Tập Trung Trồng Mới Cao Su
Mùa trồng mới cao su năm 2013 đã bắt đầu. Để hoàn thành kế hoạch trồng mới 870ha (trong đó, diện tích trồng tái canh 300ha), Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về giống, phân bón cũng như nguồn lao động để đáp ứng công tác trồng mới đảm bảo kỹ thuật, tiến độ mùa vụ…
Ông Bùi Châu Tuấn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: Tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp tham gia phát triển dự án cây cao su trên địa bàn, năm 2013, Sở đã phối hợp với chính quyền địa phương hoàn thiện các thủ tục bàn giao đất trên thực địa sớm cho doanh nghiệp. Đến nay, tỉnh đã giao trên 700ha, vượt 130ha so với kế hoạch giao. Cùng với thuận lợi trong việc chủ động mặt bằng, Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên đã chủ động 550.000 cây giống đảm bảo chất lượng, đáp ứng nhu cầu trồng mới.
Diện tích trồng mới cao su năm nay tập trung tại các huyện: Tuần Giáo (300ha), Điện Biên (206ha), Mường Chà và huyện Mường Nhé. Với phương châm, diện tích trồng mới đến đâu gọn đến đó, Công ty chỉ trồng mới đối với những vùng có cao trình dưới 600m so với mực nước biển; 100% diện tích trồng mới bằng tum bầu. Để đảm cho cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt, Công ty đặc biệt chú trọng đến quy trình kỹ thuật trồng mới.
Công ty trực tiếp phân công cán bộ kỹ thuật các tổ, đội sản xuất trực tiếp hướng dẫn người dân từ kỹ thuật hạ băng, đào hố đến kỹ thuật trồng cây, không để thất thoát, hư hỏng cây giống. Với sự nỗ lực của Công ty cùng sự phối hợp của chính quyền địa phương, người lao động vùng dự án, đến nay, diện tích cao su đã trồng mới trên 100ha.
Tại huyện Điện Biên, ngay sau lễ phát động trồng mới cao su năm 2013 vào trung tuần tháng 6, Tiểu ban chỉ đạo trồng mới cao su khu vực huyện Điện Biên đã bố trí cán bộ, công nhân viên và người lao động của 5 đội sản xuất tích cực chuẩn bị hiện trường; huy động từ 150 - 200 lao động địa phương tập trung hạ băng, đào hố trồng mới. Anh Lê Tiến Đạt, Đội trưởng Đội Cao su Thanh An cho biết: Diện tích trồng mới cây cao su ở huyện Điện Biên năm nay tập trung chủ yếu ở xã Thanh An và Thanh Xương (150ha).
Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và thực hiện ban hành định mức nhân công lao động rõ ràng đối với từng hạng mục công việc nên đã giải quyết được vấn đề thiếu lao động trong mùa trồng mới. Tuy nhiên, trong điều kiện thời tiết nắng nóng như hiện nay, đơn vị đang tạm dừng trồng mới, đợi khi có mưa, thời tiết thuận lợi mới tập trung trồng, để đảm bảo chất lượng cây sống sau khi trồng, không chạy thành tích, số lượng.
Ông Lò Văn Phương, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết: Là huyện tiên phong thực hiện Dự án phát triển cây cao su trên địa bàn tỉnh, tập trung ở 2 xã Thanh Nưa và Mường Pồn với tổng diện tích trên 990ha. Sau hơn 5 năm thực hiện dự án, đến nay cây cao su sinh trưởng, phát triển tốt, đã góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.
Chính vì vậy, việc tiếp tục mở rộng trồng mới sẽ là cơ hội để người dân vùng dự án có việc làm, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Huyện Điện Biên tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp phát triển cây cao su. Đồng thời chỉ đạo chính quyền các xã vùng dự án tích cực phối hợp với Công ty Cổ phần Cao su Điện Biên trong quá trình hoàn thiện các thủ tục chuyển đổi diện tích đất sang trồng cao su.
Tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia góp đất, hạ băng, đào hố và trồng mới đảm bảo tiến độ mùa vụ; làm tốt công tác bảo vệ, giữ gìn cây cao su mới trồng; giải quyết các vấn đề còn tồn đọng, tạo sự yên tâm cho các hộ đã góp quyền sử dụng đất; đảm bảo thực hiện đúng kế hoạch đã đề ra.
Điều kiện đặc thù của tỉnh ta thời tiết khắc nghiệt, mùa đông nhiệt độ xuống thấp ảnh hưởng đến quá trình phát triển cây cao su. Vì vậy, để cây cao su sau khi trồng có thời gian bén rễ thích nghi với điều kiện khí hậu, Công ty Cổ phần Cao su nỗ lực tập trung trồng mới và kết thúc mùa vụ chậm nhất vào cuối tháng 7.
Related news
Khoảng 10 ngày nay, nông dân trồng dưa hấu tại các xã ven biển tỉnh Bến Tre bắt đầu thu hoạch. Giá dưa tại ruộng loại 1 khoảng 7.000 - 8.000 đồng/kg và 5.000 – 6.000 đồng/kg dưa loại 2. Đây là mức giá cao kỷ lục trong nhiều năm trở lại đây và cao gần gấp đôi so với cùng thời điểm này năm ngoái.
Ở Tiền Giang phong trào chăn nuôi gia cầm phát triển khá mạnh, nhưng nuôi gà tre theo qui mô trang trại an toàn sinh học của cơ sở chăn nuôi gà tre Hương Việt, ấp Lương Phú B, xã Lương Hoà Lạc, huyện Chợ Gạo là một mô hình chăn nuôi độc đáo đem lại lợi nhuận cao cho người nuôi.
Nhận thấy một số hộ dân nuôi trồng rong sụn đạt hiệu quả kinh tế cao, tháng 7-2012, Hội Nông dân xã Thanh Hải (Ninh Hải) đã phối hợp với Trung tâm Dạy nghề thuộc Hội Nông dân tỉnh Bình Thuận mở lớp nuôi rong sụn cho 33 hội viên nông dân ở địa phương.
Từ giữa tháng 3 đến nay, dịch cúm gia cầm (DCGC) đang tái phát trên địa bàn tỉnh Bình Định. Hiện các địa phương đang thu hoạch rộ lúa Đông Xuân, đây là điều kiện thuận lợi cho vi-rút cúm gia cầm phát tán, lây lan ra diện rộng do tình trạng vịt chạy đồng chưa được kiểm soát chặt chẽ. Đáng lo ngại nhất là sự chủ quan của người chăn nuôi và người tiêu dùng.
Đó là nhận định của ông Võ Văn Mùi, Chủ tịch UBND xã Long Sơn về tình hình khai thác và nuôi trồng thủy sản 9 tháng đầu năm 2013 tại xã Long Sơn. Hiện xã Long Sơn có khoảng gần 1.500 hộ dân sống bằng nghề nuôi trồng thủy sản trên tổng diện tích nuôi trồng 173,4ha.