Tập Trung Xử Lý Bệnh Chồi Cỏ Mía Bằng Vôi Bột Ở Tân Kỳ (Nghệ An)
Bệnh chồi cỏ hại mía xuất hiện ở Tân Kỳ (Nghệ An) mới vài năm nay nhưng hiện nay vẫn chưa có thuốc đặc trị. Mặc dù ngành nông nghiệp Nghệ An đã thực hiện các mô hình để diệt chồi cỏ song hiệu quả không cao. Trước tình hình đó, Công ty mía đường Sông Con hướng dẫn nông dân xử lý bệnh bằng vôi bột, hiệu quả thấy rõ…
Vùng mía trải rộng ở Tân Hợp, Tân Xuân, Giai Xuân, Nghĩa Hoàn… của Tân Kỳ từ năm 2010 trở lại nay bị bệnh chồi cỏ trên 200 ha, nhiều diện tích nhiễm nặng với 20% diện tích so với diện tích của thửa ruộng. Gia đình ông Nguyễn Văn Diệu ở Kẻ Mui - Giai Xuân có 15 ha mía, ông cho hay đã áp dụng thuốc bảo vệ thực vật của Chi cục Bảo vệ thực vật Nghệ An khuyến cáo nhưng không hiệu quả. Theo kinh nghiệm, ông rắc vôi bột nhiều hơn trong quá trình xử lý đất trước khi trồng mía (khoảng 500 kg/ha), hiệu quả là vùng mía mới trồng của ông không còn bị bệnh chồi cỏ. Nhiều gia đình khác thấy thế cũng làm theo và kết quả là mía phát triển tốt hơn, đạt năng suất từ 70 - 80 tấn/ha.
Từ kinh nghiệm của bà con đúc kết, kết hợp với cách chăm bón phòng trừ, Công ty mía đường Sông Con đã hỗ trợ vôi bột cho người trồng mía bị bệnh chồi cỏ nặng ở Tân Kỳ với số lượng 500 kg/ha, phân phức hợp hữu cơ vi sinh 2000 kg/ha để trồng mới mía, đồng thời yêu cầu các hộ nông dân tiêu hủy toàn bộ diện tích mía bị nhiễm nặng và trồng lại, tránh lây lan bệnh. Còn đối với diện tích bị nhiễm nhẹ, yêu cầu nông dân tiêu hủy những khóm mía bị bệnh, công ty hỗ trợ 300 đồng/khóm.
Ông Trương Hải Hồ một hộ trồng mía lâu năm ở Tân Kỳ cho rằng: cày sâu, lấy hết gốc mía cũ ra và đốt sạch cũng là cách để hạn chế bệnh chồi cỏ. Sau khi đào lấy hết gốc mía cũ, tiến hành rải vôi bột lên trên và bừa kỹ trước khi trồng mía mới. Trồng mía mới cũng không nên lấy phần gốc mà chỉ dùng mía ngọn hoặc từ nửa cây phần trên để trồng, còn phần dưới là mía thịt, cũng hạn chế được bệnh chồi cỏ.
Ông Nguyễn Bá Qúy - Chủ tịch HĐQT Công ty mía đường Sông Con cho biết: Nhà máy sẵn sàng cho nông dân vay vôi với định mức 5 - 8 tạ/ha để xử lý chồi cỏ. Căn cứ vào qui trình xử lý bệnh chồi cỏ và qui trinh trồng mía, cán bộ nông vụ hướng dẫn các đơn vị, cá nhân trồng mía nghiêm túc thực hiện. Nếu người trồng mía không thực hiện tốt dập dịch chồi cỏ thì giá mía bị nhiễm bệnh sẽ bị trừ 20% so với giá Công ty qui định tại thời điểm.
Hiện nay Tân Kỳ đã xử lý được 160 ha mía bị bệnh, phần lớn là tiêu hủy, trồng lại. Nhưng cách phòng trừ diệt mầm bệnh chồi cỏ bằng vôi bột nồng độ cao ở Tân Kỳ khi trồng mía đã cho thấy hiệu quả rõ rệt và được người nông dân ghi nhận.
Related news
Qua một thời gian nuôi thử nghiệm, mô hình nuôi rắn mối đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Mô hình đã mở ra cơ hội mới để người nông dân trên địa bàn tỉnh có thể đầu tư phát triển kinh tế gia đình, tăng thêm thu nhập.
Bằng sự cố gắng vượt bậc, xã Hiệp Hòa (thị xã Quảng Yên) đã trở thành 1 trong 4 xã về đầu trong phong trào thi đua “Xã nông thôn mới - phường, thị trấn văn hóa" năm 2012 của Quảng Ninh.
Diện tích na ở hai huyện Chi Lăng và Hữu Lũng có khoảng 2.000ha, sản lượng trung bình đạt gần 300 ngàn tấn/ năm. Ông Vy Văn Tuyến ở thị trấn Đồng Bành (huyện Chi Lăng) - chủ nhân của hơn 1.000 gốc na cho biết: “Năm ngoái giá na loại to đẹp chỉ 25.000 đ/kg, nhưng năm nay lên tới 35.000 – 40.000 đ/kg, loại trung bình có giá từ 25.000 – 28.000 đ/kg nên người dân vui lắm”.
Dịch LMLM gia súc đã tái phát tại các xã Đạ Chais, Đạ Sar và thị trấn Lạc Dương (Lâm Đồng) từ trung tuần tháng 5/2013 tới nay và đang có nguy cơ tiếp tục lây lan.
Hồi 1 giờ ngày 11/8, vị trí tâm bão ở vào khoảng 14,2 độ Vĩ Bắc; 127,0 độ Kinh Đông, cách đảo Lu-Dông (Philippines) khoảng 650km về phía Đông Nam. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 13, giật cấp 15, cấp 16.