mật độ 100 con/m2, lúc lớn ông san ra, với mật độ khoảng 40 con/m2.
Ông cho ếch ăn bằng thức ăn công nghiệp, cho ăn 1 ngày 3 lần. Theo ông, nếu có điều kiện cho ăn ban đêm thì ếch mau lớn hơn. Trong quá trình nuôi ông đã tuyển chọn ra một số con ếch khỏe làm con giống.
Cuối năm 2012, ông đã bán được trên 4 tấn ếch thương phẩm, với giá 35.000 đồng/kg, ông thu được hơn 140 triệu đồng, sau khi trừ chi phí còn lợi nhuận hơn 40 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn bán được hơn 15.000 con ếch giống cho bà con xung quanh có nhu cầu nuôi, với giá 1.000 đồng/con, gia đình thu được hơn 15 triệu đồng. Hiện tại, gia đình ông còn hơn 1.000 con ếch thương phẩm đang chuẩn bị xuất bán và 300 con ếch giống.
Ông Đề cho biết: “Nuôi ếch này không khó, chỉ cần lưu ý một số bệnh thường gặp như bệnh đường ruột, bệnh trướng hơi, phòng bệnh kịp thời bằng cách xử lý nước thường xuyên, không để nước quá bẩn”.
Với việc chuyển đổi vật nuôi đúng hướng, tin rằng đây sẽ là điều kiện để bà con nông dân tiếp tục nhân rộng mô hình, góp phần tạo thêm công ăn việc làm và đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Related news
Ngày 16-9, đồng chí Hoàng Công Thủy - Tỉnh ủy viên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiểm tra Công trình xây dựng Trung tâm giống vật nuôi ở huyện Cẩm Khê và làm việc với Trung tâm giống Vật nuôi, Chi cục Thủy sản về tình hình sản xuất, cung ứng giống gia súc, gia cầm, thủy sản.
Họ rong ruổi theo bầy vịt từ chân ruộng cạn đến xứ đồng sâu. Đêm, họ lại ngủ ngoài đồng để xua đuổi bầy chó hoang và phòng ngừa kẻ gian trộm vịt. Nhưng điều lo lắng nhất với họ là dịch bệnh khiến cho vịt chết hàng loạt, mất trắng vài chục đến hàng trăm triệu đồng.
Cái tên núi Trọc, nằm ở xã Hành Trung (Nghĩa Hành), gắn liền với một vùng đất hoang hóa, cằn cỗi, cây cối không mọc nổi. Ấy vậy mà qua đôi bàn tay của anh Nguyễn Đức Tuệ, nơi đây đã trở thành mảnh đất “xanh” cho cây dược liệu cà gai leo sinh sôi và trở thành “sinh kế” cho hàng chục hộ dân ở Nghĩa Hành.
1 kg cá ngừ đại dượng đạt tiêu chuẩn bán ở thị trường Nhật Bản có thể gấp 5 lần so với giá nội địa. Tuy nhiên, thực tế ngư dân Việt Nam vẫn chưa tuân thủ các quy trình câu, xử lý, bảo quản nên chất lượng chưa đạt, hiệu quả chưa cao.
Những năm qua, công tác thú y được chú trọng phát triển cả bề rộng lẫn chiều sâu đã đáp ứng kịp thời nhu cầu bảo vệ đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi và tạo ra môi trường chăn nuôi trong sạch, sản phẩm thịt sạch góp phần bảo vệ sức khỏe con người.