Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Rau Đà Lạt Sang Xứ Sở Kim Chi

Rau Đà Lạt Sang Xứ Sở Kim Chi
Publish date: Thursday. May 29th, 2014

Những ngày cuối tháng 5/2014, hai container đầu tiên chuyên chở 30 tấn rau xà lách Đà Lạt đã tới đất nước Hàn Quốc, xứ sở của món kim chi nổi tiếng.

Đây là chuyến hàng khởi đầu đồng thời đánh dấu sự hợp tác thành công giữa HTX Dịch vụ Nông nghiệp tổng hợp Anh Đào Đà Lạt với Tập đoàn CJ, một tập đoàn đa quốc gia nổi tiếng trong lĩnh vực nông nghiệp của Hàn Quốc. Và mối liên kết này đã mở đường cho rau Đà Lạt xuất sang xứ sở kim chi.

Ông Nguyễn Công Thừa, Chủ nhiệm HTX Anh Đào Đà Lạt cho biết, 30 tấn rau đầu tiên của HTX đã tới Hàn Quốc và được đối tác, Tập đoàn CJ tiếp nhận. Đây là thành quả đầu tiên của mối hợp tác giữa hai bên kể từ tháng 10.2013. Theo ông Thừa: dưới sự giới thiệu của UBND tỉnh Lâm Đồng, Tập đoàn CJ đã tới làm việc với HTX và cả hai bên thống nhất đi tới hợp tác, HTX Anh Đào Đà Lạt sẽ cung cấp cho CJ mỗi tháng 60 tấn rau xà lách Mỹ.

Ông Thừa nói: “Chúng tôi đáp ứng yêu cầu của CJ, mỗi tháng cung cấp 60 tấn rau xà lách Mỹ được sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP. Phía Tập đoàn CJ đồng hành với chúng tôi trong suốt quá trình, từ khi cây con xuống giống cho tới khi hàng đã lên tàu rời cảng.

Tôi đánh giá hợp tác giữa hai bên thực sự có triển vọng lâu dài và cố hết sức để thực hiện đúng nghĩa vụ của mình, đảm bảo mối hợp tác được lâu dài”. Thực hiện hợp đồng với CJ, HTX Anh Đào xuống giống 3ha xà lách Mỹ/lần, mỗi tháng sẽ có 6ha được gieo trồng. Theo ông Thừa tính toán, để đáp ứng đủ sản lượng giao cho đối tác, sẽ cần 60ha tham gia quay vòng trồng xà lách Mỹ.

Với diện tích đất này, riêng nguồn lực của HTX là không đủ mà còn cần sự tham gia của nhiều nông hộ bên ngoài. HTX hiện đang hợp đồng với 3 hộ tại xã Đạ Sar, huyện Lạc Dương để xuống giống 3ha xà lách Mỹ nhằm cung ứng cho đợt xuất hàng tiếp sau vào tháng 6.2014.

Tuy nhiên, như hầu hết các sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu sang Hàn Quốc, phía bạn yêu cầu rất nghiêm ngặt về chất lượng của sản phẩm. Ông Thừa cho biết, sản xuất theo tiêu chuẩn ViệtGAP là đủ tiêu chuẩn vào Hàn Quốc nhưng phía CJ vẫn cử cán bộ kỹ thuật sang Đà Lạt, cùng HTX kiểm soát chặt chẽ kỹ thuật, đồng thời hướng dẫn cho nông dân xử lý những vấn đề phát sinh trong thực tế.

Không chỉ thế, CJ còn đồng hành liên tục bên cạnh HTX Anh Đào, hướng dẫn HTX từ việc sơ chế, đóng gói, bao bì cho tới thủ tục xuất khẩu. Ngay cả chi phí sản xuất, Tập đoàn CJ cũng ứng trước cho HTX Anh Đào 50%. Ông Thừa phấn khởi: “Chúng tôi ký được hợp đồng với “giá chết” theo năm, điều này cực kỳ có lợi cho nông dân vì không phải chịu cảnh bấp bênh được mùa mất giá”.

Không những thế, HTX xuất rau trực tiếp dưới thương hiệu HTX Anh Đào, tới tay người tiêu dùng với thương hiệu và nguồn gốc Đà Lạt, một kết quả rất khả quan đối với nông sản Việt. Điều HTX Anh Đào phải chú trọng là giữ đúng chữ “tín”, đảm bảo đúng tiêu chuẩn về chất lượng, sản lượng hàng hóa, thời gian giao hàng và giá cả đúng theo hợp đồng.

Chính vì vậy, HTX tuyển lựa các nông hộ tham gia cung ứng rau cho Tập đoàn CJ rất kỹ bao gồm từ khả năng canh tác của nông hộ, diện tích đất, chất lượng nước… đồng thời cử cán bộ kỹ thuật giám sát chặt chẽ cũng như hướng dẫn thêm cho nông dân kỹ thuật canh tác.

Ông Lee Chae Wook, Phó Chủ tịch Tập đoàn CJ Hàn Quốc, người làm việc trực tiếp với HTX Anh Đào đánh giá rất cao tiềm năng của Đà Lạt trong việc sản xuất rau ôn đới. Ông xác định, việc liên kết làm ăn là cả hai bên cùng có lợi và hy vọng mối hợp tác giữa hai bên là lâu dài.

Ông cũng cho hay, món kim chi là món ăn không thể thiếu của người Hàn Quốc, Tập đoàn CJ nhận thấy cải thảo Đà Lạt rất ngon và phù hợp với món ăn này, và đang xúc tiến kế hoạch liên kết với HTX Anh Đào mở vùng nguyên liệu cung cấp cải thảo và xây dựng nhà máy chuyên sản xuất kim chi để xuất trở lại Hàn Quốc và cung cấp rộng rãi trên thế giới.

Tập đoàn CJ hy vọng hợp tác với HTX Anh Đào nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung sẽ bền chặt và mang lại lợi ích cho cả hai bên, góp phần thắt chặt mối giao lưu hữu nghị giữa hai quốc gia. Còn hiện tại, những búp xà lách từ bàn tay trồng trọt của người nông dân Đà Lạt đang được Tập đoàn CJ cung cấp cho người dân Hàn Quốc, kết nối chặt hơn mối quan hệ giữa hai miền đất vốn xa xôi.


Related news

Khó Khăn Phát Triển Tôm Công Nghiệp Khó Khăn Phát Triển Tôm Công Nghiệp

Bùng phát mạnh trong những năm 2011 - 2012 nhưng đến nay phong trào NTCN đã lắng dịu, người dân cũng thận trọng hơn khi đào ao mới cũng như sử dụng ao bị dịch bệnh tái sản xuất. Bởi, những hộ giàu kinh nghiệm trong vùng nuôi tập trung tôm công nghiệp vẫn thất bại trước dịch bệnh, thời tiết bất lợi.

Saturday. January 24th, 2015
Tiền Giang Hoạt Động Khuyến Nông Trong Thủy Sản Đạt Hiệu Quả Cao Tiền Giang Hoạt Động Khuyến Nông Trong Thủy Sản Đạt Hiệu Quả Cao

Năm 2014, với nỗ lực vượt khó hoàn thành nhiệm vụ, hoạt động khuyến nông trong lĩnh vực thủy sản trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đã đạt được những kết quả khả quan. Trong năm 2015, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đề ra nhiều giải pháp, để nâng cao hiệu quả công tác khuyến nông trong lĩnh vực thủy sản nói riêng và lĩnh vực nông nghiệp nói chung.

Saturday. January 24th, 2015
Hà Nội Tiếp Tục Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Vùng Trọng Điểm Hà Nội Tiếp Tục Đẩy Mạnh Chăn Nuôi Theo Vùng Trọng Điểm

Đến nay, toàn TP đã phát triển ổn định được 69 xã và 15 vùng chăn nuôi trọng điểm, cùng 2.924 trang trại chăn nuôi ngoài khu dân cư. Tổng đàn gia súc, gia cầm hiện chiếm tỷ lệ 40,5% tổng đàn gia súc, gia cầm toàn TP. Trong những năm qua, chăn nuôi theo vùng, xã trọng điểm và ngoài khu dân cư tiếp tục có sự tăng trưởng về số lượng và chất lượng sản phẩm.

Saturday. January 24th, 2015
Thành Công Với Ước Mơ Làm Giàu Trên Quê Hương Thành Công Với Ước Mơ Làm Giàu Trên Quê Hương

Tốt nghiệp Đại học Kinh tế Quốc dân với tấm bằng loại khá, từng đi làm cho một vài công ty với thu nhập khoảng 5 - 7 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, ước mơ muốn làm giàu trên chính quê hương mình đã thôi thúc anh Đỗ Kim Tuyến quay về mở trại chăn nuôi gà thả vườn.

Saturday. January 24th, 2015
Hiệu Quả Cao Từ Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Nền Đệm Lót Sinh Học Hiệu Quả Cao Từ Mô Hình Chăn Nuôi Heo Trên Nền Đệm Lót Sinh Học

Chăn nuôi heo trên nền đệm lót sinh học là mô hình chăn nuôi ứng dụng công nghệ sinh học của vi sinh vật sống trong đệm lót nền chuồng để xử lý chất thải của vật nuôi, cải thiện môi trường chăn nuôi, có tác dụng làm giảm thiểu ô nhiễm môi trường chuồng nuôi, đồng thời vật nuôi có môi trường tự nhiên để vận động, giúp đàn heo ăn nhanh chóng lớn, tỷ lệ mắc bệnh tiêu hóa và hô hấp giảm. Qua mô hình cũng giúp tiết kiệm một phần chi phí sản xuất.

Saturday. January 24th, 2015