Sản xuất thành công giống lúa kháng sâu, rầy

Kiểm tra mô hình giống lúa chất lượng cao
Nhiều ưu điểm vượt trội
Ghi nhận trên các cánh đồng lúa PC6, NH6, RG3.3… được khảo nghiệm thí điểm trong vụ hè thu 2015 mới đây, cho thấy nhiều tính năng vượt trội so với các giống lúa thông thường.
Các giống mới không chỉ đạt năng suất, chất lượng sản phẩm cao, bán được giá mà còn chống chịu các loại sâu bệnh rất tốt.
Trong khi các mô hình đối chứng như Khang dân, HT1… bị các loại sâu, rầy gây hại thì các giống lúa trên ít nhiễm bệnh, các loại bệnh đạo ôn, khô vằn, rầy lưng trắng hầu như không xuất hiện.
Ông Cao Văn Thắng ở xã Quảng Vinh (Quảng Điền - Thừa Thiên Huế), bộc bạch: “Khi bắt tay triển khai mô hình, nông dân chúng tôi chưa thật sự tin tưởng về tính ưu việt của các giống lúa mới.
Sau khi kết thúc mùa vụ, bà con thật sự bất ngờ khi các giống lúa ít nhiễm sâu bệnh, năng suất và chất lượng sản phẩm hơn so với các giống khác.
Một số loại sâu bệnh nguy hiểm không xảy ra”.
Ông Trần Quang Phước, Trưởng phòng Trồng trọt-Chăn nuôi (Sở Nông nghiệp và PTNT) cho biết, trong điều kiện biến đổi khí hậu, tình hình sâu bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, việc khảo nghiệm, sản xuất thí điểm các mô hình giống lúa kháng rầy, chống chịu sâu bệnh là việc làm đang được ngành nông nghiệp quan tâm.
Các vụ lúa vừa qua, ngành nông nghiệp đã khảo nghiệm, sản xuất thành công nhiều mô hình giống lúa mới chất lượng cao, có khả năng kháng rầy, chống chịu rất tốt các loại sâu bệnh đạo ôn, khô vằn, như HN6, RG3.3, PC6…
Gần đây, PGS, Tiến sĩ Trần Đăng Hòa cùng các cộng sự của Trường đại học Nông lâm Huế khảo nghiệm thành công các giống lúa kháng rầy lưng trắng.
Đây là loại bệnh được xác định rất nguy hiểm đối với cây lúa và là tác nhân dẫn đến nhiều loại sâu bệnh khác.
Qua công tác nghiên cứu, khảo nghiệm cho thấy, có đến 5 giống lúa có khả năng kháng rầy lưng trắng, thích hợp với điều kiện đất đai, khí hậu ở Thừa Thiên Huế.
Đó là các giống ĐT34, Quảng Nam 1, Q5, PC6, HP28, trong đó hai giống lúa DDT34 và PC6 được xác định có mật độ rầy gây hại rất ít.
Hai giống lúa này còn đạt năng suất bình quân 65 tạ/ha, sản phẩm chất lượng cao, dễ tiêu thụ, cho thu nhập mỗi năm từ 68 triệu đến 76 triệu đồng/ha.
Thông qua mô hình, Trường đại học Nông lâm Huế tổ chức tuyên truyền, tập huấn và chuyển giao khoa học, kỹ thuật sản xuất các giống lúa cho người dân; đồng thời khuyến cáo bà con nên mở rộng diện tích sản xuất các giống lúa kháng rầy lưng trắng nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất trong điều kiện biến đổi khí hậu.
Nhân rộng sản xuất
Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ Thực vật tỉnh Cái Văn Thám nhận định, mấy năm gần đây, tác động của biến đổi khi hậu đã ảnh hưởng khá rõ nét đến tình hình sản xuất nông nghiệp, trong đó có công tác bảo vệ thực vật.
Vậy nên, việc tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm mô hình sản xuất các giống lúa kháng bệnh là điều hết sức cần thiết.
Một thực tế hiện nay là, tuy hiệu quả của các giống lúa mới đã được chứng minh nhưng việc ứng dụng vào sản xuất còn khiêm tốn.
Các vụ lúa sắp đến, ngành nông nghiệp tiếp tục nhân rộng các mô hình tại nhiều địa phương để làm cơ sở từng bước thay thế các giống lúa thông thường, chất lượng thấp; có chính sách hỗ trợ các đơn vị, doanh nghiệp tiếp tục nghiên cứu, khảo nghiệm các giống lúa mới.
Trong quá trình triển khai các mô hình thí điểm, các đơn vị cần có sự phối hợp với ngành bảo vệ thực vật nhằm có sự đánh giá cụ thể về khả năng chống chịu sâu bệnh, kháng rầy.
Sự tham gia nghiên cứu, khảo nghiệm của ngành bảo vệ thực vật còn góp phần duy trì khả năng kháng bệnh của các giống lúa.
Cùng với các cơ quan, ban ngành, ngành nông nghiệp cần có chính sách hỗ trợ kinh phí cho Chi cục Bảo vệ Thực vật triển khai các mô hình thí điểm các giống lúa kháng bệnh.
Biện pháp canh tác được chi cục quan tâm là phương thức quản lý dịch hại tổng hợp.
Đây là một trong những yếu tố quản lý, bảo vệ sinh vật có ích nhằm hạn chế phát sinh các loại sinh vật có hại.
Với phương thức canh tác này còn hạn chế việc lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật trong quá trình sản xuất, giảm chi phí đầu tư…
Các giống lúa NH6, PC6, RG3.3… đều có bán tại Công ty cổ phần Giống cây trồng vật nuôi tỉnh và Công ty TNHH Liên Việt (KCN Phú Đa, huyện Phú Vang).
Giá các giống lúa này không quá cao so với các giống thông thường.
Related news

Không khí tết len lỏi đến vườn cây bằng tín hiệu thu hoạch thì thị trường trái cây tết cũng bắt đầu sôi động. Các loại trái cây chủ lực của chợ tết như bưởi, cam, chanh, quýt, mãng cầu,... đang được nhiều vựa tất bật thu mua, có loại đang chuẩn bị thu hoạch cũng đã được đặt hàng trước vài tuần. Tại vườn, các thương lái ráo riết “săn hàng” để kịp đưa trái cây bán ra chợ tết.

Triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) cũng như các kế hoạch về xây dựng GTNT trong giai đoạn kinh tế gặp khó khăn, nguồn thu ngân sách không ổn định, vốn đầu tư công cắt giảm song với quyết tâm và kiên định mục tiêu đã đề ra, UBND tỉnh đã tập trung nguồn lực cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông nói chung và GTNT nói riêng. Riêng lĩnh vực GTNT, vốn đầu tư từ ngân sách tỉnh không bị cắt giảm mà luôn duy trì ổn định 60 - 90 tỷ đồng/năm.

Xã Trà Linh bây giờ vẫn còn là một miền đất cao vợi, xa xôi nhất ở Nam Trà My, mặc dù đường sá đã được thảm nhựa. Và các nóc làng người Xê Đăng sống quanh lưng chừng đỉnh núi Ngọc Linh cao hơn 2.589m, quanh năm mây phủ nên muốn lên đây chỉ có cách duy nhất là leo núi với những dốc cao dựng đứng. Người khỏe mạnh đi bộ từ trung tâm xã (đoạn cuối đường giao thông) về các thôn mất ít nhất 4 giờ.

Năm 2015, ngoài việc đẩy mạnh xây dựng vùng nuôi theo quy trình tiên tiến, Vĩnh Long sẽ tăng cường quản lý chất lượng cá tra giống theo quy chuẩn, tiêu chuẩn quốc gia; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, phối hợp đấu tranh có hiệu quả với các rào cản thương mại và rào cản kỹ thuật.

Nghề đánh bắt tôm nhí (tôm hùm con) từ lâu nay được biết đến là một trong những nghề có thu nhập "khủng" của ngư dân vùng biển. Song, để có nguồn thu nhập đó là điều không đơn giản. Có đi, nghe và thấy mới hiểu được những những khó khăn của ngư dân trong những đêm trắng mưu sinh trên biển "săn lộc trời"!