Tây Ninh tái cơ cấu nông nghiệp cải thiện nhanh đời sống nông thôn
Cụ thể, giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản tiếp tục duy trì tăng trưởng ổn định, bình quân 5,5%/năm giai đoạn 2011 - 2015, chiếm 30% cơ cấu tổng sản phẩm của tỉnh.
Đột phá từ cây sắn
Để thực hiện TCC ngành nông nghiệp, tỉnh Tây Ninh quyết định lấy cây sắn (mì) làm cây chủ lực khi giá trị kinh tế của loại cây này đang tăng cao và khá ổn định trong vài năm gần đây.
Bà Quách Thị Yến Linh - Phó Chủ tịch UBND xã Phước Ninh (Dương Minh Châu) cho biết, nông dân trong xã đang đổ xô chặt mía trồng sắn, khiến hơn 1.700ha mía năm ngoái giờ chỉ còn 158ha.
Hiện, tổng diện tích trồng sắn trong xã đã tăng lên hơn 2.000ha, trong đó nhiều hộ có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ha/vụ.
Thu mua nguyên liệu tại Nhà máy Tinh bột sắn Tây Ninh.
Tại Tân Châu - dù đang là huyện có diện tích và năng suất trồng sắn cao nhất tỉnh Tây Ninh (hơn 10.000ha), song nhiều nông dân ở đây vẫn tiếp tục tăng diện tích trồng.
Anh Nguyễn Văn Dũng, nông dân thị trấn Tân Châu chia sẻ, những năm qua thấy trồng sắn cho hiệu quả kinh tế cao nên anh quyết định duy trì trồng cây này.
Từ chỗ trồng chưa đến 1ha, qua đầu tư tích lũy, hiện gia đình anh đã có gần 10ha sắn, năng suất bình quân từ 45 - 50 tấn/ha, tổng thu nhập bình quân gần 500 triệu đồng/năm.
Theo thống kê, hiện tỉnh Tây Ninh đang có hơn 50.000ha sắn, với sản lượng trên 1,6 triệu tấn/năm, năng suất bình quân 31,7 tấn/ha (bình quân cả nước 17,9 tấn/ha).
Trên địa bàn tỉnh đang có 65 nhà máy, cơ sở sản xuất tinh bột sắn, công suất trên 1 triệu tấn tinh bột/năm.
Sở NNPTNT tỉnh Tây Ninh cho biết, sắp tới Tây Ninh sẽ tăng diện tích sắn lên 60% (khoảng 70.000ha), năng suất bình quân 40 tấn/ha.
Đồng thời, giảm diện tích trồng mía và cao su.
Thay vì trước đây hệ thống thủy lợi, tưới tiêu chủ yếu phục vụ cho cây mía thì tỉnh sẽ điều chỉnh và nâng cấp để phục vụ cho cây sắn; đồng thời triển khai mô hình tưới nhỏ giọt hoặc phun sương cho những vùng chưa có hệ thống tưới tiêu.
Cơ cấu nông nghiệp đang đi đúng hướng
Thực hiện kế hoạch đề án TCC, tỉnh Tây Ninh đã xây dựng một số mô hình ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật trên cây trồng chủ lực, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh gắn với thị trường và công nghiệp chế biến.
Sở NNPTNT đánh giá, sau 2 năm thực hiện TCC ngành chăn nuôi, nhiều hộ nông dân đã tích cực chuyển dần từ chăn nuôi quy mô hộ sang phát triển trang trại công nghiệp, xây dựng thành vùng chăn nuôi tập trung.
Trong đó, các vật nuôi chủ lực như bò sữa, heo thịt, gia cầm… có số lượng ngày càng tăng.
Giá trị sản xuất chăn nuôi năm 2015 ước thực hiện 3.232 tỷ đồng, tăng 26,6% so với năm 2013.
Tỷ trọng chăn nuôi trong nông nghiệp chiếm gần 13%.
Trong khi đó, cơ sở hạ tầng nông thôn cũng được đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải thiện nhanh cuộc sống ở nông thôn.
Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh Nguyễn Thị Thu Thủy cho biết, việc thực hiện kế hoạch TCC ngành nông nghiệp trên địa bàn đã góp phần thúc đẩy giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt cao, cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng.
Do vậy, ngành nông nghiệp cần tiếp tục đẩy mạnh TCC; rà soát, điều chỉnh quy hoạch sản xuất từng lĩnh vực; thúc đẩy nghiên cứu, chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ...
1.000 trang trại làm ăn hiệu quả “Đề án TCC nông nghiệp bước đầu đã đạt được một số kết quả nhất định.
Nông nghiệp phát triển tương đối toàn diện theo hướng đẩy mạnh ứng dụng KHCN, áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất.
Giá trị sản phẩm thu hoạch năm 2015 đạt 86,78 triệu đồng/ha/năm.
Kinh tế trang trại phát triển theo chiều sâu, tập trung..., với khoảng 1.000 trang trại, gia trại hoạt động hiệu quả”. Trích Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Tây Ninh nhiệm kỳ 2015 – 2020
Related news
Giá mua cau non tăng cao là điều bất thường nên nhiều nhà vườn cũng như người đi thu mua ở ĐBSCL đều cảnh giác.
Mới đây, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã tổ chức cấp cây giống cam, quýt ghép cho nhân dân xã Dương Phong.
Mùa mưa lũ cũng là thời điểm gỗ lậu ào ạt tuồn về xuôi. Vì thế, nhiệm vụ đấu tranh, giữ bình yên cho rừng của lực lượng kiểm lâm trở nên vất vả hơn bao giờ hết.
Chỉ trong chín tháng đầu năm 2015, với khoảng 740.000 tấn cao su xuất khẩu, ngành cao su VN bị mất hơn… 40.000 tỉ đồng nếu so với giá bình quân cùng thời điểm vào năm 2011.
Mặc dù được coi là hạt “ngọc” của Việt Nam, nhưng do chuỗi giá trị phức tạp nên gạo Việt đang rơi vào tình trạng 3 “không”: không thuần loại, không kiểm soát được dư lượng hóa chất và không truy xuất được nguồn gốc.