Thắt Chặt Liên Kết Sản Xuất Lúa
Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP Cần Thơ với nhiệm vụ giải quyết những vấn đề khoa học công nghệ về cây lúa, các loại cây trồng trong hệ thống cây trồng có lúa và hệ thống nông nghiệp nói chung.
Với định hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp công nghệ cao, TP Cần Thơ không ngừng tranh thủ sự hỗ trợ của Viện Lúa trong việc chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật về giống, kỹ thuật canh tác để nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp và thu nhập của nông dân.
Cải tiến chất lượng giống lúa
Thực hiện công tác nghiên cứu khoa học về cây lúa, hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL có hàng chục giống lúa mới triển vọng được đưa vào sản xuất thử nghiệm ở các địa phương trong vùng. Kể từ khi thành lập và đi vào hoạt động tại TP Cần Thơ, đến nay, Viện Lúa ĐBSCL đã chọn tạo và được Bộ Nông nghiệp và Phát triển (NN&PTNT) công nhận đưa vào sản xuất 166 giống lúa mới với thương hiệu OM.
Bên cạnh đó, Viện đã xây dựng 11 quy trình kỹ thuật được công nhận ở cấp Quốc gia, với 5 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, 2 quy trình kỹ thuật canh tác cây trồng cạn luân canh với lúa và 4 quy trình phòng trừ sâu bệnh hại cây trồng. Ngoài ra, Viện còn có 28 quy trình và giải pháp kỹ thuật được cấp Bộ và tỉnh công nhận với 17 quy trình kỹ thuật canh tác lúa, cây trồng cạn, 11 quy trình, giải pháp kỹ thuật phòng trừ sâu hại. Các giải pháp kỹ thuật “Ba giảm, ba tăng”, “1 phải 5 giảm”, “Gieo sạ đồng loạt, né rầy”, “Kỹ thuật sạ hàng” do Viện nghiên cứu và hướng dẫn đang được nông dân trồng lúa áp dụng rộng rãi hiện nay.
Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: Các nhà khoa học của Viện Lúa đã tập trung cải tiến các giống lúa mùa địa phương để cho ra đời các giống lúa cải tiến có thời gian sinh trưởng ngắn, năng suất cao (từ 6-8 tấn/ha). Đồng thời không ngừng nâng cao chất lượng của các giống lúa cải tiến nhằm chống chịu ổn định với rầy nâu, bệnh đạo ôn, cải tiến phẩm chất hạt gạo, thích nghi với những vùng khó khăn, biến đổi khí hậu…
Nhờ đó, các giống lúa do Viện chọn tạo đã được đưa vào trồng khảo nghiệm tại các vùng sinh thái canh tác ở ĐBSCL và có nhiều giống lúa phù hợp với từng vùng sinh thái đã được các địa phương gieo trồng trên diện rộng.
Song song với công tác nghiên cứu khoa học, hoạt động chuyển giao công nghệ giữa Viện và các địa phương trong vùng được duy trì hiệu quả. Thạc sĩ Lê Văn Tạo, Trưởng phòng Điều hành Sản xuất Viện Lúa ĐBSCL, cho biết: “Hằng năm, Viện đã sản xuất và cung ứng hàng chục tấn lúa giống siêu nguyên chủng, hàng ngàn tấn giống nguyên chủng và xác nhận đạt tiêu chuẩn chất lượng cho các địa phương, doanh nghiệp và nông dân, góp phần đưa tổng diện tích sản xuất lúa ở ĐBSCL sử dụng hạt giống đạt tiêu chuẩn từ dưới 10% năm 1999 lên trên 34% như hiện nay. Từ đó góp phần quan trọng trong việc nâng cao năng suất, chất lượng và tăng tính cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam”.
Qua thống kê của Cục Trồng trọt, trong 10 giống lúa được trồng phổ biến trên cả nước, Viện Lúa ĐBSCL đã đóng góp 5 giống. Tại ĐBSCL, trong 10 giống được trồng phổ biến nhất có 8 giống do Viện chọn tạo, chiếm gần 70% diện tích gieo trồng.
Tập trung khâu giống và khoa học kỹ thuật
Hằng năm, Viện Lúa ĐBSCL đã góp phần cung ứng giống lúa siêu nguyên chủng, nguyên chủng cho hệ thống giống lúa “3 cấp” của TP Cần Thơ để nhân ra giống xác nhận phục vụ sản xuất lúa của nông dân. Đặc biệt, Viện Lúa còn có bề dày nghiên cứu ứng dụng quy trình kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cùng Viện Lúa Quốc tế IRRI và Cần Thơ chính là cái nôi đầu tiên áp dụng kỹ thuật này trước khi được nhân rộng ra cả nước.
Viện Lúa cũng tích cực hỗ trợ thành phố trong việc chuyển giao quy trình nuôi cấy nấm xanh và nhân rộng mô hình để giúp nông dân, phòng trừ sâu, rầy hại lúa, canh tác lúa thân thiện với môi trường. Bà Nguyễn Thị Kiều, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, cho biết: “Theo Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2012 – 2020, TP Cần Thơ, định hướng hình thành các vùng canh tác lúa tập trung quy mô lớn đáp ứng nhu cầu xuất khẩu và sản xuất giống lúa cung ứng cho các địa phương trong vùng.
Trong đó, sẽ có sự tham gia hỗ trợ của Viện Lúa ĐBSCL trong việc tăng cường cơ giới hóa trong các khâu sản xuất của nền nông nghiệp công nghệ cao, chuyển giao quy trình kỹ thuật canh tác lúa, sản xuất lúa giống đảm bảo yêu cầu về tiêu chuẩn chất lượng.
Song song đó, ngành nông nghiệp thành phố cũng mong muốn Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục nghiên cứu ra các giống lúa đáp ứng yêu cầu xuất khẩu để nâng cao giá trị của hạt gạo Việt Nam trên thị trường thế giới”.
Đối với nền nông nghiệp hiện đại, việc sử dụng và bảo vệ nguồn tài nguyên đất, tài nguyên nước, bảo vệ môi trường sinh thái nông nghiệp, bảo tồn quỹ gien có ý nghĩa đặc biệt quan trọng để phát triển nông nghiệp bền vững nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu.
Đây cũng là một trong những chức năng nhiệm vụ quan trọng của Viện Lúa ĐBSCL. Theo ông Nguyễn Minh Thế, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP Cần Thơ, sản xuất nông nghiệp hiện nay rất chú trọng giảm thiểu các tác động đến môi trường đất, nước, không khí, giảm phát thải khí nhà kính.
Vì thế, thành phố cũng mong muốn tăng cường hợp tác với Viện Lúa trong các chương trình dự án sản xuất nông nghiệp thân thiện với môi trường, giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu hướng đến nền nông nghiệp tăng trưởng xanh và bền vững.
Mới đây, tại buổi làm việc với Viện Lúa ĐBSCL về tình hình thực hiện nhiệm vụ chính trị, công tác nghiên cứu khoa học của đơn vị, Phó Bí thư Thành ủy Cần Thơ Phạm Gia Túc khẳng định: “Để ngành nông nghiệp TP Cần Thơ nói riêng và ĐBSCL nói chung có bước phát triển vượt bậc, đòi hỏi phải có sự gắn kết “4 nhà”.
Trong đó, vai trò của các nhà khoa học Viện Lúa ĐBSCL là rất quan trọng. Vì thế, thành phố mong muốn Viện Lúa ĐBSCL tiếp tục đóng góp thêm nhiều thành quả cho công tác chọn tạo giống lúa, nghiên cứu hoàn thiện các quy trình sản xuất tiên tiến để chuyển giao cho nông dân trong và ngoài địa bàn TP Cần Thơ. Đặc biệt là tham gia vào mối liên kết “4 nhà” để nâng cao chuỗi giá trị sản xuất lúa cho TP Cần Thơ và vùng ĐBSCL”.
Theo Tiến sĩ Lê Văn Bảnh, Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL, tiếp tục phát huy các thành tựu đã đạt được và đáp ứng yêu cầu phát triển mới, thời gian tới, Viện Lúa ĐBSCL đặt mục tiêu nỗ lực phấn đấu trở thành Trung tâm nghiên cứu Lúa đạt trình độ tiên tiến trong khu vực, đủ năng lực giải quyết những vấn đề lớn đặt ra trong phát triển nông nghiệp của vùng và của cả nước.
Song song đó, với vai trò là cơ quan Trung ương đóng trên địa bàn TP Cần Thơ, Viện Lúa sẽ tích cực hỗ trợ cho thành phố trong các chương trình, dự án về nông nghiệp để xây dựng nền nông nghiệp theo hướng hiện đại như mục tiêu đã đề ra.
Nguồn bài viết: http://www.baocantho.com.vn/?mod=detnews&catid=72&id=157213
Related news
Kee Song Brothers Poultry của Singapore đã trở thành công ty đầu tiên ở Đông Nam Á có thể nuôi gà quy mô lớn mà không cần dùng kháng sinh.
Nơi ấy gần cửa biển vốn là vùng bãi bồi hoang dại, cỏ mọc um tùm chỉ có những loài sú, vẹt tồn tại nhưng có một người đã biến vùng hoang vu ấy thành “kho vàng”, anh trở thành tỷ phú từ nghề nuôi ngao biển và cung ứng ngao giống, tạo công ăn việc làm cho nhiều người dân vùng “chân sóng”. Đó là anh Thái Bá Khang ở Sơn Hải - Quỳnh Lưu.
Dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Vì vậy, ngành thú y các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống dịch và đề cao tính chủ động trong phòng dịch.
Với 162 tàu thuyền đánh bắt hải sản (trong đó có 40 tàu đánh bắt xa bở và mỗi tàu công suất 380 - 450 CV), phường Nghi Thủy trở thành một trong những đơn vị dẫn đầu ở TX Cửa Lò về khai thác kinh tế biển.
Thông tin thương lái đến hỏi mua lá khoai lang được ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm Hợp tác xã Thành Lợi khẳng định. Theo đó, vào trung tuần tháng 2, có 3 người, trong đó 2 người Trung Quốc và một người Việt Nam, đến Hợp tác xã Thành Lợi hỏi mua lá khoai lang với mức giá 10.000đồng/kg được trả cho nông dân và trả thêm tiền hoa hồng 1.000 đồng/kg cho Hợp tác xã Thành Lợi khi thu mua lá khoai.