Trồng Ngô Đuổi Con Ma Đói
Vượt đoạn đường đất đá lởm chởm dài gần 20km từ trung tâm xã Nghĩa Tâm (Văn Chấn - Yên Bái), chúng tôi đến thôn 1 Khe Nhao, nơi sinh sống của 54 hộ người Mông. Từng là thôn khó khăn nhất xã, nhưng mấy năm trở lại đây, cuộc sống của người dân nơi đây ấm no hơn nhờ trồng ngô.
Màu vàng no ấm
Khi vừa bước chân xuống xe, trước mắt chúng tôi là một màu vàng no ấm, những bắp ngô mập mạp, vàng óng được phơi đầy trên sân nhà. Nhờ cây ngô, cuộc sống của người dân thôn 1 Khe Nhao đã được cải thiện đáng kể.
Anh Giàng A Lử, Trưởng thôn 1 Khe Nhao cho biết: “Cuộc sống của bà con chủ yếu dựa vào cây ngô, cây chè và trồng rừng. Đặc biệt, từ ngày trồng ngô theo hướng hàng hóa thì cuộc sống của người dân đã khấm khá hơn, có của ăn của để, nhiều nhà sắm được xe máy, ti vi, giường tủ đẹp”.
Trước đây, phần lớn các hộ dân trong thôn đều thuộc diện nghèo. Khoảng 5 năm trở lại đây, khi bà con bắt đầu triển khai trồng ngô 2 vụ chứ không trồng 1 vụ như trước thì cuộc sống được cải thiện đáng kể.. Hiện, diện tích đất trồng ngô toàn thôn lên đến 20ha, hộ ít nhất cũng có 1,5-2ha, hộ nhiều có đến 6-7ha, năng suất bình quân đạt 8-9 tấn/ha. Những hộ trồng nhiều ngô nhất thôn phải kể đến gia đình Lý A Vảng, Giàng A Tủa, Giàng A Giàng, Giàng A Lử,...
Đến thăm gia đình anh Lý A Vảng, chúng tôi thực sự bị choáng ngợp bởi màu vàng của ngô. Ngô được đổ tràn từ sân vào đến trong nhà, chỉ để chừa một lối đi, ngoài ra còn có nhiều bao tải đựng ngô được xếp ở góc nhà. A Vảng chia sẻ: “Nhà tôi có 7ha trồng ngô, năng suất bình quân 8 tấn/ha, mang lại nguồn thu nhập đáng kể. Nhờ cây ngô mà cuộc sống của gia đình và nhiều hộ trong thôn ngày càng no ấm, không sợ bị đói nữa”.
Khi được hỏi về chi phí đầu tư cho cây ngô, anh Lử cho biết: “Phần lớn người dân trong thôn tự bỏ vốn trồng ngô, chỉ một số ít hộ nghèo được hỗ trợ vốn và phân bón. Thị trường tiêu thụ khá ổn định, chủ yếu là người dân tự chở xuống trung tâm xã bán cho thương lái với giá 65.000 - 68.000 đồng/10kg”.
Xua đuổi “ma đói”
Một trong những người có công mang cây ngô về cho thôn 1 Khe Nhao chính là trưởng thôn Giàng A Lử. Được đi nhiều, tham gia nhiều lớp tập huấn, thấy có mô hình kinh tế hay, Lử đều chủ động làm trước và hướng dẫn bà con làm theo. Lử tâm sự: “Vì trình độ, kiến thức của bà con còn hạn chế nên cái gì mình cũng phải làm trước, họ thấy mình làm được thì mới làm theo”.
Được cán bộ khuyến nông hướng dẫn kỹ thuật trồng, chăm sóc ngô, giờ đây, bà con trong thôn đã biết áp dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất chứ không phó mặc cho tự nhiên như trước. Người dân cũng đã biết sử dụng giống ngô mới chất lượng, chịu hạn giỏi, năng suất cao như LVN 99, C919.
Bên cạnh đó, còn sử dụng thêm phân hữu cơ làm giàu cho đất, sử dụng thuốc trừ sâu, trừ bệnh bảo vệ cây ngô khỏi sự phá hại của sâu bệnh; sau thu hoạch đã biết sử dụng máy bóc ngô chứ không làm thủ công như trước. Điều quan trọng hơn là, đồng bào thôn 1 Khe Nhao đã tự ý thức được việc phải vươn lên làm giàu, biết cây ngô có thể giúp thoát nghèo, xua đuổi con “ma đói”.
Từ ngày cây ngô về với dân làng, đời sống của bà con ngày càng ổn định hơn, không còn hiện tượng di dân tự do, đồng bào hăng say xây dựng cuộc sống mới, mở ra con đường mới cho thôn 1 Khe Nhao phát triển.
Related news
Thời điểm giá mủ cao, người nông dân trên địa bàn tỉnh Bình Phước đổ xô chặt bỏ cây điều để trồng cao su. Tuy nhiên, sau thời gian dài giá mủ xuống thấp, thêm vào đó hai năm trở lại đây, điều được mùa, được giá, dễ trồng và ít công chăm sóc, người dân lại chặt cao su để trồng điều.
Tăng cường sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn và có hiệu quả, từ đó giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trên cây chè, đặc biệt dừng sử dụng Fipronil - hoạt chất thuốc bảo vệ thực vật thuộc nhóm độc 2, không được đăng ký sử dụng trên cây chè tại Việt Nam.
Trong hơn 10 năm trở lại đây, các sản phẩm nông, thủy sản của Việt Nam đã có bước tiến vượt bậc trong xuất khẩu, góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Tiếp tục đà sụt giảm từ đầu năm đến nay, tính chung 7 tháng đầu năm, giá trị xuất khẩu thủy sản chỉ đạt 3,53 tỷ USD, giảm 17% so với cùng kỳ năm 2014.
Viện Nghiên cứu và phát triển đồng bằng sông Cửu Long (ĐH Cần Thơ) đã nghiên cứu lai tạo và khôi phục nhiều giống lúa chịu mặn, chịu phèn giỏi.