Sản xuất rau an toàn còn nhiều khó khăn
Từ nguồn kinh phí địa phương, huyện Lấp Vò tiến hành các lớp tập huấn cho nông dân về sử dụng thuốc BVTV và quy trình sản xuất RAT, có 420 nông dân tham dự. Tuy nhiên, do nhiều trở ngại trong sản xuất nên mô hình vẫn chưa khuyến khích được nông dân tham gia.
Đầu tiên là kết cấu hạ tầng chưa được đầu tư đủ để đáp ứng nhu cầu sản xuất. Hệ thống đê bao, bơm tưới chưa hoàn chỉnh, gây ô nhiễm vi sinh cho rau; hệ thống giao thông thủy, bộ nội đồng không thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản đến nơi tiêu thụ. “Hiện nay, vào mùa mưa sẽ khó khăn cho khâu vận chuyển hàng hóa từ khu trồng rau màu của tổ hợp tác (THT) đến nơi tiêu thụ. Do đường đất và nhỏ nên chỉ phù hợp với phương tiện xe máy. Riêng xe ba-gác chỉ di chuyển được một đoạn nhất định”, anh Đặng Thanh Thống - Tổ trưởng THT RAT Mỹ An Hưng B cho hay.
Song bài toán khó nhất đối với RAT của tỉnh chính là đầu ra của sản phẩm. Theo nhiều bà con canh tác RAT, sản xuất RAT cực hơn rất nhiều so với phương pháp truyền thống trong khi sản phẩm chưa liên kết được sản xuất với tiêu thụ, giá bán giữa RAT và rau bình thường không chênh lệch cao khiến người sản xuất không thiết tha với mô hình. Đây chính là nguyên nhân mà RAT của tỉnh chưa phát triển. Theo Chi cục BVTV tỉnh, diện tích được quy hoạch lớn nhưng thời gian qua, các địa phương thực hiện mô hình chỉ khoảng 0,3ha/mô hình (TX.Hồng Ngự, huyện Hồng Ngự, Cao Lãnh và Lấp Vò).
Thời gian qua, sự “góp mặt” của siêu thị Co.opmart Cao Lãnh đã góp phần mang lại tín hiệu vui cho nông sản tỉnh nhà, trong đó có RAT. Tuy nhiên giữa người nông dân và doanh nghiệp vẫn chưa đạt được thỏa thuận toàn vẹn giữ 2 bên, khiến sản phẩm có mặt tại đây cũng hạn chế.
Theo ông Trần Thanh Phú – Giám đốc Hợp tác xã (HTX) RAT xã Long Thuận, toàn xã Long Thuận có hơn 500ha sản xuất RAT với sản lượng mỗi vụ cả ngàn tấn. Riêng HTX RAT Long Thuận với diện tích 160ha đất canh tác, hàng ngày cung ứng cho thị trường từ 30 - 40 tấn rau, củ. Song lượng cung ứng sản phẩm cho siêu thị chỉ khiêm tốn 20 - 30kg/ngày. Còn THT RAT Mỹ An Hưng B, hàng ngày cung cấp cho thị trường chỉ dừng lại khoảng 200 - 300kg tại siêu thị và điểm chợ. Diện tích sản xuất RAT của tổ vẫn chưa thể phát triển, do diện tích canh tác chỉ 1ha nên việc cung cấp đứt quãng, dẫn đến liên kết thiếu bền vững. Ngoài ra, nông dân tại vùng màu của huyện Lấp Vò chủ yếu sản xuất theo kiểu truyền thống, chưa chú trọng đến xây dựng thị trường bền vững.
Theo bà Nguyễn Thị Minh Trang - Giám đốc chi nhánh Co.opmart Cao Lãnh, thời gian qua siêu thị đã tạo điều kiện giúp nông sản của địa phương qua siêu thị đến với người tiêu dùng. Do siêu thị là kênh phân phối, bán lẻ hàng hóa nên đơn vị phải tuân theo nhu cầu của khách hàng. Vì thế siêu thị cần sự đa dạng các chủng loại rau màu để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng. Trong khi đến nay nông dân chỉ có thể cung ứng những sản phẩm họ có.
Anh Đặng Thanh Thống (THT RAT Mỹ An Hưng B) cho hay: “Để khai thác sâu hơn thị trường giàu tiềm năng này và nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường, chúng tôi đang vận động thêm nông dân tham gia THT để mở rộng sản xuất, đa dạng chủng loại. Trong mùa vụ tới, THT sẽ canh tác khoảng 10 loại rau màu”.
Related news
Nhằm thay thế giống cá truyền thống cho hiệu quả kinh tế thấp, Phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình) đã xây dựng mô hình nuôi cá lăng chấm thương phẩm
Dự kiến trong tháng 9 này, TX Ngã Bảy sẽ là đơn vị "huyện NTM" đầu tiên của tỉnh Hậu Giang.
Những năm qua, cùng với nỗ lực tái cơ cấu SXNN, nông thôn của các ngành, các cấp, trên địa bàn tỉnh Hậu Giang, nhiều nông dân đã biết phát huy thế mạnh, tiềm năng của mình để vươn lên làm giàu và giảm nghèo bền vững.
Đồng Nai là tỉnh đi đầu về xây dựng NTM trên cả nước. Trong chương trình xây dựng NTM ở nhiều địa phương của tỉnh này, có phần đóng góp không nhỏ từ nguồn vốn tín dụng.
Người dân thôn Tùng Chánh, xã Cát Hiệp (huyện Phù Cát, Bình Định) gọi ông Nguyễn Văn Xích (SN 1946) là “ông Xích nông thôn mới”.