Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chữa Bệnh Cho Cây Cà Tím

Chữa Bệnh Cho Cây Cà Tím
Publish date: Friday. November 28th, 2014

Năm 2013, nhiều diện tích cà tím bị bệnh chết cây khiến người nông dân gặp rất nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sự vào cuộc của “chuyên gia nông nghiệp” đã “chữa trị” thành công căn bệnh này, mang lại tín hiệu vui cho người trồng cà.

Hiệu quả cao

Là một vùng đất toàn cát là cát, nhưng nông dân xã Đức Thạnh, Đức Minh (Mộ Đức) thu về tiền triệu mỗi tuần nhờ trồng cây cà tím. Giống cà tím “bén duyên” trên vùng đất này đã trở thành nguồn thu nhập chính của người dân nơi đây. Dẫn chúng tôi đi thăm 2 sào cà đang kỳ thu hoạch, ông Võ Phúc, thôn Lương Nông Nam, xã Đức Thạnh cho biết: “Ruộng cà này thu hoạch đến nay đã hơn 1 tháng.

Cứ cách một ngày là thu hoạch một lần. Lúc cà đương rộ thì thu được hơn 2 tạ cà mỗi lần. Còn ngày bình thường cũng được từ 80-90kg cà”. Với giá mỗi ký ổn định từ 3- 4 nghìn đồng, mỗi tuần có thể thu về từ 400 ngàn  - 1 triệu đồng/sào, nên cây cà ngày càng được người dân ven biển Mộ Đức ưu ái mở rộng diện tích.

Mang lại hiệu quả kinh tế cao, có thể sinh trưởng và phát triển tốt ngay trong điều kiện đất đai cằn cỗi, cây cà tím được xem như loại cây “một vốn, bốn lời” khi vốn bỏ ra không bao nhiêu, chỉ từ 600 ngàn - 1 triệu đồng/sào mà có thể thu hoạch liên tục trong 4 tháng.

Vì vậy, không chỉ vùng đất cằn Đức Thạnh, Đức Minh… mà các xã Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương (Tư Nghĩa) cũng được mệnh danh là “thủ phủ” của loại hoa màu này, khi diện tích trồng cà lên đến 25ha. Khác với Mộ Đức, ở vùng đất màu mỡ Nghĩa Hiệp, Nghĩa Thương, cây cà tím có năng suất gấp đôi. Bình quân mỗi sào cà vào mùa thu hoạch rộ, bà con nơi đây có thể thu về trên 2 tạ cà tím.

Nhưng đi kèm rủi ro lớn

Mang lại lợi ích kinh tế cao, nhưng cây cà tím lại bao phen khiến người nông dân phải khóc ròng vì bệnh chết cây. Chị Trần Thị Kiều, người đã gắn bó với nghề trồng cà tím hơn 10 năm ở Nghĩa Hiệp giải thích: “Bệnh nào còn chữa được chứ đã dính vô bệnh chết cây thì chúng tôi chỉ còn biết bó tay ngồi nhìn?. Đã có năm, cả 800 gốc cà nhà chị Kiều cứ héo rũ rồi chết . Ngoài việc chết hàng loạt, bệnh chết cây này còn khó “dò” vì “tấn công” cây trồng ở mọi giai đoạn sinh trưởng. Khi thì cây vừa lên được quá gang tay rồi héo rũ, lúc lại mắc bệnh vào lúc cây đang đơm hoa, kết trái.

Năm 2013, toàn huyện Tư Nghĩa có 12/25 ha cà tím bị mắc phải loại dịch bệnh khó trị này. Không chỉ là căn bệnh trầm kha trên cây cà, mà chứng chết cây còn hay gặp phải ở dưa hấu, ớt… “Năm nào chúng tôi cũng xác định trồng thêm để bù hao hụt vì biết chắc chắn cây sẽ mắc bệnh chết cây. Năm nào nhiều thì gần 200 gốc cà/sào, vụ ít cũng 60-70 gốc. Miết rồi cũng quen”, bà Trương Thị Mến, ở xã Đức Minh cho hay.

Tín hiệu vui

Nhận thấy bệnh chết cây luôn khiến người nông dân phải đau đầu khi năng suất cây trồng giảm hẳn nhưng lại rất khó để chữa trị.  Năm 2014, Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện Tư Nghĩa đã tiến hành xuống giống cùng bà con nông dân để thí nghiệm “So sánh hiệu lực một số loại thuốc BVTV trừ bệnh chết cây trên cây cà tím” và đã thu được kết quả khả quan.

Ông Nguyễn Mậu Đạt, thôn Đồng Viên, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) người có 1.000m2 đất vườn được Trạm BVTV huyện Tư Nghĩa chọn làm nơi thực nghiệm phấn khởi: “Thấy các hộ xung quanh trồng cà tím năm nào cũng bị bệnh chết cây, tôi đâm ra nản, không thiết tha trồng. Nhưng năm nay, sau khi quan sát mô hình cà tím được Trạm BVTV chăm sóc tuân thủ theo quy trình thì không bị chứng chết cây, năng suất cao hẳn, nên năm sau gia đình tôi sẽ gắn bó với loại cây này”.

Sau khi thí nghiệm các loại thuốc BVTV phòng trừ bệnh chết cây, Trạm BVTV huyện Tư Nghĩa khuyến cáo nông dân sử dụng một trong ba loại thuốc Streptomycin, Bony 4 SL, Parosa 325WP phun khi cà tím đang giai đoạn cây con – phân cành- ra hoa thì sẽ phòng trừ được bệnh chết cây cà tím. Với hiệu quả đã được “đo” bằng thực nghiệm, đây thực sự là tín hiệu vui với người nông dân, khi  việc sử dụng các thuốc trên phòng trừ bệnh chết cây cà tím đem lại hiệu quả kinh tế từ 2,6 đến 3,8 triệu đồng/ha…

Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/chua-benh-cho-cay-ca-tim-2354679/


Related news

Vải Thiều Chính Vụ Từ 8 - 12 Nghìn Đồng/kg Vải Thiều Chính Vụ Từ 8 - 12 Nghìn Đồng/kg

Theo Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Lục Ngạn (Bắc Giang), từ giữa tháng 6, nông dân bắt đầu thu hoạch vải chính vụ, sớm hơn một tuần so với dự kiến.

Wednesday. June 18th, 2014
Sốc Với Giá Bưởi Da Xanh Sốc Với Giá Bưởi Da Xanh

Trong khi hàng loạt trái cây như thanh long, chôm chôm, mít, nhãn, vải, xoài… rớt giá, thì nông dân trồng bưởi da xanh lại đang “hốt bạc” vì giá bán tại vườn lên tới 50.000 - 60.000 đ/kg!

Wednesday. June 18th, 2014
Mòn Mỏi Chờ Tiền Cung Ứng Gạo Mòn Mỏi Chờ Tiền Cung Ứng Gạo

Tháng 3 năm nay, cùng với nhiều DN khác, DNTN Thanh Lịch (Đồng Tháp) đã tham gia đấu thầu cung ứng gạo cho chương trình mua gạo dự trữ quốc gia (kế hoạch 2014). Chương trình do các Cục Dự trữ Nhà nước trực thuộc Tổng cục Dự trữ Nhà nước thực hiện.

Wednesday. July 9th, 2014
Mực Khơi Được Mùa, Được Giá Mực Khơi Được Mùa, Được Giá

Ông Phạm Văn Châu, Phó chủ tịch UBND xã Tam Giang (H.Núi Thành, Quảng Nam), cho biết những ngày gần đây nhiều tàu câu mực khơi tại địa phương sau khi cập bến đã xuất đi hàng trăm tấn mực khô với giá khá cao.

Wednesday. June 18th, 2014
Nửa Năm Xuất Khẩu Trên 3 Triệu Tấn Gạo Nửa Năm Xuất Khẩu Trên 3 Triệu Tấn Gạo

Gạo phẩm cấp trung bình từ 15 - 20% tấm vẫn đang là chủng loại gạo xuất khẩu chủ lực của Việt Nam khi đạt trên 306 ngàn tấn trong tháng 6 (chiếm 45,72%), tiếp đó là gạo chất lượng cao 3-10% tấm (trên 151 ngàn tấn; 22,52%), gạo thơm gần 102 ngàn tấn (15,2%)…

Wednesday. July 9th, 2014