Phụ nữ Quang Bình vươn lên làm giàu nhờ nuôi lợn, trồng chè
Thời gian qua, được sự chỉ đạo của các cấp chính quyền, các ngành, Hội Phụ nữ huyện Quang Bình luôn đoàn kết, vượt khó thực hiện hiệu quả các mô hình phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, Hội chú trọng mô hình phát triển kinh tế tổng hợp, tập trung vào 5 loại cây trồng chủ yếu gồm: Lúa, ngô, lạc, chè, cam; trong chăn nuôi phát triển trâu, lợn, dê, gia cầm, nhất là tập trung vào con trâu và con lợn phù hợp với điều kiện nông nghiệp của huyện, có hiệu quả trong công cuộc XĐGN cho nhân dân.
Đến thăm gia đình chị Nguyễn Thị Liên, ở thôn Tân Tiến, xã Tân Trịnh; có dịp được chiêm ngưỡng đàn lợn thịt và nương chè Shan tuyết của gia đình chị. Bên ấm nước chè, chị Liên chia sẻ với chúng tôi về những vất vả, nhọc nhằn để có được cơ ngơi ngày hôm nay. Gia đình chị vốn gốc ở Nam Định, lên đây lập nghiệp từ sớm. Nhà nghèo, ngoài làm nông ra cũng chẳng biết làm nghề gì khác, chị mạnh dạn vay vốn từ Hội Phụ nữ được 4 triệu đồng; bước đầu xây dựng, phát triển kinh tế gia đình.
“Ngày đó, anh trai tôi đang làm việc trong nông trường chè Hùng An (Bắc Quang) đã đưa chè giống về trồng, mà chè thì cũng phải 2 – 3 năm mới bắt đầu cho thu hoạch nên vợ chồng tôi nuôi thêm đàn lợn thịt, nấu rượu và trồng thêm mấy mẫu lạc, ngô. Mấy năm nay, được sự động viên của chị em Hội Phụ nữ xã, huyện, tôi lại chăm thêm hơn trăm gốc cam ghép Vinh. Hai vợ chồng chịu khó vất vả một chút cũng đủ đồng ra đồng vào, chăm lo cho mấy đứa con”, chị Liên cho hay. Trời chẳng phụ công người, đến nay, gia đình chị đang sở hữu vài chục đầu lợn thịt, hơn 2ha chè shan, ngô, lạc các loại.
Mỗi năm 3 lứa lợn thịt, mỗi lứa từ 20 – 30 con; trừ chi phí, gia đình chị thu về được gần 60 triệu đồng. Chẳng để chuồng trại trống, xuất lứa nào, chị lại nuôi gối lứa khác. Cùng với việc chăn nuôi lợn thịt, trong chuồng trại nhà chị còn nuôi lợn nái sinh sản, mỗi lứa vài chục con, số lợn con này được chăm sóc cẩn thận đến khi lớn sẽ có chế độ chăm sóc theo tiêu chuẩn của lợn thịt. Vào vụ thu hoạch chè, gia đình chị thường thuê thêm 5 – 6 người hái mới xuể.
Thu nhập hàng năm từ chăn nuôi lợn, trồng chè, lạc, ngô các loại của gia đình chị Liên khoảng 200 – 250 triệu đồng. Không chỉ phát triển kinh tế gia đình, chị Liên còn nhiệt tình tham gia công tác xã hội. Trước đây, chị làm y tế thôn, thường xuyên đi tuyên truyền, vận động nhân dân chăm sóc sức khỏe, cho trẻ đi tiêm phòng,... Vừa qua, chị được bà con tin tưởng bầu làm Bí thư Chi bộ thôn Tân Tiến.
Chia tay chị Liên, chúng tôi tiếp tục ghé thăm trang trại trồng chè, nuôi gà, nuôi trâu của chị Đinh Thị Hòa (thôn Tân Tiến, Tân Trịnh). Hiện, gia đình chị Hòa đang chăn nuôi hơn 400 con gà các loại và đàn trâu gần chục con; thêm hơn 1ha chè, lạc. Chị kể: “Làm nghề nông phụ thuộc nhiều vào thời tiết, thiên tai là mất mùa, như hồi năm 2012 dịch gà dù làm vợ chồng tôi mất trắng. Cũng thoái chí, nản lòng muốn bỏ nhưng lại nghĩ ở nông thôn thì cũng chỉ có chăn nuôi, trồng trọt mới phát triển kinh tế gia đình được nên hai vợ chồng tôi gây dựng lại đàn gà.
Rút kinh nghiệm từ lần đó, chúng tôi có nhờ Hội Phụ nữ, bên thú y tư vấn cho gà ăn, uống thuốc phòng trừ bệnh; đồng thời giữ chuồng trại sạch sẽ, khử trùng thường xuyên để đảm bảo môi trường sạch cho đàn gà phát triển. Đàn trâu nhà tôi nuôi lấy sức kéo là chính, nhà cũng trồng hơn mẫu cỏ voi nên đảm bảo nguồn thức ăn thường xuyên cho trâu, ngoài ra, vợ chồng tôi cũng mua trâu vỗ béo rồi bán. Thu nhập gia đình hiện giờ cũng ổn định tầm khoảng trên dưới 200 triệu mỗi năm”.
Chị Nguyễn Thị Tìm, Phó Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Quang Bình chia sẻ: “Chúng tôi đã triển khai cho các cơ sở Hội đăng ký mô hình phát triển kinh tế năm nay. Kết quả có hơn 60 mô hình tiêu biểu tại các xã, thị trấn theo đúng định hướng 5 cây, 2 con của huyện, cho thu nhập mỗi năm từ 80 - 100 triệu đồng trở lên. Chúng tôi tiếp tục tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ nhân rộng, phát triển các mô hình kinh tế sao cho phù hợp và có hiệu quả”.
Related news
Theo ông Nguyễn Tiến Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh), để có câu trả lời chính xác cho nông dân, cần đưa giống mới về thử nghiệm trên chân đất ít có điều kiện canh tác.
Vụ đông 2015, tỉnh Vĩnh Phúc vẫn kiên trì chủ trương hỗ trợ SX cây trồng truyền thống, nhất là cây ngô.
Giá lúa lao dốc không phanh, cộng thêm thời tiết cực đoan gây thiệt hại thời gian vừa qua làm nông dân các tỉnh Cà Mau, Bạc Liêu chồng chất khó khăn.
Không chỉ cung cấp lượng trứng lớn làm thực phẩm cho người dân tại xã đảo Thanh Sơn (huyện Định Quán, Đồng Nai), trang trại của ông Lý Kế Thường còn là địa chỉ tin cậy, an toàn cung cấp gà giống chất lượng cao.
Ngày 21/9, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tỉnh Long An tổ chức hội thảo kết quả dự án “Áp dụng 3 giảm 3 tăng và kỹ thuật trồng lúa SRI vùng ĐBSCL năm 2015”.