Tạo việc làm cho đồng bào dân tộc
Cặp vợ chồng người Mông, anh Vàng A Cang và vợ Giàng Thị Lan đang chuẩn bị vắt sữa và băm cỏ tươi cho bò.
Anh Doãn Huấn nói lý do để anh giữ họ trong trang trại của mình nhiều năm nay là họ rất chăm chỉ, tận tụy và chu đáo – những đức tính cần phải có trong nghề chăn nuôi vất vả sớm khuya.
6 giờ rưỡi sáng, gia đình anh Huấn và 2 người làm thuê đã vắt xong sữa từ 60 con bò và bắt đầu chở sữa ra trạm thu mua.
Ngày nào cũng vậy, bất kể mưa nắng, bò sữa phải được vắt sữa 2 lần trong ngày, sau đó là hàng trăm đầu việc khác.
Theo anh Huấn, điều cần nhất ở người làm thuê là họ phải coi những công việc đó như việc nhà của mình, chăm lo chu đáo không được sơ sểnh.
Gia đình anh nhận cặp vợ chồng Cang – Lan vào làm từ khi họ lặn lội từ huyện Phù Yên (Sơn La) tới đây, lương tháng cả hai khoảng trên dưới 10 triệu đồng.
Hàng ngày đứa trẻ Mông của gia đình làm thuê vẫn chơi đùa, ăn uống chung với con cái gia chủ, không có sự phân biệt nào, sắp tới chúng còn học chung trong một lớp học mầm non.
Có thể nói, đây là cặp vợ chồng người Mông may mắn, có việc làm thu nhập ổn định, chấm dứt cảnh di cư tìm sinh kế, đồng thời được sống trong môi trường vùng chăn nuôi bò sữa gồm những gia đình lao động lương thiện, an toàn.
Đó là một môi trường sống mơ ước đối với họ.
Với đặc thù là vùng đất biên giới tiếp giáp với Lào, địa hình núi cao và nhiều lối mòn hoang vu qua lại nên Mộc Châu mặc nhiên trở thành nơi có số cư dân bị cuốn vào những phi vụ vận chuyển, tàng trữ, buôn bán trái phép chất ma túy nhiều nhất Tây Bắc.
Tạo việc làm cho người dân, xây dựng môi trường sống lành mạnh, khuyến khích làm giàu đang là phương án khả thi nhất giúp các vùng dân cư tránh xa ma túy, bỏ hẳn di cư tự do và bị lôi kéo vào hoạt động mạo danh tôn giáo trái phép.
Nhà nước và các DN cùng đứng ra gánh lấy trách nhiệm này, coi đó là một nhiệm vụ và ân nghĩa với vùng đất mà DN đã đứng chân.
Có thể nói đây là cơ hội dành cho người nông dân địa phương.
Tuy nhiên, việc tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số tại Mộc Châu vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu của người dân địa phương.
"Đồng bào Mông chăm chỉ lao động, kiên nhẫn trong tính cách cũng như trong công việc là một thế mạnh của họ, cần phải khơi dậy.
Nhưng công nghệ chăn nuôi bò sữa là công nghệ cao, quy chuẩn khắt khe đòi hỏi họ phải trở thành những người quản trị trang trại giỏi mới có lợi nhuận cao, nếu thua lỗ cũng không hề nhỏ.
Tạo ra một môi trường sống mơ ước là việc mà chúng tôi đã đi đầu...". - Ông Trần Công Chiến.
Hiện Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu vẫn kiên định phát triển theo mô hình kinh tế hộ chăn nuôi là chính.
Với đàn bò sữa 18 ngàn con, sản lượng sữa tươi 180 tấn/ngày, Cty đang trở thành DN thành đạt nhất vùng kinh tế Tây Bắc.
Quy mô hộ chăn nuôi trên nông trường nhiều nhất là trang trại 200 con, trung bình 30-35 con bò sữa mỗi hộ.
Mộc Châu là vùng sinh sống của đồng bào Mông, Dao...
lâu đời, ngoài bộ phận dân cư kinh tế mới và các nông trường thành lập sau khi giải phóng đất nước, các đơn vị bộ đội trở về làm kinh tế.
Sau gần 60 năm xây dựng và phát triển, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu giờ đây gắt gao tính đến việc phát triển tiềm lực kinh tế địa phương, trong đó có việc tạo càng nhiều việc làm càng tốt, sao cho người dân có thể tham gia và sau đó là làm chủ guồng quay, quy trình chăn nuôi bò sữa.
Ông Trần Công Chiến, Chủ tịch HĐQT, TGĐ Cty nói: “Chuỗi liên kết giá trị trong SX chăn nuôi bò sữa đang có hiệu quả cao.
Chúng tôi sẽ phát triển thêm các hộ chăn nuôi, ưu tiên người dân địa phương.
Và quan trọng nhất là phát triển vùng SX thức ăn cho bò, sẽ có nhiều người có việc làm hơn, thu nhập tốt hơn, giúp Mộc Châu trở thành vùng đất trù phú, người dân và DN đều giàu lên”.
Riêng vụ xuân hè năm 2015, Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu đã thu mua 80 ngàn tấn cây ngô để ủ chua, 12 ngàn tấn hạt ngô khô để đưa vào nhà máy SX thức ăn chăn nuôi, tạo việc làm cho hơn 1 ngàn lao động có thu nhập khá.
Toàn bộ số thức ăn chăn nuôi này thu mua từ nương rẫy của các hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống trong vùng.
Ông Chiến cho hay, tương lai của Mộc Châu không dừng lại ở bò sữa.
Vì tiềm năng thế mạnh của cao nguyên xanh tươi này còn nhiều, bà con sẽ phải phát triển ra chăn nuôi bò thịt, dê...
dựa trên nguồn thức ăn SX được để làm giàu chính đáng.
Cái khó nhất hiện nay vẫn là việc người dân tiếp cận với KHKT.
Cty CP Giống bò sữa Mộc Châu khẳng định có thể hỗ trợ rất nhiều yếu tố về vốn, về công cụ, tư liệu SX, nhưng kiến thức, vốn hiểu biết và khả năng tiếp cận với khoa học tiên tiến và ý chí làm giàu thì phải tự người dân nỗ lực.
Related news
Hiện nay, thời tiết trên địa bàn thường xuất hiện những đợt nắng, mưa thất thường - là điều kiện có thể phát sinh các loại dịch bệnh nguy hiểm trên đàn gia súc, gia cầm. Phải chủ động thực hiện nhiều biện pháp bảo vệ, phòng, chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi.
Hơn 1 tuần qua, cụm từ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) vang lên ở nhiều nơi. Bên cạnh niềm vui, không tránh khỏi những nghĩ suy, lo lắng trước không ít thách thức mà TPP đưa đến.
Vừa qua, Hội Nông dân thị xã Bỉm Sơn (Thanh Hóa) đã tổ chức hội nghị tập huấn phổ biến trao đổi kinh nghiệm mô hình chăn nuôi gà ta theo mô hình liên kết 5 nhà (nhà chăn nuôi - con giống - thức ăn - thú y - tiêu thụ sản phẩm) cho cán bộ hội nông dân các xã, phường.
Lập thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh lần thứ XVIII, sáng 14/10, UBND huyện Vũ Quang tổ chức khởi công Trang trại chăn nuôi lợn nái tại thôn Hợp Lý, xã Hương Minh.
Tại hội thảo về tính hợp pháp của gỗ cho ngành cao su Việt Nam tổ chức ở TPHCM, tiến sĩ Trần Thị Thúy Hoa, Chánh Văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam, cho biết hiệp hội khuyến cáo đối với các vườn cao su khai thác lâu năm (khoảng 27 - 28 năm).