Sa nhân Tân Lập được mùa, được giá

Gia đình bà Đặng Thị Thu, bản Phiêng Đón đã gắn bó với việc trồng cây sa nhân từ hơn 30 năm nay. Vườn sa nhân đầu tiên của gia đình được trồng từ năm 1994, sau hơn 10 năm thu hoạch, năm 2009, gia đình phá đi để trồng mới và mở rộng thêm diện tích.
Đến nay, gia đình bà đã có hơn 1ha sa nhân đang giai đoạn cho thu hoạch. Bà Thu phấn khởi: Năm nay, tuy thời tiết thất thường nhưng sa nhân vẫn cho quả đều và nhiều hơn mọi năm. Gia đình tôi nhờ họ hàng đến thu hoạch giúp trong gần 10 ngày mới xong. Sa nhân chín vào mùa hè, từ tháng 7 đến tháng 8, đúng vào mùa mưa nên việc thu hoạch khá vất vả, nhưng bán được giá cao nên gia đình nào trồng sa nhân cũng phấn khởi. Vụ này, gia đình tôi thu hoạch được hơn 90kg sa nhân khô, thu về hơn 60 triệu đồng. Giá sa nhân khô năm nay cao hơn 200.000 đồng/kg so với năm ngoái.
Còn gia đình ông Triệu Văn Hoa, bản Co Phay cũng trồng sa nhân nhiều năm nay. Vụ này, gia đình ông Hoa thu hoạch hơn 80kg quả sấy khô. Ông Hoa chia sẻ: 10kg quả sa nhân tươi khi sấy được 2 - 3kg quả khô, nhưng giá bán cao gấp 6 - 7 lần giá quả tươi nên các gia đình thường chọn cách sấy khô để bán.
Gia đình tôi có 1,3 ha sa nhân, trong đó 1ha là trồng mới. Sau nhiều năm phá bỏ cây sa nhân, 2 năm trở lại đây bà con trong bản bắt đầu trồng mới, đến nay, trong bản đã có 50% số hộ trồng loại cây này.
Những người trồng sa nhân lâu năm tại Tân Lập chia sẻ kinh nghiệm, trồng sa nhân chỉ mất 3 năm đầu làm cỏ, những năm sau đó, cây mọc lan kín mặt đất nên gần như cả năm không mất công chăm sóc, chỉ đến thu quả khi đến mùa.
Sa nhân trồng tại đây chủ yếu là loại sa nhân quả xanh, dễ trồng, thích hợp với đất và khí hậu của vùng nên bà con thường cho nhau giống và chỉ nhau cách trồng, tận dụng những khu đất trống ở bìa rừng để mở rộng thêm diện tích. Mỗi năm, cây cho thu hoạch một lần vào khoảng tháng 7, tháng 8.
Quả sa nhân sau khi thu về được sấy khô ngay tại nương hoặc bán quả tươi. Do giá thành cao, số lượng không nhiều nên các thương lái thường đến tận nơi thu mua hoặc đặt hàng các gia đình trồng sa nhân ngay từ đầu năm.
Năm nay, giá sa nhân khô cao hơn so với các năm trước từ 100 - 200.000 đồng/kg. Sa nhân khô đầu mùa bán được giá 730.000 đồng/kg. Đây là mức giá cao nhất từ trước đến nay, nhưng nhiều thương lái đến tận nơi vẫn không mua được vì số lượng rất ít. Đến thời điểm hiện tại, giá quả khô vẫn còn từ 650.000 - 700.000 đồng/kg; quả tươi từ 90.000 - 130.000 đồng/kg.
Trao đổi với ông Vàng A Thào, Chủ tịch UBND xã Tân Lập, được biết thêm: Hiện tại, toàn xã có hơn 10ha sa nhân, tập trung nhiều ở các bản: Phiêng Đón, Co Phay, Tà Phềnh… chủ yếu do người dân trồng tự phát ở khu vực gần rừng hoặc những mảnh đất bỏ hoang lâu năm, dốc, nhiều đá, không thích hợp để trồng ngô, lúa. Nhận thấy tiềm năng kinh tế từ loại cây này, những năm gần đây, xã luôn khuyến khích bà con mở rộng diện tích sa nhân trồng dưới tán rừng.
Một trong những ưu điểm lớn của cây sa nhân là có thể trồng dưới tán rừng thưa, rất thích hợp với điều kiện phát triển kinh tế của bà con nông dân miền núi, vừa là cây trồng đem lại thu nhập, vừa giúp bảo vệ rừng. Nếu được các cấp chính quyền tạo điều kiện giúp bà con các xã vùng cao biết đến loại cây này và đảm bảo về đầu ra sản phẩm thì sa nhân có triển vọng trở thành cây trồng xóa nghèo cho người nông dân.
Related news

Trước tình hình dịch cúm gia cầm A/H5N1 và A/H5N6 đang bùng phát tại một số địa phương, gây nguy hiểm tới sức khỏe người dân, ngày 8.9, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế đã có công điện yêu cầu các địa phương có dịch cúm gia cầm tái phát chủ động các biện pháp phòng lây nhiễm bệnh từ gia cầm sang người.

Được biết đến với nhiều công dụng trong giải nhiệt và hỗ trợ điều trị một số bệnh, vài cơ sở sản xuất trong tỉnh đã đầu tư nghiên cứu phát triển cây chè Dung thành sản phẩm trà, phục vụ người tiêu dùng.

Đặc thù của ruộng vùng cao trong tỉnh là nhỏ hẹp, bậc thang, trước đây đồng bào Hrê thường dùng sức để làm đất xuống giống hay thu hoạch vụ mùa. Còn bây giờ, nhà nhà đều biết sử dụng máy móc vào đồng ruộng nên đã giải phóng sức lao động, giảm chi phí sản xuất và nâng cao thu nhập cho các hộ gia đình.

Sơn Tây là huyện miền núi phía tây Quảng Ngãi được mệnh danh là xứ ngàn cau. Nơi đây có những chuyện khá ly kỳ: Thương lái thu mua cau non rồi… đổ bỏ, chủ vườn dùng dây thép gai quấn quanh thân hay gắn dao lam vào thân cau để phòng ngừa kẻ gian trộm cau.

Đánh giá này trong báo cáo nghiên cứu về hợp tác, liên kết nông dân trong sản xuất nông nghiệp do RCD và Oxfam đồng thực hiện, vừa công bố.