Khó Khăn Phát Triển Tôm Công Nghiệp
Là xã có diện tích quy hoạch phát triển nuôi tôm công nghiệp (NTCN) lớn nhất trong dự án NTCN tập trung của TP Cà Mau, nhưng đến nay tổng diện tích NTCN của xã Hoà Tân chỉ đạt 251/877 ha được quy hoạch.
Bùng phát mạnh trong những năm 2011 - 2012 nhưng đến nay phong trào NTCN đã lắng dịu, người dân cũng thận trọng hơn khi đào ao mới cũng như sử dụng ao bị dịch bệnh tái sản xuất. Bởi, những hộ giàu kinh nghiệm trong vùng nuôi tập trung tôm công nghiệp vẫn thất bại trước dịch bệnh, thời tiết bất lợi.
Những hộ mới thực hiện mô hình ngoài quy hoạch cũng gặp phải dịch bệnh và trắng tay, treo đầm để lại nhiều hệ luỵ nợ nần, không còn khả năng tái sản xuất… Ðó chính là những rào cản trong phát triển diện tích NTCN của xã Hoà Tân cũng như trong dự án 1.000 ha NTCN tập trung của thành phố không đạt được theo lộ trình.
Nhiều nguyên nhân
Trong 251 ha NTCN đạt được đến thời điểm này thì diện tích ngoài quy hoạch là 111 ha, chủ yếu tập trung ở ấp Bùng Binh 1, 2 và ấp Cái Nai, xã Hoà Tân. Kết cấu hạ tầng phục vụ cho người dân nuôi tôm ngoài quy hoạch này gần như là tự lực; môi trường bị ô nhiễm; điện phục vụ thiếu và yếu; vốn đầu tư trang thiết bị khó khăn; khi xảy ra dịch bệnh không được hỗ trợ thuốc, hoá chất để dập dịch cùng với nguồn vốn cạn kiệt.
Dù có kinh nghiệm về NTCN từ năm 2003 đến nay, nhưng ông Nguyễn Văn Thật, ấp Bùng Binh 2, xã Hoà Tân, vẫn gặp khó khăn. Ông Thật cho biết: “Từ năm 2011 đến nay nuôi chỉ hoà vốn. Năm 2014 thả tổng cộng 10 ao đều chết sạch ở giai đoạn 28-35 ngày tuổi, lỗ trên 400 triệu đồng. Tất cả anh em trong ấp đều gặp phải tình trạng này, chủ yếu là tôm bệnh gan tuỵ”.
Chủ tịch Hội Thuỷ sản xã Hoà Tân Trần Xuân Việt xác định: “Ða phần những hộ nuôi thành công từ hoà vốn đến có lãi cao thì đa số là lớp trẻ có trình độ đứng nuôi. Do có kỹ năng tiếp thu kỹ thuật, thay đổi cách làm và năng động trong việc tiếp cận khoa học - kỹ thuật mới nên mô hình thành công.
Còn phần nhiều những hộ dân lớn tuổi, lão làng còn bảo thủ cách làm, ít chịu thay đổi, tiếp thu kỹ thuật mới nên thất bại liên tiếp”. Theo đó, việc không tuân thủ dập dịch trước khi thải ra sông, những hộ khác lấy vào tiếp tục bị nhiễm bệnh, 1 - 2 vụ dẫn đến treo ao không còn khả năng tái sản xuất.
Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Tân Hồ Hoàng Thông nhận định: “Ðã qua, các công ty lớn có đủ điều kiện làm còn bấp bênh, vướng phải dịch bệnh và hầu như không có lãi. Còn người dân có vốn ít, đầu tư chưa tới nên càng nuôi càng bị lỗ".
Gỡ khó cho tôm công nghiệp
Trong số diện tích NTCN hiện tại 251 ha thì chỉ có 140 ha/1.000 ha nằm trong khu quy hoạch nuôi tập trung, còn lại 111 ha là phát triển ngoài quy hoạch. Theo lộ trình trong năm 2015, UBND TP Cà Mau giao cho xã phát triển mới thêm 59 ha, nâng tổng số diện tích NTCN trong vùng quy hoạch là 199 ha.
Ðể đạt được mục tiêu này, Phó Chủ tịch UBND xã Hoà Tân Hồ Hoàng Thông cho biết: “Ngay từ đầu năm, Ðảng bộ xây dựng nghị quyết chuyên đề phát triển sản xuất cho loại hình NTCN, trong đó tập trung vào dự án khu nuôi tập trung 1.000 ha của UBND thành phố. Trước mắt đảng viên phải thực hiện NTCN, quảng canh cải tiến theo mô hình an toàn dịch bệnh (nuôi thưa hạn chế dịch bệnh) trong điều kiện khả năng của mình nhằm mang lại hiệu quả để cuối năm tổng kết nhân rộng cho Nhân dân”.
Theo đó, những hộ nuôi nằm trong quy hoạch như khu vực Láng Cát, ấp Gành Hào 1 và 2 đang được 2 ngân hàng: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Ðông Á xem xét đầu tư, thống nhất với nguồn vốn cho người dân vay 200 triệu đồng/ha. Ngoài ra, việc tăng cường tập huấn chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình mới hạn chế dịch bệnh để người dân tham quan học tập rút kinh nghiệm cũng được thực hiện.
Ðồng thời, địa phương sẽ tranh thủ nguồn vốn từ các ngành để đầu tư hoàn thiện hệ thống thuỷ lợi, lộ và điện 3 pha phục vụ cho người dân nuôi tôm… Hy vọng những bước đi này sẽ mang lại sinh khí mới cho phong trào NTCN trên địa bàn xã Hoà Tân trong thời gian tới.
Related news
Năm 2013, công ty xuất bán cá thương phẩm được trên 14 tấn, đạt doanh thu trên 2,2 tỷ đồng. Dự kiến đến cuối năm 2018, công ty sẽ hoàn thành lắp đặt và đưa vào sử dụng 174 lồng, với tổng diện tích 74.800 m2 mặt lồng, số lượng cá giống khoảng 600.000 con, đồng thời xây dựng khu chế biến xuất khẩu cá đông lạnh tại xã Nam Ka quy mô 3-4 ha, công suất 200 tấn/năm cho thị trường Nga và EU, với tổng vốn đầu tư gần 297 tỷ đồng.
Mô hình nuôi cá rô đồng thời gian qua đã mang lại giá trị kinh tế cao cho nhiều người nuôi. Nhận biết đặc điểm cá rô đồng cái sinh trưởng và phát triển nhanh hơn cá đực, qua đó, để tạo ra con giống chất lượng, góp phần nâng cao hơn hiệu quả sản xuất cho bà con, Trung tâm KHKT&SX Giống thuỷ sản Quảng Ninh đã nghiên cứu thành công phương pháp sản xuất giống cá rô đồng toàn cái bằng phương pháp tạo cá đực đặc biệt.
Cách đây ít năm thôn Liên Minh, xã Trân Châu, huyện Cát Hải, tỉnh Hải Phòng được coi là “đảo của đảo” vì biệt lập với bên ngoài bởi các rặng núi đá cao vút. Chính vị trí địa lý đặc biệt ấy tạo nên một vùng tiểu khí hậu, thổ nhưỡng riêng và giống gà bản địa thuần chủng – mà tên của thôn đã được đặt cho giống gà này: Gà Liên Minh.
Để quản lý tốt các cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, việc phối hợp chặt chẽ giữa ngành chức năng với chính quyền địa phương, bà con chăn nuôi nhằm làm rõ ràng nguồn gốc gây nuôi động vật hoang dã trên địa bàn là việc làm quan trọng.
Nhằm xây dựng mô hình làm kinh tế mới trong đoàn viên thanh niên và ngoài quần chúng nhân dân, đồng thời đáp ứng nhu cầu phát triển sản xuất, nâng cao đời sống cho đoàn viên thanh niên và nông dân, góp phần xây dựng nông thôn mới.