Gia đình anh Bùi Văn Mỹ, ấp Phú Thọ A, xã Phú Thọ huyện Tam Nông trước đây có 8 công đất ruộng chủ yếu trồng lúa, thu nhập chỉ đủ ăn. Trong hoàn cảnh đó anh nhận thấy, muốn kinh tế phát triển cần có một mô hình mới để chuyển đổi nghề.
Năm 2003, sau khi tham gia lớp tập huấn kỹ thuật nuôi thủy sản do Trạm khuyến nông tổ chức và đi khảo sát thực tế về hiệu quả kinh tế của mô hình nuôi cá lóc ở một số địa phương trong tỉnh, anh Mỹ quyết định chuyển đổi 4 công đất (4.000m2) sang đào ao nuôi cá lóc đầu nhím. Với diện tích trên anh cho đào 4 ao và thả nuôi khoảng 100 con giống/m2. Anh Mỹ cho biết: “Ban đầu, do thiếu kinh nghiệm nên gặp nhiều rủi ro, tỷ lệ cá bị nhiễm bệnh cao, nhưng tôi quyết tâm tìm hiểu, học hỏi kinh nghiệm nên bây giờ không còn phải lo lắng nữa. Tỷ lệ cá đạt đến khi xuất bán trên 80%”.
Sau gần 10 năm nuôi cá lóc, hiện anh Mỹ đang sở hữu 6 ao nuôi với diện tích 8.000m2, bình quân mỗi năm anh xuất ra thị trường khoảng 400 tấn cá lóc thương phẩm, giá bán trung bình khoảng 37.000 đồng/kg. Tính ra doanh thu mỗi năm khoảng 14 đến 15 tỷ đồng, trừ chi phí anh còn lợi nhuận trên 2 tỷ đồng/năm. Anh Mỹ cho biết : “Nuôi cá lóc đầu nhím vừa đạt hiệu quả kinh tế, vừa đáp ứng nhu cầu thị trường”. Theo kinh nghiệm của mình, anh Mỹ chia sẻ: “ Có ba yếu tố quan trọng cần chú ý trong việc nuôi cá lóc đầu nhím đó là: chọn giống, thức ăn và xử lý nguồn nước hợp vệ sinh. Cá giống cần chọn đều cỡ, không bị dị tật, bóng mượt, không xây xát; thức ăn cho cá là dùng cá biển và thức ăn công nghiệp. Trong tháng đầu tiên, người chăn nuôi nên chia thức ăn ra nhiều lần, giúp cá ăn nhanh và triệt để hơn, nên cho cá ăn thức ăn tạp xay nhuyễn pha trộn thêm vitamin tổng hợp”.
Anh Mỹ cho biết: “Trong thời gian nuôi cá cần xử lý nước định kỳ 1 tuần/lần, cần chú ý tăng cường sức đề kháng cho vật nuôi bằng cách bổ sung Vitamin C và khoáng chất, giúp cá có đề kháng tốt trong điều kiện môi trường thay đổi và khả năng hạn chế dịch bệnh cao”.
Nhận xét về hiệu quả mô hình nuôi cá lóc đầu nhím, anh Nguyễn Văn Nhứt- Chủ tịch Hội Nông dân xã Phú Thọ cho biết: “Toàn xã Phú Thọ hiện nay có tổng cộng hơn 10 hộ theo nghề nuôi cá lóc. Điều đáng mừng là nếu trước đây, bà con nuôi theo kiểu tự phát, rủi ro nhiều mà chi phí cũng cao thì từ năm 2003 nhờ học tập các tiến bộ khoa học-kỹ thuật nên đã ổn định hơn rất nhiều. Nhiều nông dân trong xã nhờ nuôi cá lóc đã vươn lên làm giàu, có của ăn của để, không chỉ góp phần giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương, mà còn chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho các hộ dân có nhu cầu, giúp họ có nguồn thu nhập khá ổn định”.
Đây là mô hình có hiệu quả kinh tế cao do tận dụng được các phế phẩm từ nguồn cá tạp rẻ tiền. Với mô hình này, liên tục nhiều năm liền anh Trần Văn Mỹ được UBND tỉnh tặng danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi.
Không chỉ áp dụng thành công mô hình nuôi cá lóc, đưa kinh tế gia đình phát triển khá ổn định, những năm qua anh Mỹ còn góp phần chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi cho nhiều hộ dân tại địa phương giúp họ nâng cao hiệu quả kinh tế, anh Mỹ còn tích cực giải quyết việc làm cho khoảng 30 lao động tại địa phương với mức thu nhập 2,5 triệu đồng/tháng, tham gia đóng Quỹ xây dựng nhà tình thương cho hộ nghèo mỗi năm hơn 10 triệu đồng. Anh là một trong những nông dân đột phá trong mô hình chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi đạt hiệu quả tại xã Phú Thọ.