Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa

Phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa
Publish date: Wednesday. September 16th, 2015

Tiềm năng đất đai tương đối lớn như đất lâm nghiệp, đất trồng cây công nghiệp dài ngày và đất trồng cây ngắn ngày (lúa, ngô, khoai, sắn…) là điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Giá trị sản phẩm của ngành chăn nuôi hàng năm tăng khá trong cơ cấu ngành nông nghiệp.

Phát triển chăn nuôi nói chung và chăn nuôi bò nói riêng đã giúp người nông dân tăng thu nhập, giải quyết công ăn việc làm ổn định cho người lao động.

Đẩy mạnh phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, do việc mở rộng diện tích đất trồng cây công nghiệp dài ngày như cao su, hồ tiêu… phương thức chăn nuôi quảng canh chậm được cải tiến, đồng cỏ tự nhiên bị thu hẹp, cùng với đó là tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh và giá cả thị trưởng không ổn định, gây bất lợi cho người chăn nuôi dẫn đến nghề chăn nuôi bò trên địa bàn huyện phát triển chậm lại về quy mô và chất lượng đàn bò.

Trước thực trạng đó, huyện Gio Linh đã ra quyết định phê duyệt triển khai thực hiện Đề án “Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh, giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020” vào ngày 13/6/2014.

Mục tiêu của đề án là đẩy mạnh công tác cải tạo đàn bò theo hướng Zebu hóa bằng thụ tinh nhân tạo.

Đến năm 2015, đàn bò có khoảng 9.500 con (tỷ lệ bò lai Zebu 30%) và đến năm 2020, đàn bò có khoảng 12.000 con (tỷ lệ bò lai Zebu 50%), góp phần đưa tỷ trọng giá trị sản xuất ngành chăn nuôi trong ngành nông nghiệp đến năm 2015 chiếm 45% và năm 2020 chiếm 47%; xây dựng mô hình nuôi bò lai nhốt kết hợp với trồng cỏ; quy hoạch một số vùng, trang trại sản xuất bò giống để chủ động cung cấp giống cho các địa phương...

Anh Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Gio Linh cho biết: “Sự cần thiết phải triển khai thực hiện hiệu quả Đề án “Tiếp tục phát triển đàn bò theo hướng Zebu hóa trên địa bàn huyện Gio Linh, giai đoạn 2014 - 2015, định hướng đến năm 2020”, bởi vì bò vàng Việt Nam có tầm vóc và năng suất thấp, khi trưởng thành bò cái đạt khoảng 180kg và bò đực đạt khoảng 250kg.

Các giống bò có thể dùng để cải tiến đàn bò Việt Nam là nhóm bò Zebu.

Hiện ở nước ta đang có các giống bò Zebu như: Red Sindhi, Brahman đỏ… Dùng các bò đực giống nhóm bò Zebu lai với bò cái nội Việt Nam, bê lai ra đời sẽ có trọng lượng sơ sinh, tốc độ tăng trọng nhanh hơn hẳn bò nội Việt Nam. Khi trưởng thành bò cái lai đạt 280 - 300kg, bò đực lai đạt 400 - 450kg.

Trong xu thế ngày nay, hiệu quả kinh tế được người dân đặt lên hàng đầu, chính vì vậy chủ trương phát triển đàn bò lai rất phù hợp với tình hình và được người chăn nuôi trong huyện quan tâm. Với hiệu quả kinh tế mang lại cao gấp khoảng 1,5 lần so với giống bò nội, đây là điều kiện thuận lợi để người dân nâng cao thu nhập, cải thiện được đời sống”.

Trong thời gian qua, Huyện uỷ và UBND huyện Gio Linh rất quan tâm đến vấn đề cải tiến nâng cao tầm vóc của đàn bò vàng địa phương như tổ chức hội nghị triển khai đề án, bố trí kinh phí hỗ trợ và chỉ đạo các ngành chức năng tổ chức lồng ghép với các chương trình, dự án tổ chức hàng chục lớp tập huấn và đào tạo nghề cho người chăn nuôi.

Trong đó, đáng chú ý là các lớp tập huấn, đào tạo nghề về kỹ thuật chăn nuôi bò lai như đào tạo dẫn tinh viên kỹ thuật phối giống nâng cao tầm vóc đàn bò vàng Việt Nam thông qua việc thụ tinh nhân tạo với giống bò lai Red Sind, Brahaman… thiến bò đực cóc tránh việc lai đồng huyết thống.

Mạng lưới thú y từ huyện đến cơ sở được kiện toàn, hoạt động nền nếp. Hiện toàn huyện có 21 thú y trưởng, 133 thú y viên và 7 dẫn tinh viên, với nghiệp vụ chuyên môn từ sơ cấp trở lên, đáp ứng cơ bản công tác thú y cơ sở, kịp thời phát hiện, dập tắt dịch bệnh, bảo vệ an toàn dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm và chủ động công tác gieo tinh nhân tạo.

Theo số liệu thống kê của Phòng NN&PTNN huyện Gio Linh, số lượng bò lai tăng dần qua các năm, chất lượng đàn bò tăng lên. Năm 2013, số bò lai Zebu đạt 23% (1.836 con), năm 2014, số bò lai Zebu đạt 26,3% (2.373 con), tính đến 6 tháng đầu năm 2015, số bò lai Zebu là 850 con, đạt 100% kế hoạch tỉnh giao và đạt 70,8% kế hoạch của huyện (1.200 con).

Một số xã thực hiện tốt công tác Zebu hoá đàn bò như: Linh Hải, Gio An, Gio Phong, Gio Hoà, Hải Thái… Phương thức chăn nuôi bò từng bước được thay đổi, từ nuôi thả rong, tận dụng thức ăn tự nhiên chuyển dần sang nuôi bán chăn thả và nuôi nhốt, bổ sung thức ăn tinh, trồng cỏ, nuôi vỗ béo… nên đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho người chăn nuôi.

Anh Lê Văn Viễn, Trưởng phòng NN&PTNN huyện Gio Linh cho biết thêm, trong thời gian tới, huyện Gio Linh tiếp tục chỉ đạo các ngành chức năng, UBND các xã, thị trấn đưa việc phát triển đàn bò lai trên địa bàn trở thành một chỉ tiêu quan trọng trong phát triển kinh tế.

Bố trí kinh phí mua vật tư cần thiết phục vụ công tác thụ tinh nhân tạo; hỗ trợ bù lãi suất cho các hộ vay vốn ngân hàng để mua bò cái, mỗi hộ được vay 10 triệu đồng/con (tối đa 2 con). Triển khai hỗ trợ phát triển trồng các loại cỏ cao sản phục vụ cho chăn nuôi bò theo định mức đề án đã đề ra (5 triệu đồng/ha cỏ trồng).

Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích các hộ loại thải bò đực cóc, hưởng ứng công tác thụ tinh nhân tạo để tăng số lượng bê lai ra đời…

Tin rằng, với sự “trợ lực” đặc biệt của các cấp chính quyền, các cơ quan, đơn vị chức năng liên quan và sự nỗ lực của người chăn nuôi, huyện Gio Linh sẽ đẩy mạnh ngành chăn nuôi bò phát triển bền vững về quy mô và chất lượng, nâng cao hiệu quả, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người chăn nuôi.


Related news

Cần Sớm Thay Đổi Để Làng Nghêu Gò Công Phát Triển Bền Vững Cần Sớm Thay Đổi Để Làng Nghêu Gò Công Phát Triển Bền Vững

Sau thời gian nghêu chết hàng loạt trong những tháng đầu năm 2013, hiện nghêu nuôi ở vùng biển Tân Thành, huyện Gò Công Đông (Tiền Giang) đang phát triển bình thường.

Friday. September 20th, 2013
Giá Heo Hơi Tăng, Người Chăn Nuôi Có Lãi Giá Heo Hơi Tăng, Người Chăn Nuôi Có Lãi

15 ngày đầu tháng 9, giá bán heo hơi dao động từ 41.000 – 43.000đ/kg, giúp người chăn nuôi có lãi 1.000đ/kg – 3.000đ/kg so với vốn đầu tư con giống, chi phí thức ăn, thuốc tiêm phòng và công chăm sóc.

Friday. September 20th, 2013
Cần Có Qui Định Về Nuôi Cá Tra, Ai Vi Phạm Sẽ Phạt Cần Có Qui Định Về Nuôi Cá Tra, Ai Vi Phạm Sẽ Phạt

Sáng ngày 19/9, Hiệp hội cá tra Việt Nam có cuộc làm việc với UBND TP Cần Thơ về tình hình sản xuất cá tra trong những tháng đầu năm; bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người nuôi cá tra hiện nay.

Saturday. September 21st, 2013
Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả Nuôi Sò Huyết Xen Canh Khẳng Định Hiệu Quả

Thời gian qua, người dân Đầm Dơi (Cà Mau) khốn đốn mỗi khi tôm nuôi bị dịch bệnh. Nhưng nay họ đã tìm được mô hình nuôi ổn định, mang tính bền vững, đó là mô hình nuôi sò huyết thương phẩm xen canh với cua, tôm. Nhiều hộ nông dân ở xã Quách Phẩm khá lên từ mô hình này.

Saturday. September 21st, 2013
Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó Sản Xuất Rau An Toàn Vẫn Gặp Khó

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa có Chỉ thị về việc tăng cường quản lý sản xuất, tiêu thụ rau để đảm bảo an toàn thực phẩm. Tuy nhiên, vấn đề sản xuất rau theo hướng an toàn trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa vẫn gặp một số khó khăn.

Saturday. September 21st, 2013