Phú Yên được mùa lớn

Thắng lợi trong khó khăn
Vụ ĐX 2014-2015, thời tiết ở Phú Yên diễn biến phức tạp, lượng mưa thiếu hụt so trung bình nhiều năm.
Sau cơn bão số 4 (30/11/2014) đến đầu tháng 1/2015, các hồ chứa nước cơ bản đã tích nước đạt cao trình thiết kế.
Nửa đầu khung lịch thời vụ (cuối tháng 12/2014) trời lạnh và có nhiều đợt mưa xen kẽ, gây khó khăn cho khâu gieo sạ; một phần diện tích sau gieo sạ bị chết khuyết, nông dân phải tăng cường cấy dặm; giai đoạn từ đầu tháng 1/2015 trời ít mưa, thuận lợi cho gieo sạ.
Đến vụ HT 2015, từ giữa tháng 5 thời tiết nắng nóng liên tục, nhiệt độ ở mức 37-39 độ C, có ngày trên 40 độ C khiến lượng nước bốc hơi lớn, làm kéo thời gian lấy nước cho khâu làm đất và gieo sạ.
Từ tháng 6, do ảnh hưởng El Nino, mực nước các hồ đập tiếp tục giảm mạnh.
Đến cuối tháng 7 đến đầu tháng 8, Cty TNHH MTV Thủy nông Đồng Cam và các địa phương phải tăng cường chống hạn cho 7.000 ha lúa.
Song nhờ chỉ đạo quyết liệt của tỉnh, sự hỗ trợ kịp thời của Bộ NN-PTNT và phối hợp chặt chẽ có hiệu quả của các địa phương nên Phú Yên vẫn được mùa.
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) cho biết, trong năm 2015, SXNN trên địa bàn tỉnh đạt mức kế hoạch đề ra.
Riêng vụ lúa ĐX, toàn tỉnh gieo trồng 26.871 ha, năng suất bình quân đạt 72,8 tạ/ha, tăng 2,5 tạ/ha so vụ ĐX năm trước, là vụ lúa đạt năng suất cao nhất từ trước đến nay.
Vụ HT gieo trồng 24.547 ha, tăng 160 ha so với vụ HT năm trước; năng suất bình quân đạt hơn 66 tạ/ha (tăng gần 2 tạ/ha), sản lượng đạt 162,770 tấn (tăng 5.022 tấn so với HT năm 2014).
Vụ mùa, từ đầu đến nay đã gieo trồng khoảng 5.100 ha.
Dự kiến kết thúc SX với diện tích 6.500 ha, năng suất ước đạt 30 tạ/ha, sản lượng đạt 19.500 tấn.
Cũng theo ông Phương, việc áp dụng cơ giới hóa các khâu SX trồng trọt cũng được người dân chú trọng, trong đó một số khâu đạt cao như làm đất trên 95%; thu hoạch bằng máy xếp dãy, gặt đập liên hợp đạt trên 70% diện tích; mô trình trồng mía áp dụng cơ giới hóa đồng bộ từ khâu làm đất, trồng, phân bón, chăm sóc đã mở rộng khoảng 500 ha.
Năm 2015 toàn tỉnh chuyển đổi cây trồng trên 500 ha, tập trung vùng không chủ động nước tưới, vùng SX lúa 1 vụ bấp bênh ở các huyện Đông Hòa 60 ha; Đồng Xuân 129 ha, TX Sông Cầu 130 ha…
Chủ động chống hạn
Để chuẩn bị cho vụ ĐX 2015-2016, Sở NN-PTNT Phú Yên đã có công văn gửi các địa phương chuẩn bị triển khai SX.
Theo đó, định hướng SX trồng trọt tập trung nâng cao hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diện tích; đầu tư giống, giải pháp kỹ thuật, nâng cao thị trường tiêu thụ, đồng thời thực hiện chuyển đổi cây trồng trên đất lúa.
Dự kiến SX lúa vụ ĐX 2015-2016, toàn tỉnh gieo trồng khoảng 26.000 ha, năng suất đạt 64 tạ/ha, sản lượng 166.000 tấn.
Tập trung gieo sạ từ ngày 20/12/2015 - 10/1/2016 để lúa trổ bông sau tiết Kinh trập và thu hoạch trước 20/4/2016.
Các vùng trũng thấp, cuối nguồn nước thuộc các huyện Đông Hòa, Tuy An, Phú Hòa, TP Tuy Hòa… cần bố trí lịch thời vụ vào trà cuối từ ngày 1 - 10/1/2016, dùng giống ngắn ngày để tránh mưa, lũ ngập úng gây hư hại, mất giống khi gieo sạ…
Ông Nguyễn Trọng Tùng, Giám đốc Sở NN-PTNT Phú Yên lo ngại, theo dự báo của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn Trung ương, vụ ĐX 2015-2016 do ảnh hưởng của hiện tượng El Nino, lượng mưa từ tháng 9/2015 - 2/2016 tại khu vực Trung bộ có khả năng ở mức thấp hơn so với TBNN từ 30 - 50%.
Mùa mưa ở các khu vực này có khả năng sẽ đến muộn và kết thúc sớm hơn so với TBNN.
Tại Phú Yên hiện mực nước các hồ chứa vẫn chưa đạt mức thiết kế.
Ông Tùng đề nghị các địa phương, đơn vị liên quan chủ động xây dựng phương án chống hạn để kịp thời ứng phó; đồng thời rà soát cân đối nguồn nước, chuyển đổi cây trồng cạn trên diện tích không đảm bảo nước tưới. Bên cạnh đó, đẩy mạnh biện pháp tuyên truyền và vận động người dân thực hiện chuyển đổi; xây dựng mô hình SX ngô lai, cây rau màu sử dụng ít nước tưới, trồng cỏ làm thức ăn chăn nuôi.
Khuyến khích các DN tham gia đầu tư, thu mua sản phẩm cho nông dân…
Ông Tùng cho biết, Sở NN-PTNT Phú Yên đã trình UBND tỉnh xem xét ban hành 2 chính sách hỗ trợ phát triển giống lúa và chuyển đổi SX cây trồng cạn trên đất lúa giai đoạn 2016-2020.
Sau khi chính sách ban hành sẽ giúp nông dân đẩy mạnh SX và chuyển đổi cây trồng một cách hiệu quả.
Related news

Huyện Phong Điền là một trong những địa phương có diện tích vườn cây ăn trái lớn nhất tại TP Cần Thơ. Thời gian qua, huyện đã khuyến khích nông dân trồng các loại cây ăn trái ngon, đặc sản theo hướng “sạch” gắn với du lịch để tạo thuận lợi về đầu ra sản phẩm. Từ cách làm này, nhiều nhà vườn trồng cây ăn trái tại huyện đã nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập.

Mùa tôm hùm giống bắt đầu từ tháng chạp năm trước đến tháng tư âm lịch năm sau. Năm nay, tôm hùm giống xuất hiện dày, ngư dân hành nghề bắt tôm hùm giống trong tỉnh Ninh Thuận có thu nhập khá.

Hiệp hội chế biến và xuất khẩu thủy sản tỉnh Cà Mau cho biết, hiện nay người nuôi tôm trong tỉnh đang lo lắng vì giá tôm giảm mạnh so với cuối năm 2013.

Giá lúa những năm gần đây xuống thấp, trong khi một số loại rau màu đầu ra khá ổn định, nên nhiều nông dân ở xã Trường An (TP Vĩnh Long) quyết định chuyển trồng lúa sang trồng rau màu.

Qua hơn một năm thực hiện, mô hình vườn nhãn da bò kiểu mẫu ở xã An Lạc Tây, huyện Kế Sách (Sóc Trăng) đã cho hiệu quả rất cao, được thể hiện rõ ràng qua năng suất và lợi nhuận mà các nhà vườn tham gia vào mô hình thu được. Từ đó mô hình này đang được rất nhiều nông dân quan tâm và được định hướng để phát triển sang nhiều địa phương khác trong tỉnh.