Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Khi Ngư Dân Chưa Sẵn Sàng Làm Ăn Lớn

Khi Ngư Dân Chưa Sẵn Sàng Làm Ăn Lớn
Publish date: Saturday. April 12th, 2014

Tư tưởng làm ăn riêng lẻ, tiểu nông vẫn luôn là căn bệnh cố hữu trong sản xuất nông ngư nghiệp ở nước ta.

Cuối tháng 3/2014, một cuộc họp về chính sách với ngư dân chuyên nghề khai thác cá ngừ đại dương ở Phú Yên đã được lãnh đạo Tổng cục thủy sản tổ chức nhằm lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng của ngư dân về tất thảy những điều đang khiến họ bức xúc, trăn trở khi hành nghề.

Ai cũng kỳ vọng qua buổi trao đổi này, những nút thắt, vướng mắc trong nghề khai thác cá ngừ đại dương, từ cách thức tổ chức khai thác, thu mua đến chế biến, bảo quản… ít nhiều sẽ được tháo gỡ. Tuy nhiên, thực tế không như mong đợi.

Trong suốt buổi trao đổi, nguyện vọng của ngư dân vẫn chỉ là điệp khúc lặp đi lặp lại: đó là những khó khăn về nhiên liện đầu vào tăng cao, rồi vướng mắc tại các cảng cá, khu neo đậu, những nguy hiểm xuất phát từ thiên tai, nhân tai…và cuối cùng là mong muốn được Nhà nước hỗ trợ.

Còn những chuyện sát sườn như nghề khai thác cá ngừ hiện đang chịu lệ thuộc như thế nào vào đầu nậu, bị ép giá ra sao, hay ngư dân đang chịu sức ép về vốn vay như thế nào, đề xuất mức phần trăm lãi suất nếu được hưởng vốn vay ưu đãi… thì không ai đả động tới.

Đem thắc mắc này hỏi ngư dân, họ lý giải: giữa ngư dân và đầu nậu lâu nay đã hình thành mối ràng buộc rất khó thay đổi. Từ chuyện cung cấp nhiên liệu, đến việc khai thác và cuối cùng là tiêu thụ. Việc bàn bạc giữa 2 bên, thực tế không ai muốn “hở sườn” cho người khác biết vì đó là việc riêng của mỗi chủ tàu.

Thậm chí, khi đề xuất xây dựng mô hình hợp tác xã (HTX) kiểu mới với vai trò là đại diện hợp pháp, hoạt động dựa trên quyền lợi của ngư dân, có tư cách pháp nhân, giúp ngư dân thuận tiện hơn trong việc tổ chức khai thác cũng như đề xuất chính sách hỗ trợ, vay vốn. Chủ nhiệm HTX chính là một trong số các ngư dân, do chính ngư dân tín nhiệm bầu ra…

Trong khi các ban, ngành chức năng nói có thì ngư dân nói không! Lý do ngư dân đưa ra là mô hình HTX từ xưa đến nay không mang lại hiệu quả, hoạt động theo kiểu “cha chung không ai khóc”. Thêm vào đó, không ai đảm bảo rằng ông chủ nhiệm HTX sẽ có sự minh bạch trong việc điều phối các khoản vay vốn và cũng chưa chắc có ai muốn đứng ra chịu trách nhiệm cho tập thể…Và cuối cùng thì chuyện vốn vay, nguyện vọng của ngư dân vẫn là đề nghị Nhà nước hỗ trợ theo từng chủ tàu.

Rõ ràng, tư tưởng làm ăn riêng lẻ, tiểu nông vẫn luôn là căn bệnh cố hữu trong sản xuất nông ngư nghiệp ở nước ta. Dù trong ngành khai thác thủy sản, những tổ đội đoàn kết, hợp tác tương hỗ đã và đang hình thành ngày càng nhiều, nhưng trên thực tế, họ chỉ chia sẻ thông tin về thời tiết, về ngư trường, hỗ trợ nhau khi gặp rủi ro, hoạn nạn, còn chuyện anh khai thác như thế nào, đàm phán giá cả ra sao thì hoàn toàn riêng rẽ.

Thân ai người nấy lo, ai làm người nấy hưởng! Thế mới có chuyện, trong cùng 1 tổ đội nhưng tàu này bán được giá, còn tàu kia, chở về đến nơi thì lỗ tiền dầu, nợ lương bạn thuyền!

Trong Đề án tổ chức lại ngành khai thác thủy sản theo chuỗi giá trị, mô hình khai thác cá ngừ đại dương được lựa chọn làm thí điểm. Rất dễ hiểu bởi đây là một nghề lẽ ra sẽ mang lại một nguồn ngoại tệ lớn cho nước nhà và người trực tiếp sản xuất cũng được hưởng lợi.

Thế nhưng, hiện nghề này vẫn ì ạch vì công nghệ bảo quản lạc hậu, thiếu dịch vụ hậu cần và thiếu cả một phương thức mua bán minh bạch.

Muốn thay đổi, quan trọng nhất vẫn là tổ chức lại sản xuất. Những tổ đội, nghiệp đoàn nghề cá sẽ phải tiến lên một bước. Không chỉ là giúp đỡ nhau khi gặp tai nạn rủi ro trên biển, chia sẻ thông tin ngư trường, dự báo thời tiết mà xa hơn phải tính đến việc hợp tác khai thác, tổ chức dịch vụ hậu cần theo hướng khép kín. Làm được điều này, chủ đạo vẫn là ngư dân.

Theo ông Tạ Quang Ngọc, nguyên Bộ trưởng Bộ Thủy sản (nay là Tổng cục thủy sản), trong phát triển nghề cá, cần lưu ý mối quan hệ giữa tăng trưởng khai thác thủy sản với cải thiện mức sống và dân trí cho cộng đồng ngư dân sống bằng nghề cá.

Khi họ đã nhận thức được tầm quan trọng, lợi ích của chuỗi sản xuất khép kín, khi đó, chính họ sẽ là người chủ động thay đổi tư duy cũng như phương thức hành nghề. Cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, ngành khai thác mới tính đến câu chuyện phát triển bền vững.


Related news

Ngăn Chặn Tình Trạng Bơm Nước Vào Gia Súc Ngăn Chặn Tình Trạng Bơm Nước Vào Gia Súc

Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có văn bản yêu cầu các địa phương tăng cường kiểm soát việc vận chuyển, giết mổ và tiêu thụ thịt gia súc bị bơm nước.

Thursday. June 13th, 2013
Phát Triển Mô Hình Trồng Cây Dược Liệu Hướng Đi Mới Của Người Dân Hải Lộc (Nam Định) Phát Triển Mô Hình Trồng Cây Dược Liệu Hướng Đi Mới Của Người Dân Hải Lộc (Nam Định)

Nhiều năm qua, để đảm bảo ổn định nguồn nguyên liệu phục vụ sản xuất, Cty TNHH Nam Dược (KCN Hòa Xá, TP Nam Định) đã tổ chức triển khai mở rộng các vùng trồng cây nguyên liệu ở nhiều địa phương như trồng cây dây thìa canh tại xã Hải Lộc (Hải Hậu), Diệp hạ châu đắng tại Phú Yên, cây Kinh giới tại Hưng Yên…

Thursday. June 13th, 2013
Mô Hình Nuôi Bò Sinh Sản Đạt Hiệu Quả Cao Mô Hình Nuôi Bò Sinh Sản Đạt Hiệu Quả Cao

Đây là mô hình do Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh Bình Định phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện An Lão tổ chức thực hiện tại xã An Tân. Tham gia mô hình có 30 hộ nông dân của các thôn Tân An, Tân Lập, Thanh Sơn và Thuận An. Mô hình đã được đầu tư gần 86 triệu đồng mua 30 con bò cái nền, cấp cho mỗi hộ 1 con để chăn nuôi.

Thursday. June 13th, 2013
Mãng Cầu Tân Phú Sẽ Biến Mất? Mãng Cầu Tân Phú Sẽ Biến Mất?

Mãng cầu ở huyện Tân Phú (Đồng Nai) được coi là trái cây đặc sản vì mùi vị thơm ngon. Một số vườn mãng cầu của huyện từng đạt giải trái ngon, giống tốt các tỉnh miền Đông Nam bộ. Nhưng chỉ qua một thời gian ngắn, diện tích mãng cầu giảm hơn 2/3.

Thursday. June 13th, 2013
Gà Siêu Trứng Cho “Siêu Lãi” Gà Siêu Trứng Cho “Siêu Lãi”

Gia đình chị Phan Thị Thùy (thôn Lộc Hà, xã Mai Lâm, huyện Đông Anh, Hà Nội) giờ đây đã có cơ ngơi khang trang nhờ nuôi gà siêu trứng, với thu nhập 150 triệu đồng/năm.

Thursday. June 13th, 2013