Hà Nội Mở Lối Ra Cho Rau An Toàn
Để giải quyết thực trạng rau an toàn (RAT) sản xuất ra không có nơi tiêu thụ, trong khi đó, người tiêu dùng lại không biết mua RAT ở đâu, Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội đã tổ chức các hoạt động liên kết giữa người sản xuất với người tiêu dùng (NTD) và DN. Hy vọng, với cách làm này, sẽ giải quyết được những tồn tại để mở lối ra cho RAT.
Trải nghiệm vùng RATĐược đến thăm vùng sản xuất RAT thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ, do Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp phối hợp với Hội Phụ nữ quận Đống Đa tổ chức, chị Vũ Hồng Vân, phường Kim Liên rất phấn khởi.
Chứng kiến tận mắt quy trình từ chăm sóc RAT đến thu hái rồi chuyển vào khu sơ chế, đóng gói sản phẩm, chị Vân đã phần nào yên tâm về chất lượng RAT. Chị chia sẻ: "Nếu xây dựng được những quầy phân phối RAT đã được chứng nhận chất lượng trong các khu dân cư thì NTD sẽ tiếp cận được sản phẩm chất lượng đảm bảo và giá thành rẻ hơn".
Về phía người sản xuất, được tiếp cận với NTD là cơ hội rất lớn để giới thiệu, quảng bá sản phẩm và nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của thị trường. Ông Hoàng Văn Toàn - Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chúc Sơn cho biết, thị trấn Chúc Sơn có 90ha rau màu, trong đó vùng quy hoạch sản xuất RAT chiếm 65ha.
Tính đến nay, diện tích rau được Sở NN&PTNT cấp chứng nhận vùng sản xuất RAT của thị trấn 62,5ha. Sản lượng cung ứng bình quân trên 20 tấn/ngày với hơn 20 chủng loại rau, chủ yếu là su hào, bắp cải, súp lơ, cải ngồng… Tuy nhiên hiện nay, đa số bà con nông dân phải tự tiêu thụ ở các chợ. Do đó, HTX mong muốn qua những chương trình kết nối giữa người sản xuất và NTD, đầu ra của sản phẩm RAT sẽ rộng mở hơn.
An toàn thực phẩm đang là vấn đề bức xúc của toàn xã hội và được TP Hà Nội rất quan tâm. Đối với sản phẩm rau, củ, quả, nguy cơ mất an toàn chủ yếu do người sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, sử dụng nhiều phân vô cơ hoặc phân hữu cơ chưa hoai mục và nền đất nhiễm kim loại nặng. Do vậy, các chương trình thực tế gắn kết người sản xuất còn góp phần giúp cho NTD nâng cao được kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn.
Liên kết nhóm hộ nông dân và DN
Bên cạnh hoạt động kết nối với NTD, để mở rộng đầu ra cho RAT, người sản xuất cần phải liên kết với DN và đặc biệt, bản thân các hộ nông dân cũng phải liên kết với nhau thành các nhóm hộ. Đại diện HTX Nông nghiệp Chúc Sơn chia sẻ, trồng RAT là hướng đi mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho thu nhập 300 triệu đồng/ha, cao gấp 4 - 5 lần so với cấy lúa. Hiện tại, HTX Nông nghiệp Chúc Sơn mới bắt đầu liên kết với Công ty CP Sản xuất và Thương mại Tâm Đức Tín để tiêu thụ RAT với số lượng nhỏ. Do đó, sự liên kết giữa nhóm hộ nông dân trong vùng sẽ đóng vai trò quan trọng để cùng nhau xây dựng, khẳng định thương hiệu và tìm đầu ra cho RAT. Trong đó, bản thân mỗi người nông dân phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng sản phẩm theo đúng quy trình an toàn.
Ông Đỗ Hoàng Thạch - Trưởng phòng Thông tin truyền thông tư vấn (Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp Hà Nội) phân tích, trong sản xuất, người nông dân hiện vẫn chưa liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu lớn nên DN chưa mặn mà vào thu mua, tiêu thụ sản phẩm.
Điều đáng nói, liên kết giữa DN và nông dân chưa bền chặt nên khi sản phẩm nhiều thì DN ép giá, khi thiếu sản phẩm thì người nông dân trà trộn hàng không đạt chất lượng bán cho DN. Bởi vậy, việc liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT theo mô hình chuỗi có sự tham gia của cả nông dân - DN - nhà quản lý - người tiêu dùng có vai trò quyết định trong phát triển các vùng RAT.
Với điều kiện ruộng đất nhỏ hẹp hiện nay, liên kết đầu tiên bắt nguồn từ chính các hộ nông dân để tạo thành vùng sản xuất lớn, từ đó thu hút DN vào bao tiêu sản phẩm. Tiếp theo, khi đã có sự hợp tác cả DN, Nhà nước và NTD sẽ có sự phân phối hài hòa lợi ích giữa các bên, có như vậy chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ RAT nói riêng và nông sản nói chung mới đảm bảo được tính bền vững.
Related news
Hai năm trở lại đây, nhiều nông dân xã Thanh Hải, huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đưa giống ổi lê (gốc Đài Loan) về trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao.
Hiện tại, giá chanh ở Cái Bè (Tiền Giang) đang ở mức cao, thương lái vào tận vườn mua với giá 19.000 - 20.000 đồng/kg (tăng 4 - 5 ngàn/kg so với tháng trước). Nông dân rất phấn khởi.
Vụ việc cho thấy thị trường mua bán thanh long tại tỉnh Bình Thuận chưa thực sự an toàn. Công an huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận hiện đang tiến hành điều tra vụ giả thương lái lừa đảo nhà vườn trồng thanh long ở thôn Dân Bình, xã Hàm Kiệm.
Cái Bè là một huyện có diện tích trồng xoài lớn nhất tỉnh Tiền Giang, chủng loại đa dạng như: xoài Cát Hòa Lộc, xoài cát chu, xoài 3 mùa mưa, xoài Đài Loan, xoài Thái… tập trung ở các xã Hòa Hưng, Tân Thanh, Tân Hưng, An Hữu, An Thái Đông, Mỹ Lương, An Thái Trung, Mỹ Đức Tây…
Cây thanh long được xem là cây trồng lợi thế của Bình Thuận. Với diện tích đến nay khoảng 30.000 ha, sản lượng trên 500.000 tấn (chiếm khoảng 80% diện tích và sản lượng cả nước), thanh long Bình Thuận đang trở thành thương hiệu nổi tiếng ở trong nước và còn ở nhiều nước trên thế giới. Nhiều hộ, nhiều vùng trồng thanh long không chỉ xóa được đói, giảm được nghèo mà còn nhanh chóng trở nên sung túc, giàu có.