Phát hiện nhiều vụ dùng chất cấm tăng trọng lợn
Dư lượng chất cấm gấp nhiều lần cho phép
Theo kết quả của Thanh tra Bộ NNPTNT, qua làm việc với TP. Hồ Chí Minh, kiểm tra 227 mẫu nước tiểu lợn ở 55 hộ giết mổ, phát hiện 31 mẫu dương tính với sbutamol từ l80ppb – 1.300ppb, cao gấp nhiều lần so với quy định. Tại Đồng Nai, qua kiểm tra 44 trại, các cơ quan chức năng cũng phát hiện 14 trang trại có lợn dương tính với sbutamol.
Các cơ quan chức năng trong đợt kiểm tra này còn phát hiện thêm ở nhiều địa bàn khác nhau như Tiền Giang 25 mẫu, Bến Tre, 4 mẫu, Tây Ninh 2 mẫu dương tính với sbutamol.
Buổi họp báo chiều 31.8 nóng nhất là thông tin sử dụng chất cấm tăng trọng lợn.
Cùng với việc kiểm tra ở các trang trại, các cơ quan chức năng cũng triển khai truy xuất nguồn gốc sử dụng chất cấm liên quan tới một số công ty lớn. Cụ thể, với lô lợn của Công ty Anco (Đồng Nai) khi xuất bán cho thương lái về TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện chứa chất cấm nhưng công ty này cho rằng không xuất bán cho thương lái trên.
Kết quả kiểm tra cho thấy, công ty Anco có 95.000 con lợn, mỗi tháng xuất 14.000 con và công ty này cũng đã thừa nhận những thiếu sót trong xuất bán và giám sát sau xuất bán lợn, đồng thời sẽ cung cấp thông tin, phối hợp với các cơ quan chức năng để truy xuất được nguồn gốc chất cấm.
Ngoài ra, còn một doanh nghiệp lớn khác cũng bị Chi cục Thú y TP. Hồ Chí Minh phát hiện 2 lô lợn có chất cấm là Công ty CP. Hiện các cơ quan chức năng cũng đã đề nghị Công ty CP cung cấp tài liệu, hồ sơ về 2 trai lợn của của hộ Nguyễn Viết Anh và Lê Giang Lam ở Bầu Cạn (Long Thành) xuất về TP. Hồ Chí Minh bị phát hiện chất cấm để làm rõ sự việc.
Tại Vĩnh Long, các cơ quan chức năng cũng phát hiện một lô thức ăn bổ sung hàm lượng chất cấm rất cao, lên tới 3,16 ppm; có hai công ty phân phối là Cường Phát và Bắc Âu Mỹ. Qua kiểm tra tại Công ty thuốc thú y Thủy sản Cường Phát ở Phú Sơn (Đồng Nai) đã lập biên bản hành chính và phát hiện thêm 10 sản phẩm thức ăn bổ sung không có trong danh mục của công ty này. Còn đối với Công ty Bắc Âu Mỹ hiện đã đóng cửa, các cơ quan chức năng đang tiếp tục điều tra, làm rõ.
Chạy theo lợi nhuận, bất chấp đạo lý
Theo đánh giá của Thanh tra Bộ NNPTNT, những trang trại chăn nuôi nhỏ từ 100 đến dưới 200 con lợn, chất lượng con giống thường rất thấp nên thường đưa chất cấm vào sử dụng nhằm thu lời bất chính; hiện còn xảy ra trường hợp một số cá nhân, thương lái thường thuê trang trại, mua lợn của các công ty xuất chuồng về để vỗ béo.
Sau khi nuôi từ 10-30 ngày sẽ tăng trọng thêm 20-30kg nên thường có tổng trọng lượng tới 130-140kg. Trừ hết chi phí, mỗi đầu lợn có lời từ 500 đến 1 triệu đồng chỉ sau 1 tháng. Mặt khác, còn tồn tại một số thức ăn chăn nuôi bổ sung cũng chứa chất cấm được đưa xuống bán trực tiếp cho các trang trại nhỏ lẻ.
“Hiện nay, người dân thường sử dụng 3 chất cấm chính, trong đó chủ yếu là chất sbutamol, các chất này ngành nông nghiệp đã cấm nhưng ngành y tế vẫn sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn, nên rất khó cho công tác kiểm soát và quản lý. Do đó, rất cần Bộ Y tế có giải pháp tăng cường việc kiểm soát nhập khẩu, quản lý và sử dụng chất này”. Ông Nguyễn Xuân Dương.
Theo ông Phạm Tiến Dũng – Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT), sự vào cuộc của các địa phương rất chậm. “Vì lợi nhuận, người chăn nuôi vẫn đưa chất cấm vào nhằm tăng trọng lợn, mà các chất này sẽ về lâu dài sẽ gây ra nhiều bệnh tật cho người tiêu dùng, đây là sự việc đáng báo động cần xử lý nghiêm minh”- ông Dũng nói.
Trả lời câu hỏi của phóng viên tại buổi họp báo về nguyên nhân vì sao tình trạng sử dụng chất cấm tiếp tục bùng phát trở lại trong thời gian qua, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NNPTNT) cho biết: Đầu tiên là phải kể tới việc giá các sản phẩm chăn nuôi cao, người nuôi lợn có lúc bán được 57.000-58.000 đồng/kg lợn hơi. Lợi nhuận cao càng thôi thúc nhiều người sử dụng chất cấm để tăng trọng nhanh; ngoài ra, áp lực của thương lái luôn muốn ép người chăn nuôi nhỏ lẻ sử dụng để có tỉ lệ nạc cao, mẫu mã hấp dẫn cho thực phẩm, dễ tiêu thụ; bên cạnh đó, một số địa phương cũng sao nhãng việc kiểm tra, kiểm soát tình trạng sử dụng chất cấm.
Cũng theo ông Dương, hiện vấn đề tồn dư kháng sinh trong chăn nuôi thủy sản là nội dung được Bộ trưởng Bộ NNPTNT rất quan tâm và chỉ đạo quyết liệt. “Nhiều người chỉ vì thu lợi bất chính mà gây hại cho người thân, dòng tộc và tạo ra cạnh tranh không lành mạnh với người chăn nuôi chân chính. Theo tôi, giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền là rất quan trọng, cần lên án ở cả hai khía cạnh cả về đạo lý và pháp lý”- ông Dương nhấn mạnh.
Hiện Cục Chăn nuôi đang đề xuất sửa đổi để đơn giản hóa quá trình kiểm tra, qua đó có thể áp dụng dùng que thử phát hiện nhanh chất cấm trong nước tiểu lợn để phát hiện và sàng lọc thật nhanh trước khi gửi mẫu về các trung tâm kiểm nghiệm. Mặt khác, để xử lý hình sự theo quy định rất khó đánh giá được “gây hậu quả nghiêm trọng”, do chất cấm ăn vào không chết ngay nên Cục Chăn nuôi cũng đang kiến nghị sửa đổi Luật Hình sự để xử lý nghiêm hành vi sử dụng chất cấm.
Related news
Khi cho đàn heo ăn xong, vợ chồng anh Vương đi rẫy hái ớt. Khoảng 4 tiếng đồng hồ sau, vợ chồng anh về đến nhà thì tá hỏa đàn heo đang khỏe mạnh bỗng nhiên chết bất thường. Vốn liếng gia đình đầu tư vào đàn heo bị mất trắng.
Nhiều loại trái cây ở nước ngoài vốn mọc hoang dã trong tự nhiên, hoặc được trồng để làm cảnh, nhưng khi về Việt Nam lại được săn lùng và bán với giá cả triệu đồng một kg.
Mấy tuần gần đây, trên địa bàn hai huyện biên giới Tri Tôn, Tịnh Biên (An Giang) xuất hiện nhiều nhóm người đến gạ gẫm đồng bào dân tộc Khmer đào cây thốt nốt để bán cho họ, sau đó vận chuyển cây ra Bắc rồi bán sang Trung Quốc.
Gần một trăm hộ nuôi cá lồng trên sông ở Hà Tĩnh bỗng chốc "trắng tay" vì cá chết hàng loạt sau đợt mưa lũ vừa qua. Theo thống kê ban đầu, tổng thiệt hại hơn 6 tỉ đồng.
Trong suốt một tuần qua (từ cuối tháng 9 đến nay - 4.10), hàng trăm hộ dân vùng chè Cầu Đất (Xuân Trường, Đà Lạt, Lâm Đồng) - vùng trà ô long số một của Việt Nam, phải chạy đôn chạy đáo khắp nơi tìm nơi tiêu thụ chè ô long nguyên liệu.