Quản Chặt Đất Nông Lâm Trường
Hiện cả nước có 319 DN nông, lâm nghiệp (nông lâm trường trước đây) đã được sắp xếp lại, trong đó có 116 đơn vị Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý.
Hôm qua (15/7), tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Văn Ninh, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát và Bộ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Minh Quang đồng chủ trì Hội nghị bàn biện pháp nâng cao hiệu quả hoạt động của các DN nông lâm nghiệp theo Nghị quyết 30-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Tiếp tục rà soát
Hội nghị triển khai Nghị quyết số 30 của Bộ Chính trị về tiếp tục sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp được các đại biểu thảo luận sâu, nhất là thực trạng buông lỏng quản lý đất đai và giải pháp để “quản chặt”, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, từ đó mới có thể đổi mới và phát triển các DN trong lĩnh vực này.
Thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Mạnh Hiển cho biết, hiện cả nước có 319 DN nông, lâm nghiệp (nông lâm trường trước đây) đã được sắp xếp lại, trong đó có 116 đơn vị Trung ương quản lý, 203 đơn vị do địa phương quản lý.
Sau khi sắp xếp, các công ty nông, lâm nghiệp quản lý và sử dụng gần 2,8 triệu ha đất, nhưng mới chỉ có 74 công ty chuyển sang thuê đất theo quy định, với tổng diện tích 460 nghìn ha. Số DN và diện tích đất còn lại vẫn đang sử dụng dưới hình thức Nhà nước giao đất không thu tiền sử dụng đất.
Đáng chú ý, sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 26/6/2003 của Bộ Chính trị khóa IX về sắp xếp, đổi mới và phát triển nông, lâm trường quốc doanh, đến nay nhiều mục tiêu của Nghị quyết vẫn chưa đạt được, cụ thể như: chưa hoàn thành việc xác định ranh giới, cắm mốc thực địa, cấp giấy CNQSDĐ và chuyển sang thuê đất. Diện tích đất chưa sử dụng hoặc hoang hóa còn nhiều…
“Có một điều kỳ lạ là nhiều nơi có hàng trăm ha không được đơn vị nào quản lý, hỏi các Bộ, ngành thì được trả lời là đã giao cho địa phương, hỏi địa phương thì bảo không biết nông, lâm trường do Bộ nào quản lý… Điều này gây lãng phí tài nguyên của đất nước, do đó phải rà soát lại toàn bộ diện tích này”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay.
Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, với những trường hợp sử dụng đất trái quy định, các địa phương xử lý rất chậm và thiếu kiên quyết; trách nhiệm quản lý của chính quyền và DN chưa được làm rõ, nhất là ở một số công ty có tình trạng buông lỏng quản lý đất đai, giao khoán, sử dụng đất sai mục đích hoặc chuyển nhượng đất rừng bất hợp pháp, gây nên sự bức xúc trong xã hội và gây khó khăn cho công tác quản lý đất đai.
Đồng quan điểm trên, ông Đinh Văn Khiết, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đăk Lăk cho rằng, vấn đề quản lý đất đai vẫn là khâu khó nhất trong việc nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
“Trước đây dân phá rừng để lấy gỗ bán mưu sinh, còn hiện nay phá rừng mục đích là để chiếm đất. Ngoài ra, lâu nay chúng ta vẫn khoán trắng đất cho các nông, lâm trường, nay là các công ty nông, lâm nghiệp, chỉ thu một số chi phí quản lý. Vì thế, tới đây phải xử lý dứt điểm những tồn tại này”, ông Khiết phân tích.
Phải đổi mới cách quản lý sử dụng đất
Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh: “Đối với những công ty nông, lâm nghiệp mà thua lỗ kéo dài, quản lý đất đai lỏng lẻo để bị lấn chiếm, tranh chấp, trong khi nhiệm vụ sản xuất không rõ, không có khả năng phục hồi thì rà soát và kiên quyết giải thể, thậm chí phá sản. Tóm lại là xử lý chứ không để tình trạng này kéo dài”.
Trao đổi với NNVN bên lề hội nghị, Phó Trưởng ban chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, ông Phạm Quốc Doanh, cho rằng, hơn 10 năm nay, đã rất nhiều giải pháp được đưa ra, song việc đổi mới và nâng cao hiệu quả các nông, lâm trường vẫn chưa có nhiều tiến triển. Câu chuyện chuyển đổi sang mô hình các công ty nông, lâm nghiệp thực chất vẫn chỉ là “bình mới rượu cũ”.
Theo ông Doanh, việc đổi mới quản lý sử dụng đất là một trong những khâu then chốt để quyết định cho việc đổi mới nông, lâm trường quốc doanh thành công. “Phải làm xong việc rà soát hiện trạng đất và quy hoạch sử dụng đất để xem nên giữ lại bao nhiêu đất cho các DN phục vụ sản xuất kinh doanh, còn bao nhiêu phải chuyển về cho địa phương quản lý và xử lý các trường hợp vi phạm quản lý sử dụng đất”, ông Doanh đề xuất.
Đồng quan điểm trên, lãnh đạo một số địa phương như Đăk Lăk, Thanh Hóa, Bình Định đều thống nhất cho rằng, điều kiện để thực hiện thắng lợi Nghị quyết 30 của Bộ Chính trị là phải xử lý tốt việc quản lý quy hoạch, phân loại đất để tiến hành cho thuê đất theo quy định, tránh lãng phí tài nguyên.
Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho rằng, diện tích đất các nông, lâm trường nắm giữ rất lớn, nhưng hiệu quả kinh tế thì thấp. Mới có 29,9% số đơn vị đã thực hiện đo đạc, dẫn đến tỷ lệ diện tích cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thấp.
Về phương hướng thực hiện thời gian tới, theo Phó Thủ tướng, cần rà soát lại chức năng nhiệm vụ của các công ty nông, lâm nghiệp. Tiếp theo là rà soát, quy hoạch lại đất đai, gắn với chức năng nhiệm vụ của từng DN.
“Phải đo đạc, cấp giấy CNQSDĐ, cắm mốc, xác định phân loại đất đai, đất dùng làm gì phải làm rõ. Từ đó, chúng ta sẽ có phương án xử lý đất đai, xác định rõ loại nào được giao, loại nào thuê, đất dư ra thì phải giao cho địa phương. Về phía địa phương sẽ tiếp tục rà soát gắn với quy hoạch của địa phương để có phương án xử lý diện tích đất đó. Trong quá trình rà soát, ưu tiên tiếp tục giao cho các hộ đang thực hiện giao khoán…”, Phó Thủ tướng nói.
Ngoài ra, cần tiếp tục đổi mới cơ chế bảo vệ và phát triển rừng, quản lý rừng theo chứng chỉ quốc tế, giao đất giao rừng để rừng có chủ. Đối với rừng nghèo kiệt, cần hết sức thận trọng trong chuyển đổi.
“Tới đây một loạt cơ chế chính sách mới sẽ được bổ sung. Trong đó, Bộ NN-PTNT đã trình Nghị định; chủ trì phối hợp với các Bộ hướng dẫn xác định giá trị vườn cây, con; Bộ Tài chính ban hành hướng dẫn cơ chế đặc thù trong sắp xếp CPH…; phối hợp với Bộ KH-ĐT bố trí kinh phí hợp lý cho năm 2015 nhưng phải thực hiện ngay trong năm nay; hướng dẫn quản lý các khoản tài chính còn tồn đọng, xác định phương án giá cho thuê đất…”, Phó Thủ tướng khẳng định.
Related news
Mặc dù đã có hợp đồng mua bán thế nhưng, việc soạn thảo và ký kết giữa hộ nuôi cá tra và doanh nghiệp dường như vẫn chưa tìm được tiếng nói chung.
Vụ mùa năm 2011-2012 và những tháng đầu năm của năm 2013, ở Cà Mau, dịch bệnh tôm chết gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi tôm công nghiệp.
Ngày 16/10/2013, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức cuộc họp thông qua chủ trương vận động phát triển “Ngân hàng bò” tại địa phương. Tham dự và chủ trì cuộc họp có các Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Nguyễn Văn Dương, Trần Thị Thái và Nguyễn Thanh Hùng.
Nhiều nông dân ở xã Châu Hưng A (huyện Vĩnh Lợi - Bạc Liêu) ăn nên làm ra nhờ mô hình trồng cây bồn bồn kết hợp với nuôi cá nước ngọt. Cây bồn bồn không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế khá mà còn góp phần đa dạng nguồn rau sạch, bảo vệ nguồn lợi thủy sản, tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi ở nông thôn…
Từ khi triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thủy sản đến nay đã 15 năm. Chỉ thị này góp phần nâng cao ý thức, hạn chế tình trạng khai thác hủy diệt nguồn lợi thủy sản ở các địa phương. Song, để chấm dứt hoàn toàn thì không phải là chuyện dễ.