Phú Yên Liên Kết Đưa Cá Ngừ Xuất Ngoại
Phú Yên là một trong 3 tỉnh được chọn triển khai thí điểm khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ cá ngừ theo chuỗi. Ngành Nông nghiệp đang khởi động các chương trình để thực hiện mô hình này thành công, nhất là đầu tư đồng bộ từ khai thác, thu mua, chế biến, tiêu thụ, đến xây dựng cơ sở hạ tầng nghề cá…
Phú Yên chọn Công ty cổ phần Bá Hải tham gia mô hình tổ chức sản xuất cá ngừ theo chuỗi. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty cổ phần Bá Hải, cho biết: “Để xuất khẩu cá ngừ đại dương sang các thị trường lớn, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định.
Hiện công ty đã được Bộ KH-CN chọn phối hợp với Tập đoàn ABI (Nhật Bản) chuyển giao công nghệ đông lạnh sản phẩm theo công nghệ CAS và thiết bị cấp đông có công suất 500kg/giờ. Với công nghệ này, chất lượng cá khi rã đông vẫn được giữ tươi ngon như ban đầu”.
Cũng theo ông Hồng, khoảng tháng 5/2015, Tập đoàn ABI sẽ lắp đặt hoàn thành và đưa công nghệ CAS vào sử dụng tại công ty. Tổng vốn đầu tư công nghệ này khoảng 120 tỉ đồng, trong đó Bộ KH-CN sẽ hỗ trợ 50%, phía Tập đoàn ABI sẽ tập huấn và chuyển giao quy trình vận hành. Hiện công ty đang triển khai đóng mới 5 tàu vỏ vật liệu mới, mỗi tàu trị giá khoảng 20 tỉ đồng.
Các tàu này sẽ làm nhiệm vụ vừa khai thác vừa luân phiên thu gom cá từ các tàu liên kết với công ty để vận chuyển vào bờ nhanh nhất, đảm bảo cá từ khi đánh bắt đến khi vào tới bờ khoảng 10 đến 12 ngày. Phải làm như vậy thì cá ngừ mới đạt được chất lượng và giá trị kinh tế khi xuất khẩu…
Bà Helen Packer, đại diện Công ty ANOVA (Mỹ), cho hay, Công ty ANOVA là một đối tác tại Mỹ thu mua cá ngừ đại dương của Phú Yên thông qua Doanh nghiệp tư nhân Hồng Ngọc. Trong quý I/2015, công ty sẽ đầu tư cho ngư dân Phú Yên một số mô hình sơ chế và bảo quản cá ngừ tiên tiến hiện nay, hỗ trợ công nghệ khai thác sử dụng lưỡi câu vòng (lưỡi câu chữ C).
Lưỡi câu vòng có ưu điểm là khi cá ngừ ăn mồi sẽ dễ mắc câu và khó sẩy hơn so với lưỡi câu chữ J mà hiện nay đa số ngư dân Phú Yên đang sử dụng. Lưỡi câu vòng sẽ hạn chế bắt các loài không mong muốn như rùa biển, cá heo… mục đích là bảo vệ môi trường nguồn lợi hải sản.
Theo ông Nguyễn Tri Phương, Phó giám đốc Sở NN-PTNT, Bộ NN-PTNT đã phân bổ cho Phú Yên đến năm 2016 đóng mới 185 tàu khai thác và dịch vụ hậu cần, cải hoán và nâng cấp 465 tàu.
Hiện ngành đang tham mưu cho UBND tỉnh ban hành quy chế thực hiện mô hình liên kết theo chuỗi giá trị và xây dựng một số mô hình liên kết theo chuỗi khác để chọn mô hình tiêu biểu, hoạt động có hiệu quả để phổ biến nhân rộng trong toàn tỉnh năm 2015. Mục tiêu đến năm 2020, Phú Yên cơ bản hoàn thành việc tổ chức lại sản xuất trong khai thác cá ngừ đạt chất lượng và thu nhập cao cho ngư dân, hướng đến phát triển ngành công nghiệp khai thác cá ngừ hiệu quả và bền vững.
Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát khẳng định: “Việc hướng dẫn ngư dân thực hiện đúng quy trình khai thác, bảo quản cá ngừ là rất cần thiết. Chỉ có khai thác và bảo quản đúng kỹ thuật thì mới nâng cao được chất lượng cá và bán giá cao. Muốn làm được điều này, nhất quyết phải tổ chức sản xuất theo chuỗi liên kết có sự tham gia của lãnh đạo các tỉnh, hiệp hội nghề cá và doanh nghiệp, chứ không thể để một mình ngư dân tự làm được”.
Related news
Năm kinh doanh cà phê 2014-2015 đã đi được nửa đường, tính từ ngày 1-10 năm ngoái. Với chừng 3,5 tỷ đô la Mỹ từ xuất khẩu cà phê năm trước - một con số quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu nông sản nói chung, thử nhìn lại nửa chặng đường ngành cà phê vừa đi qua năm nay.
Theo Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), mặc dù vẫn là thị trường nhập khẩu (NK) cá tra lớn nhất của Việt Nam (chiếm 21,9%) nhưng giá trị xuất khẩu cá tra sang Mỹ tính đến 15/3 giảm tới 14,4% so với cùng kỳ năm ngoái (đạt 62,9 triệu USD).
Để giúp một lượng lớn hàng tím của người dân Nam bộ đang dồn ứ trong kho, ngành đường sắt quyết định miễn phí cước tàu hỏa từ Nam ra Bắc cho nông dân.
Kim ngạch xuất khẩu nhiều loại rau quả lại tăng trưởng khá, thậm chí có thị trường tăng từ 2 đến 3 lần so với cùng kỳ, dù tình trạng rau quả ùn tắc tại cửa khẩu tiếp giáp Trung Quốc - thị trường tiêu thụ rau quả lớn nhất của Việt Nam - diễn biến hết sức phức tạp.
Thời gian gần đây, nông dân ở thị xã Hương Trà và huyện Nam Đông (Thừa Thiên - Huế) đã ồ ạt đốn hạ nhiều diện tích cây cao su với mục đích bán gỗ hoặc chuyển sang trồng rừng kinh tế do giá bán mủ cao su trên thị trường đang rớt thê thảm, người nông dân phải gánh chịu nhiều thua lỗ…