Phát Triển Nông Nghiệp Ứng Dụng Công Nghệ Cao Tại Chư Jút Vai Trò Quan Trọng Của Công Tác Khuyến Nông
Thời gian gần đây, nhiều hộ nông dân trên địa bàn xã Đắk D’rông đã có thu nhập cao từ việc đưa giống đậu nành DT 26 mà Trạm Khuyến nông huyện giới thiệu.
Gia đình bà Nông Thị Liên, ở thôn 16 là một trong số các hộ đã trồng đậu nành giống DT26 cho biết: “Giống đậu nành DT26 có khả năng kháng bệnh cao, đạt năng suất vượt trội hơn so với các giống truyền thống từ 70 đến 80 kg/sào. Hiện tại, với 8 sào đậu nành giống DT26, mỗi vụ gia đình tôi thu được trên 2,5 tấn, sau khi trừ chi phí còn lãi hơn 25 triệu đồng”.
Cùng với việc đưa giống đậu nành, các giống lúa, ngô lai, có năng suất, hiệu quả kinh tế cao cũng được Trạm Khuyến nông giới thiệu cho bà con đưa vào sản xuất. Nếu như những năm trước đây, mỗi vụ thu hoạch, hơn 4 sào lúa của gia đình bà Nguyễn Thị Thắng, ở thôn 3, xã Trúc Sơn chỉ đạt hơn 3,2 tạ /sào thì vụ mùa vừa qua, năng suất và sản lượng lúa đã tăng hơn 2,5 lần.
Theo bà Thắng thì sở dĩ có được kết quả cao như vậy là do vụ mùa vừa rồi, gia đình đã gieo cấy bằng giống lúa lai Nghi hương 2308 do Trạm Khuyến nông giới thiệu. Cùng với đó, được tham gia các buổi tập huấn, bà đã áp dụng nhiều kỹ thuật vào việc chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh nên hầu hết diện tích lúa của gia đình phát triển rất tốt, đạt năng suất cao.
Ngoài những giống cây trồng mới thì nhiều biện pháp khoa học kỹ thuật tiên tiến đã được đội ngũ cán bộ khuyến nông huyện không ngừng giới thiệu đến bà con, từ đó, áp dụng vào sản xuất và mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình như kỹ thuật sản xuất rau an toàn, trồng hoa; kỹ thuật “trẻ hóa” cà phê; kỹ thuật nuôi cá lồng trên sông Sêrêpốk; kỹ thuật nuôi, nhốt động vật hoang dã…
Theo Huyện ủy Chư Jút thì xác định khuyến nông có vai trò rất quan trọng trong phát triển nông nghiệp công nghệ cao nên địa phương đã chỉ đạo tăng cường công tác này, thúc đẩy ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi.
Hệ thống khuyến nông trên địa bàn đã tích cực tổ chức các chương trình tập huấn, chuyển giao kỹ thuật, xây dựng các mô hình theo hướng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, phù hợp với điều kiện sinh thái nông nghiệp của địa phương.
Qua 3 năm triển khai Nghị quyết 04-NQ/TU của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp công nghệ cao, thông qua hoạt động khuyến nông, huyện đã tổ chức được 72 lớp tập huấn về kỹ thuật sản xuất thâm canh cây trồng, thu hút hơn 1.500 lượt hộ nông dân.
Toàn huyện đã xây dựng 22 mô hình trình diễn kỹ thuật thâm canh giống cây trồng, vật nuôi mới, gắn với 23 cuộc hội thảo đầu bờ, với gần 3.000 lượt nông dân tham gia.
Việc đưa nhiều giống lúa, ngô lai, đậu nành vào sản xuất, cũng như áp dụng nhiều khoa học kỹ thuật tiên tiến, năng suất ngô đã tăng từ 6,5 đến 9 tấn/ha và lúa tăng từ 5,8 tấn lên 8 tấn/ha, góp phần thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân của huyện đạt 13,8%/năm, giá trị sản xuất bình quân đạt 45 triệu đồng/ha đất canh tác.
Related news
Tại Hội thảo “Tìm giải pháp quản lý chất lượng tôm giống” do Tổng cục Thuỷ sản phối hợp với Hiệp hội Tôm giống Bình Thuận tổ chức mới đây, các đại biểu đều ủng hộ phương án phải kiểm tra chất lượng tôm giống bố mẹ từ nước ngoài.
Góp vốn, đất đai, cây thuốc... thành lập hợp tác xã (HTX) - cách làm này đã và đang giúp cho đồng bào Dao ở xã Ba Vì, huyện Ba Vì (Hà Nội) bảo tồn và phát triển những cây thuốc và bài thuốc quý.
Phân bón hữu cơ sinh học đang được nhiều doanh nghiệp ưu tiên đầu tư phát triển do phù hợp với nhiều loại đất, cây trồng, đồng thời an toàn cho môi trường cũng như người sử dụng...
Người tiêu dùng hiện đã quan tâm nhiều hơn đến các tiêu chuẩn về vệ sinh an toàn khi chọn thực phẩm cho gia đình. Các sản phẩm đạt chuẩn rau an toàn, VietGAP, GlobalGAP… đang được ưu tiên chọn mua.
Sau nhiều năm làm bạn với ong, giờ đây anh Trần Văn Phước (45 tuổi), thôn An Kim, xã Tịnh Giang, huyện Sơn Tịnh, Quảng Ngãi đang sở hữu một trang trại nuôi ong bề thế, mỗi năm mang về cho gia đình anh hơn 400 triệu đồng.