Tái Diễn Bắp Không Hạt Ở Phú Lập (Đồng Nai)

Những năm trước đây ở xã Thanh Sơn (huyện Tân Phú - Đồng Nai) từng xảy ra tình trạng nông dân trồng bắp nhưng đến mùa thu hoạch lại không có hạt, khiến nhiều người điêu đứng. Gần đây, hiện tượng này lại tiếp tục xảy ra ở các xã Tà Lài và Phú Lập (huyện Tân Phú - Đồng Nai). Nhiều ruộng bắp đã đến ngày thu hoạch nhưng không có hạt hoặc chỉ lưa thưa vài hạt.
Anh Trần Hoàng Lân ở ấp 1, xã Phú Lập đã xuống giống 7 sào bắp, trong đó 5 sào giống NK72 và 2 sào giống NK67 của Công ty TNHH Syngenta Việt Nam. Những năm trước, với diện tích này, anh trồng các giống bắp như CP888, C919 cho hiệu quả kinh tế cao, với năng suất từ 8 - 10 tấn/hécta.
* Trái to nhưng không có hạt
Năm nay, được nhiều người giới thiệu giống bắp NK72, NK67 của Công ty TNHH Syngenta là giống mới có năng suất cao nên anh quyết định trồng hết diện tích ruộng của gia đình. Với kinh nghiệm trồng bắp nhiều năm, ruộng bắp của anh Lân phát triển bình thường, cho cây cao, khỏe và những trái bắp ra to đều. Trớ trêu thay, khi tới ngày thu hoạch, anh Lân bóc thử thì thấy không có hạt hoặc có cũng chỉ được vài ba hạt. Anh tiếp tục bóc thử trên diện rộng, và đều cho kết quả như nhau.
Anh Lân nói: “Vụ đông - xuân năm nay, tôi đầu tư và chăm sóc rất kỹ, bao nhiêu vốn và công sức đều đổ dồn cho 7 sào bắp này, hy vọng năm nay bắp sẽ đạt năng suất 11 tấn/hécta. Nhưng ai ngờ lại xảy ra hiện tượng bắp không hạt. Còn 2 sào giống bắp NK67 chưa tới ngày thu hoạch, không biết có hạt hay không”.
Không chỉ riêng ruộng bắp của anh Lân bị hiện tượng này mà nhiều hộ nông dân khác ở xã Phú Lập trồng 2 giống bắp này đều chung tình trạng. Ông Đinh Thế Hùng, Phó chủ tịch UBND xã Phú Lập cho biết: “Vụ đông - xuân năm nay, Phú Lập đã chuyển đổi 45 hécta lúa kém hiệu quả sang trồng bắp. Tuy nhiên, đến nay toàn xã đã có khoảng 16 hécta bị hiện tượng bắp không hạt và thưa hạt, chủ yếu là giống NK72 và NK67 của Công ty TNHH Syngenta. Ngoài ra, còn nhiều nơi khác cũng trồng 2 giống bắp này nhưng chưa tới ngày thu hoạch nên chưa biết kết quả”.
* Hiện tượng bắp “quái”
Điều lạ là mặc dù trên cùng một đồng ruộng nhưng khi trồng các loại giống bắp khác, như: CP888, 333 thì cây bắp vẫn cho trái to, hạt đều. Trong khi đó, ở 2 giống bắp NK72 và NK67, không những trái không có hạt mà còn xảy ra hiện tượng bắp “quái”. Chị Nguyễn Thị Nhàn ở ấp 5, xã Phú Lập cho biết: “Cũng như mọi năm, tôi vẫn trồng giống bắp NK67 nhưng năm nay hầu hết bắp đều cho trái không tạo hạt, chỉ trơ cùi trắng. Không những vậy, có những cây bắp đẻ ra nhiều nhánh, trái bắp tạo hoa với hình thù rất kỳ quái, mặc dù cây phát triển tốt. Từ lúc trồng bắp đến giờ, tôi chưa hề thấy giống bắp nào cho trái kỳ dị như thế”. Cũng theo chị Nhàn, nếu những năm trước, vườn bắp cho thu hoạch từ 2 - 2,5 tấn bắp khô thì năm nay hoàn toàn mất trắng, trong khi đó chị Nhàn đã bỏ ra đã trên 6 triệu đồng để đầu tư. Không chỉ ở Phú Lập mà tại xã Tà Lài cũng xảy ra hiện tượng bắp không hạt. Hàng chục hộ nông dân ở hai địa phương này đều điêu đứng trước tình trạng này. Nhiều người còn rơi vào hoàn cảnh khó khăn khi bị mất trắng mùa vụ, không có tiền để chi trả chi phí phân bón, thuốc bảo vệ thực vật và thiếu vốn để tái sản xuất.
Trước tình trạng bắp không hạt nói trên, Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn, Chi cục Bảo vệ thực vật và Công ty TNHH Syngenta đã khảo sát, đánh giá tình hình để tìm ra nguyên nhân. Nói về hiện tượng bắp không hạt và bắp “quái”, đại diện Syngenta cho rằng do nông dân xuống giống không đúng thời vụ, kỹ thuật chăm sóc không đảm bảo, cây bắp thụ phấn vào thời điểm khô hạn nặng dẫn đến tình trạng bắp không có hạt. Tuy nhiên, hầu hết nông dân đều không đồng tình với cách giải thích này bởi một số giống bắp khác được trồng cùng thời điểm trên cùng một diện tích lại cho năng suất cao.
Hiện tượng bắp không hạt ở huyện Tân Phú lại một lần nữa không chỉ gây thiệt hại về kinh tế cho người nông dân mà còn là điều cảnh báo về chất lượng giống cây trồng.
Chỉ bồi thường 25 triệu đồng?
Trả lời về việc nhiều diện tích bắp sử dụng giống NK72 và NK67 tại xã Phú Lập (huyện Tân Phú) thưa hạt hoặc không có hạt theo phản ánh của người dân và chính quyền xã, ông Đặng Thanh Sơn, Trưởng phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Tân Phú cho biết, huyện đã phối hợp với Chi cục Bảo vệ thực vật, Công ty TNHH Syngenta kiểm tra những diện tích bắp không hạt của xã Phú Lập. Qua kiểm tra, diện tích bắp thưa và không hạt chiếm hơn 8 hécta. Với những ruộng bắp thưa hoặc không hạt, phía Công ty TNHH Syngenta Việt Nam cho biết sẽ bồi thường 25 triệu đồng gồm tiền giống, phân bón và một số chi phí khác cho các hộ dân. Số tiền này sẽ được chi trả cho người dân bị thiệt hại vào ngày 4-4-2013.
Đại diện phía Syngenta cho biết, với những diện tích bắp không hạt, thưa hạt có sử dụng giống của công ty, công ty sẽ xuống tận nơi tìm hiểu nguyên nhân. Nếu thực sự nông dân trồng bắp bị thiệt hại do giống, công ty sẽ chịu trách nhiệm và có hỗ trợ thiệt hại để giảm bớt khó khăn cho nông dân.
Related news

Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, sau xuất khẩu thành công vải thiều đi Mỹ, nhãn lồng của Hưng Yên và Hà Nội cũng sẽ được xuất khẩu vào thị trường nổi tiếng khó tính này.

Không chỉ được tiếng là xứ nuôi trồng thủy sản, gần đây nhờ chuyển đổi cây trồng, cây dưa hấu trở thành giống cây chiến lược, giúp người dân 5 xã thuộc vùng khu 3, huyện Phú Lộc (hay còn gọi là Vinh Lộc, Thừa Thiên Huế), phát triển sản xuất và biến nông phẩm này thành hàng hóa.

Hiện, giá các loại dâu tây Đà Lạt tăng cao gấp 2-3 lần so với vài tháng trước, với mức giá dao động từ 100.000 - 120.000 đồng/kg tùy loại. Cũng cùng loại dâu tây này, vài tháng trước người dân chỉ bán với giá 35.000 - 50.000 đồng/kg. Ngoài các loại dâu tây trồng theo phương pháp thông thường; dâu tây trồng trong nhà kính, áp dụng công nghệ sạch cũng đang tăng, được các chủ vườn, trang trại bán với mức giá từ 220.000 - 300.000 đồng/kg.
Ngày 7.8, tại thành phố Hưng Yên, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và PTNT; UBND thành phố Hưng Yên và UBND huyện Khoái Châu phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến thương mại tiêu thụ nhãn. Ông Đặng Minh Ngọc, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Cùng dự có đại diện một số đơn vị thuộc Bộ Công Thương; Bộ Nông nghiệp và PTNT và các doanh nghiệp thu mua nhãn.

Ngày 6-8, Trung tâm Khuyến nông Bình Dương phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu và phát triển cây điều (Viện Khoa học kỹ thuật miền Nam) và Hội Nông dân xã An Bình (Phú Giáo) tổ chức tập huấn kỹ thuật thâm canh cây điều cho 20 hộ nông dân thuộc mô hình cải tạo, thâm canh điều bền vững.