Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Sắn Được Mùa, Tết No Ấm

Sắn Được Mùa, Tết No Ấm
Publish date: Sunday. February 2nd, 2014

Những ngày cận Tết Nguyên Đán, đến với xã Thuận (Hướng Hóa, Quảng Trị) chúng ta sẽ được hòa mình trong bầu không khí lao động hết sức khẩn trương của người dân nơi đây. Trên những ngọn đồi, người dân hối hả thu hoạch sắn chuyển đến nhà máy, nguồn thu này giúp người trồng sắn có thêm điều kiện để đón một cái tết no ấm, sung túc.

Từ ngã 3 Tân Long theo tuyến đường Lìa đến Bản 4 - xã Thuận, rồi rẽ vào một con đường gập ghềnh dốc đá, chúng tôi đến thăm rẫy sắn của gia đình anh Hồ Văn Hiền. Theo kế hoạch đã đặt ra từ trước thì hôm nay đến lượt gia đình anh Hiền thu hoạch sắn, xe ô tô vận chuyển của nhà máy sắn cũng đã về tới để người dân bốc xếp sắn lên xe. Từ sáng sớm, hầu hết những hộ dân trong bản đã đến rẫy nhà anh Hiền để giúp anh thu hoạch sắn.

Năm nay gia đình anh Hiền cũng như những người khác đều rất phấn khởi khi sắn vừa được mùa, vừa được giá. Với diện tích 2 ha, sản lượng dự kiến là hàng chục tấn sắn nhưng có được sự giúp sức của hàng chục hộ dân, anh Hiền dự kiến chỉ trong một vài ngày là đã có thể hoàn thành công việc.

Đổi công từ lâu đã là một nét đẹp trong sản xuất kinh tế của người dân Bản 4 nói riêng và toàn vùng Lìa nói chung. Cứ đến lượt nhà nào tổ chức thu hoạch thì toàn bộ những hộ gia đình có trồng sắn trong bản đó sẽ đến giúp sức thu hoạch. Việc đổi công sẽ giúp người nông dân tiết kiệm được chi phí thuê nhân công thu hoạch và tiến độ thu hoạch cũng được nhanh hơn. Việc đổi công diễn ra trên tinh thần tự giác giúp đỡ hỗ trợ nhau. Đối với những gia đình có hoàn cảnh đặc biệt như neo đơn, đau ốm… thì bà con trong bản cũng sẽ đến giúp đỡ tận tình.

Anh Hiền hồ hởi cho biết: “Nếu như bỏ tiền ra thuê người làm công thì cũng tốn mất cả triệu đồng, nếu không thuê người thì hai vợ chồng cũng phải mất cả tuần mới thu hoạch xong. Nhưng nhờ đổi công mà trong bản không nhà nào phải thuê người cả, bà con trong bản lại càng thân thiết, đoàn kết hơn”.

Đã quá trưa, người dân Bản 4 tạm nghỉ tay, về nhà nấu cơm trưa chờ đến chiều tiếp tục công việc, những nụ cười xua tan đi mệt nhọc vì theo lịch đã thống nhất từ trước, năm nay nhà nào trong bản cũng sẽ thu hoạch sắn trước tết, sẽ có một khoản tiền để chi tiêu. Anh Nguyễn Bình, lái xe của nhà máy cho biết: “Nhà ít thì 10, 20 triệu đồng, nhà nhiều thì lên đến 50, 60 triệu, bà con phấn khởi lắm!”.

Hầu hết người dân xã Thuận đều trồng sắn, toàn xã có tổng cộng 570 ha, năm nay sắn đạt năng suất khoảng từ 20 – 30 tấn/ha, với mức giá thu mua của nhà máy là 1,8 đến 2 triệu đồng 1 tấn thì người dân toàn xã sẽ thu được hơn 25 tỉ đồng từ trồng sắn. Ngoài cây sắn thì chuối cũng là một trong những cây trồng chủ lực của địa phương với khoảng 420 ha. Tuy năm nay chuối không được mùa nhưng lại rất ổn định với mức giá khoảng 5 triệu/tấn, có thời điểm lên đến 8, 9 triệu/tấn.

Ông Nguyễn Ngư Tài, cán bộ khuyến nông xã Thuận cho biết: “Năm nay người nông dân trồng chuối, sắn trong vùng rất phấn khởi. Sắn được mùa được giá, chuối tuy không được mùa như năm ngoái nhưng giá cao hơn nên bà con rất yên tâm. Hiện nay người dân đã bắt tay vào thu hoạch và hy vọng đón một cái Tết Nguyên Đán đầy đủ, sung túc”.

Có được thành quả này, ngoài tinh thần chịu khó, nỗ lực của người nông dân, sự quan tâm của chính quyền thì còn phải kể đến sự gắn bó chặt chẽ giữa Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa với người nông dân ở các xã vùng Lìa. Để giữ vững ổn định vùng sắn nguyên liệu, tạo điều kiện cho người nông dân yên tâm sản xuất, nhà máy sắn đã tạo mối quan hệ bền chặt với chính quyền địa phương và người trồng sắn, giải quyết hài hòa lợi ích giữa người nông dân với doanh nghiệp, nhất là chính sách về giá thu mua, bao tiêu sản phẩm.

Lãnh đạo Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cho biết: “Từ thời điểm đầu vụ thì nhà máy đã lên kế hoạch thu mua sản phẩm, đặc biệt là dịp cao điểm cận Tết Nguyên Đán thì phải đáp ứng nhu cầu của người dân để giải phóng đất sản xuất và chi phí sinh hoạt. Do đó nhà máy đã tăng công suất và thời gian nhập kho đến 22 giờ, đồng thời trả tiền ngay để bà con yên tâm đón tết”.

Sự đồng hành gắn bó chặt chẽ giữa nhà máy sắn với nông dân ở các xã vùng Lìa không chỉ là giải pháp lâu dài để người dân yên tâm sản xuất, tăng thu nhập, xóa đói, giảm nghèo mà còn tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội ở các địa phương vùng nguyên liệu sắn trên địa bàn huyện Hướng Hóa.


Related news

Kiếm Tiền Từ Đầm Hoang Kiếm Tiền Từ Đầm Hoang

Không để cái đói, cái nghèo khuất phục, anh Hoàng Văn Hồng ở thôn Hà Nội, xã Đại Thành (Hiệp Hòa, Bắc Giang) quyết định ra đầm hoang gần nghĩa địa để đào ao nuôi cá và mở trang trại nuôi lợn.

Monday. March 10th, 2014
Hải Phòng Tập Trung Phát Triển Sản Xuất Hải Phòng Tập Trung Phát Triển Sản Xuất

Do đó các đề án hỗ trợ nông nghiệp, xây dựng NTM sẽ hướng đến việc xây dựng các mô hình liên kết hợp tác, áp dụng khoa học kỹ thuật nhằm tăng thu nhập cho người dân.

Monday. March 10th, 2014
Gom Gà Ế Chờ Hết Dịch Bán Gom Gà Ế Chờ Hết Dịch Bán

Sức mua của các mặt hàng trứng, thịt gia cầm hiện đã giảm sâu nên hầu như nguồn hàng gia cầm sạch thu mua chưa thể đưa ra thị trường. Doanh nghiệp sẽ lưu kho. Thông qua thu mua, doanh nghiệp hỗ trợ người nuôi giữ giá và có thêm chi phí để tái đàn. Hàng cũng được dự trữ để cung ứng ra thị trường với giá ổn định sau khi hết dịch.

Monday. March 10th, 2014
Thắng Đậm Vụ Tôm Hùm Giống Thắng Đậm Vụ Tôm Hùm Giống

Thời gian qua, ngư dân các vùng ven biển ở Bình Định trúng đậm tôm hùm giống. Tôm xuất hiện dày, cộng với cách đánh bắt mới đạt hiệu quả cao nên ngư dân có những chuyến biển thắng lớn.

Monday. March 10th, 2014
Giá Muối Đầu Vụ Tạm Ổn Giá Muối Đầu Vụ Tạm Ổn

Huyện Ba Tri (Bến Tre) có khoảng 835 ha đất sản xuất muối. Trong đó tập trung ở các xã Bảo Thạnh, Bảo Thuận, Tân Thủy và An Thủy.

Monday. March 10th, 2014