Quyết Liệt Vực Dậy Cây Điều
Đó là khẳng định của Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh tại “Hội nghị bàn giải pháp phát triển sản xuất điều” và ra mắt Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững, ngày 12/6 tại tỉnh Đồng Nai.
NGHỊCH LÝ TRỒNG – CHẶT
Ông Nguyễn Văn Hòa, Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt nêu lên nghịch lý của ngành điều VN từ nhiều năm nay: Mặc dù ngành công nghiệp chế biến điều VN đã tạo được đột phá, xếp hàng thứ hai thế giới sau Ấn Độ; xếp hàng đầu thế giới về XK nhân điều (từ năm 2006-2013); nhưng những năm gần đây, diện tích điều lại liên tục giảm sút, nhiều nơi nông dân chặt bỏ điều để trồng cây khác.
Hiện sản lượng điều trong nước chỉ đáp ứng được 40% nhu cầu chế biến, 60% phải nhập khẩu từ các nước châu Phi, Đông Nam Á.
Nguyên nhân là do hiệu quả kinh tế trồng điều thấp, cây điều không đủ sức cạnh tranh với nhiều cây trồng khác. Ông Lê Minh Đạo, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Đồng Nai khẳng định: “Giá trị sản xuất bình quân trên cây điều tại tỉnh chỉ đạt 20 triệu đồng/ha/năm, quá thấp so với cây tiêu hay cà phê”.
Hiện hầu hết vườn điều nằm ở những vùng có điều kiện khí hậu, đất đai xấu chiếm tỉ lệ cao (84,7%); chất lượng giống điều kém (65,6%), vườn điều già cỗi, sinh trưởng, phát triển yếu chiếm tỉ lệ cao (29,46%). Ngoài ra, hầu hết nông dân trồng điều chưa quan tâm đúng mức đến đầu tư thâm canh như chọn giống, bón phân, phòng trừ dịch hại; công tác nghiên cứu, chuyển giao TBKT cũng rất hạn chế.
Ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều VN (Vinacas) khẳng định, phần lớn diện tích trồng điều nằm ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số vẫn canh tác theo kiểu “3 không” (không tạo tán tỉa cành, không BVTV, không tưới nước) khiến năng suất thấp, cần cải tạo gấp.
Trong khi đó, chế biến XK phát triển nóng, cung cầu nguyên liệu mất cân đối nghiêm trọng, ngành công nghiệp chế biến ngày càng phụ thuộc nhiều hơn vào nguồn điều thô nhập khẩu.
Ông Thanh cho rằng, ngành điều đang thiếu một số cơ chế chính sách phù hợp làm cho nông dân trồng điều không tiếp cận được vốn, kỹ thuật; các DN không có điều kiện gắn với vùng nguyên liệu, gắn với nông dân. Sản phẩm chưa đa dạng, XK chủ yếu nhân thô, sản phẩm chế biến sâu có giá trị gia tăng cao còn ít (chỉ khoảng 5% trong cơ cấu sản phẩm).
Đội ngũ DN làm điều do tuổi nghề còn non trẻ nên chưa có những DN thực sự mạnh tầm cỡ thế giới; ngành công nghiệp chế biến điều phát triển theo chiều rộng chưa phải chiều sâu, tổ chức XK còn manh mún.
“Đáng ngại nhất là ngành điều VN phải đối mặt với một số rào cản kỹ thuật thương mại, những quy định nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt của các quốc gia nhập khẩu lớn như Mỹ, Canada, Trung Quốc, EU… Vì thế, nếu chúng ta không thay đổi từ sản xuất đến chế biến, XK thì rất khó để phát triển bền vững” – ông Thanh nói.
TĂNG NGUỒN LỰC CHO CÂY ĐIỀU
Thứ trưởng Lê Quốc Doanh cho biết, nhiệm vụ của Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững là nghiên cứu, đề xuất với Bộ trưởng về những chủ trương, giải pháp, cơ chế, chính sách thuộc phạm vi quản lý của Bộ nhằm thúc đẩy việc xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức triển khai thực hiện chương trình phát triển điều bền vững.
Tại Hội nghị, Vinacas đã kiến nghị Bộ NN-PTNT sớm trình Thủ tướng Chính phủ đề án tái cơ cấu, phát triển sản xuất điều bền vững đến năm 2020 tầm nhìn 2030. Mục tiêu nhằm tăng năng suất cây điều (trên 2 tấn/ha), tăng cường hoạt động, trao đổi, hợp tác giữa Bộ NN-PTNT và Bộ Công thương.
Đối với công tác khuyến nông, ông Nguyễn Đức Thanh cho biết, đã xây dựng đề án khuyến nông gia đoạn 2015-2017 trình Bộ NN-PTNT với trọng tâm là “cải tạo vườn điều cũ” để đạt năng suất 2 tấn điều/ha, tăng thu nhập cho bà con trồng điều. Vì thế, Vinacas đề nghị Bộ NN-PTNT quan tâm và phê duyệt để dự án triển khai kịp tiến độ.
Liên quan đến tín dụng, Vinacas đề nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại cấp hạn mức tín dụng đầy đủ hàng năm cho ngành điều, giảm lãi suất, hỗ trợ cho vay; tổ chức thí điểm cho ngành điều vay theo chuỗi sản xuất.
Đồng thời đề nghị Nhà nước có những chính sách hỗ trợ DN ngành điều đầu tư phát triển chế biến sâu, đa dạng hóa sản phẩm, xây dựng chỉ dẫn địa lý, đăng ký thương hiệu sản phẩm ở các thị trường trọng điểm.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Quốc Doanh khẳng định, điều là một trong những cây trồng chủ lực, liên quan đến rất nhiều hộ nông dân và DN. Vì thế, Bộ trưởng đã trực tiếp chỉ đạo tập trung nguồn lực và tìm các giải pháp để giữ ổn định diện tích và nâng cao năng suất cho cây điều.
“Bộ trưởng đã chỉ đạo vấn đề này rất quyết liệt, đã cho thành lập Trung tâm nghiên cứu cây điều; dồn nguồn lực kinh phí tương đối để nghiên cứu giống điều cho năng suất, chất lượng cao và khuyến nông cho cây điều.
Tôi khẳng định, nếu chúng ta có bộ giống thật tốt, phù hợp, Bộ sẽ không hạn chế kinh phí để nhân rộng cho các vùng trồng điều chủ lực. Ngày hôm nay (12/6), Bộ cũng cho ra mắt Ban chỉ đạo phát triển điều bền vững để giúp Bộ trưởng trong quản lý, chỉ đạo, phối hợp điều hành các giải pháp, chính sách nhằm thúc đẩy việc thực hiện chương trình phát triển điều bền vững có hiệu quả”, Thứ trưởng Lê Quốc Doanh nói.
Related news
Sau hơn 30 năm thực hiện khá thành công chương trình “Zebu hóa”, với kết quả tỉ lệ bò lai Zebu chiếm 86% tổng đàn, từ năm 2011 huyện Vĩnh Thạnh (Bình Định) đã tiếp tục tạo hướng chăn nuôi bò chuyên thịt bằng giống mới Drought Master, là giống bò thuần siêu thịt có nguồn gốc từ Úc. Đến nay, hiệu quả của chương trình này đã được khẳng định.
Trước tình hình khó khăn chung của nghề trồng lúa, nhiều bà con nông dân có khuynh hướng tìm kiếm những giống lúa mới đạt giá trị kinh tế cao hơn để tiếp tục canh tác. Trong đó giống lúa Nhật (ĐS1) được nhiều nông dân ưa chuộng và tìm trồng.
Theo ông Cao Văn Hóa, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang, địa phương đang tăng cường công tác chuyển giao kỹ thuật canh tác tiên tiến, khuyến cáo nông dân áp dụng đồng bộ các biện pháp hiệu quả nhằm phòng chống bệnh đốm trắng đang gây hại trên cây thanh long.
Đến xã Tứ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội dễ dàng nhận thấy những đàn trâu nhởn nhơ ăn cỏ ven đê. Ở Tứ Hiệp, số hộ nuôi trâu không nhiều nhưng lại có nguồn thu tương đối cao, trong đó phải kể đến gia đình ông Nguyễn Văn Báu, thôn Đồng Trì.
Sản lượng thủy sản 6 tháng đầu năm 2013 trên địa bàn tỉnh Lào Cai tăng 14% so với cùng kỳ năm ngoái, tuy nhiên sức tiêu thụ thủy sản gặp khó khăn, bởi giá bán thấp.