Quyết Phủ Xanh Rừng Tràm Theo Kế Hoạch

Khi những cơn mưa bắt đầu nặng hạt cũng là lúc khởi động mùa trồng rừng mới trong lâm phần U Minh Hạ.
“Không chỉ bảo đảm diện tích đất rừng được phủ xanh mà làm sao mang lại hiệu quả kinh tế cao nhất” là khẳng định của ông Nguyễn Hữu Phước, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ trong vụ trồng mới rừng năm nay.
Theo kế hoạch, năm nay công ty sẽ trồng mới 1.696 ha rừng sau khai thác, rừng bị cháy trong mùa khô. Cây trồng chủ yếu là keo lai và tràm. Hiện có trên 10 ha keo lai được phủ xanh trên Liên Tiểu khu 30/4.
Sẵn sàng về mọi mặt
Trên 5 khu vực nằm trong kế hoạch trồng rừng năm nay gồm: Liên Tiểu khu U Minh I, U Minh II, Liên Tiểu khu sông Trẹm, Liên Tiểu khu 30/4 và Liên Tiểu khu Trần Văn Thời, tất cả mọi công việc chuẩn bị đã sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.
Ông Nguyễn Hữu Phước cho biết, số lượng và chất lượng cây giống tại các vườn ươm đều đạt theo yêu cầu, đủ điều kiện phục vụ công tác trồng rừng năm nay. Đồng thời, hiện các hộ dân nhận khoán đất rừng trên lâm phần cũng đã nhanh chóng chuẩn bị mọi điều kiện cần thiết để tiến hành trồng theo kế hoạch khi thời tiết thuận lợi hơn.
Tuy vẫn còn nhiều hạn chế, song những năm gần đây, cây tràm cũng như nguồn lợi dưới tán rừng đang dần mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Từ đó, người dân ý thức hơn trong bảo vệ rừng mùa khô và tự giác, chủ động hơn trong việc trồng lại rừng sau khi khai thác.
Ông Nguyễn Văn Châu, ấp 5, xã Khánh Tiến, bộc bạch: “Toàn bộ phần diện tích rừng rộng 3 ha của gia đình khai thác trong vụ mùa trước đã xử lý thực bì xong, cây giống cũng sẵn sàng, chỉ còn đợi mưa xuống là tiến hành trồng lại. Năm nay gia đình quyết tâm trồng lại toàn bộ diện tích rừng đã được nhận khoán”.
Cũng như gia đình ông Châu, nhiều hộ dân được nhận khoán đất rừng ở Liên Tiểu khu sông Trẹm đang khẩn trương triển khai mọi công tác chuẩn bị cho vụ trồng rừng mới.
Anh Võ Văn Tình cho biết, lợi ích kinh tế từ rừng mang lại ngày một lớn, nên gia đình anh chủ động để thực hiện tốt việc trồng rừng mới năm nay. Đến nay, mọi công tác chuẩn bị từ dọn thực bì, cây giống cũng đã hoàn tất. Gia đình anh quyết tâm triển khai trồng hoàn thành 2 ha đất rừng đã khai thác.
Hiệu quả cao từ rừng
Để hoàn thành trồng mới 1.696 ha rừng tràm theo kế hoạch năm nay, Ban giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp U Minh Hạ đang tích cực phối hợp với các xã có rừng tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân tham gia trồng rừng như đã đăng ký.
Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai cấp phát đủ cây giống và chủ động hướng dẫn cho người dân cách bảo quản cây, con trước khi đem trồng, thực hiện đúng các quy trình chăm sóc để bảo đảm chất lượng và tỷ lệ cây sống đạt cao.
Không chỉ phấn đấu đạt được diện tích trồng mới theo kế hoạch, ông Phước còn nhận định, trong kế hoạch trồng mới năm nay, công ty tính toán rất chi tiết từng khu vực cụ thể để bố trí loại cây trồng cụ thể cho phù hợp để vừa bảo đảm đạt diện tích, vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao trong tương lai.
Ngoài ra, Ban giám đốc, cán bộ, công nhân viên toàn công ty đang ra sức thi đua, trồng, bảo vệ và khai thác rừng một cách hợp lý và hiệu quả nhất nguồn tài nguyên từ rừng.
Ông Lê Thanh Triều, Chủ tịch UBND huyện U Minh, cho rằng, những năm gần đây tỉnh đã có nhiều chính sách thoáng và ngày càng phù hợp hơn cho người dân dưới tán rừng. Trong đó có chủ trương cho mở rộng diện tích rừng thâm canh trên địa bàn đã góp phần cải thiện thu nhập của người dân. Từ đó người dân gắn bó với rừng hơn.
Related news

Theo Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (Vasep), 7 tháng đầu năm nay xuất khẩu mặt hàng tôm vẫn tăng mạnh và có thể đạt 3 tỷ USD vào cuối năm 2014 nếu như dịch bệnh được kiểm soát và thị trường thuận lợi. Nhưng mặt hàng chiến lược số 1 của thủy sản này cũng có không ít điều để nói.

Sinh vật cảnh hiện nay không chỉ là thú chơi tao nhã chỉ dành cho giới thượng lưu mà đã nhân rộng cho mọi tầng lớp trong xã hội. Ở Đồng Tháp, loại hình nghệ thuật này hiện đang phát triển với sự tham gia ngày càng nhiều của những người yêu nghệ thuật.

Chưa bao giờ tình hình sâu bệnh hại cây trồng tại Khánh Sơn (Khánh Hòa) lại diễn biến phức tạp và nghiêm trọng như hiện nay. Các loại cây trồng chủ lực của huyện như: sầu riêng, mít nghệ, hồ tiêu… đều đã bị nhiễm sâu bệnh trên diện rộng, gây nhiều thiệt hại cho bà con nông dân.

Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật, Sở Công Thương, Liên minh Hợp tác xã (HTX) tỉnh vừa phối hợp tổ chức hội thảo khoa học “Giải pháp phát triển HTX phục vụ cho Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh” với sự tham gia của đại diện các sở, ngành, đoàn thể; lãnh đạo các địa phương, các HTX và một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Được biết, vùng sản xuất lúa ở Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Bình Thành có hệ thống giao thông hoàn chỉnh, có thể vận chuyển lúa bằng xe tải hoặc ghe; hệ thống ô bao và tưới tiêu đảm bảo sản xuất đồng loạt đáp ứng được khối lượng lớn lúa mà doanh nghiệp yêu cầu; Hợp tác xã đủ năng lực để doanh nghiệp giao dịch ký hợp đồng.