Nhân Rộng Mô Hình Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn

Nhờ áp dụng tốt các biện pháp phòng, chống dịch bệnh tổng hợp quy mô xã nên đàn gia cầm ở xã Liên Sơn, huyện Tân Yên (Bắc Giang) luôn được bảo vệ an toàn.
Phong trào chăn nuôi gia cầm ở xã Liên Sơn phát triển mạnh nhiều năm nay với tổng đàn thường xuyên hơn 100 nghìn con. Thế nhưng, trước đây nhiều hộ chưa chú trọng áp dụng quy trình chăn nuôi an toàn sinh học.
Trước thực tế này, tháng 5-2013, bằng nguồn kinh phí của Trung ương hỗ trợ, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh xây dựng mô hình "Phòng chống dịch bệnh cho gia cầm quy mô xã” tại Liên Sơn. Khác với nhiều mô hình trước đây chỉ triển khai ở 1-2 thôn với ít hộ tham gia, mô hình lần này thực hiện đồng loạt ở nhiều thôn trong xã.
Để mô hình đạt hiệu quả cao, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư phối hợp với UBND xã chọn hộ, chọn điểm. Theo đó, tham gia mô hình có 150 hộ ở 5 thôn: Chấn Sơn, Húng, Đỉnh, Cả và Chung 1, bảo đảm các điều kiện như: có chuồng trại kiên cố, tách biệt với nhà ở, quy mô nuôi từ 300 con gà thương phẩm trở lên. Đồng thời tổ chức 4 lớp hướng dẫn quy trình chăn nuôi an toàn sinh học cho bà con. Các hộ được hỗ trợ giá vắc-xin, thuốc kháng sinh tổng hợp, thuốc diệt ký sinh trùng, vôi bột, thuốc sát trùng để vệ sinh chuồng trại; cấp miễn phí 1 quyển nhật ký ghi chép, 1 biểu thông tin về quy trình chăn nuôi an toàn sinh học treo trước cửa chuồng để thuận tiện áp dụng. Ngoài ra, Trung tâm cử 1 cán bộ chuyên môn trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật cho bà con theo hướng "cầm tay, chỉ việc”.
Ông Hoàng Văn Giang, thôn Chấn Sơn cho biết: "Gia đình tôi nuôi khoảng 2 nghìn con gà/lứa. Do được cán bộ khuyến nông trực tiếp hướng dẫn chi tiết về kỹ thuật chọn giống, nuôi dưỡng và phòng bệnh nên đàn gà phát triển tốt. Vừa qua, tôi xuất chuồng lứa gà thu lãi khoảng 30 triệu đồng. Năm tới, tôi tăng đàn lên 2,5-3 nghìn con/lứa”.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Xuân Phú, Chủ tịch UBND xã thì mô hình phòng, chống dịch bệnh tổng hợp cho gia cầm quy mô xã đã mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn hẳn so với phương pháp nuôi truyền thống. Đàn gia cầm của tất cả các hộ tham gia mô hình đều lớn nhanh, không bị dịch bệnh, tỷ lệ sống đạt 98%. Sau 4-5 tháng nuôi, gà đạt trọng lượng 2,2-2,5 kg/con. Đặc biệt, thông qua mô hình này người dân nắm chắc quy trình chăn nuôi an toàn sinh học áp dụng vào sản xuất, tăng thu nhập và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Related news

Chuyển đổi từ trồng lúa độc canh sang ương cá giống, cá kiểng, anh Nguyễn Văn Đực Nhỏ, sinh năm 1964 tại xã Nhị Mỹ (Cai Lậy, Tiền Giang) đã vươn lên ổn định cuộc sống.

Trang trại của gia đình anh Phạm Văn Quang ở thôn Thượng Hải, xã Bình Lãng (Tứ Kỳ) có 3 dãy chuồng rộng gần 1.500 m2, thường xuyên nuôi khoảng 2.500 con gà CP lấy trứng thương phẩm. Đầu năm 2012, Trạm Khuyến nông Tứ Kỳ phối hợp với Viện Chăn nuôi quốc gia (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) triển khai xây dựng mô hình nuôi gà Lương Phượng thuần chủng sinh sản trên địa bàn huyện.

Khoảng gần 2 tháng trở lại đây, người chăn nuôi xã Xuân Tình, huyện Lộc Bình (Lạng Sơn) phải chống chọi với một loại bệnh xuất hiện ở lợn mà người dân nơi đây gọi là bệnh nghệ đã làm lợn chết hàng loạt. Theo người dân, biểu hiện ban đầu của bệnh là lợn bỏ ăn, ho, tiêu chảy, vàng da và cuối cùng dẫn đến chết. Tốc độ lây lan của bệnh nhanh đến mức chóng mặt đã gây thiệt hại lớn về tài sản của người dân.

Từ một nông dân lam lũ, ông Nguyễn Văn Nam (62 tuổi), ở xã Nhơn Thọ, thị xã An Nhơn, Bình Định) đã trở thành tỷ phú. Biến đồi hoang thành trang trại chăn nuôi, gia đình ông đạt mức thu nhập hàng tỷ đồng mỗi năm…

Nhìn chung, tình hình sản xuất ngư, nông, lâm nghiệp phát triển tương đối ổn định. Giá tôm nguyên liệu ở mức cao. Sản xuất ngày càng được chú trọng theo hướng đa cây, đa con. Công tác phòng, chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được chú trọng và thực hiện nghiêm túc.