Phải GlobalGAP Mới Xuất Khẩu Được?
Hiện có nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp thực hiện quy trình thực hành nông nghiệp tốt (GAP). Đây là điều cần thiết trong sản xuất nông nghiệp hiện đại. Tuy nhiên, 2 tiêu chuẩn VietGAP (thực hành nông nghiệp tốt theo tiêu chuẩn Việt Nam) và GlobalGAP (thực hành nông nghiệp tốt tiêu chuẩn toàn cầu) có mức chênh lệch về đầu tư khá lớn, khiến nhiều nông dân rất đắn đo khi áp dụng.
Không chỉ nông dân lúng túng mà ngay cả những doanh nghiệp chuyên xuất khẩu hàng nông sản cũng loay hoay trước những nhu cầu của các thị trường trong việc đòi hỏi VietGAP hay GlobalGAP.
* VietGap vẫn đáp ứng thị trường khó tính
Theo tính toán, chi phí để có được chứng nhận cho 10 hécta vườn cây ăn trái theo tiêu chuẩn VietGAP lên đến hơn 100 triệu đồng. Nếu là GlobalGAP, con số này phải cao gấp đôi. Chứng nhận này lại chỉ có hiệu lực trong vòng 1 năm, vì vậy nhà vườn khá tốn kém.
Ông Nguyễn Văn Thịnh, chủ một trang trại xoài ở huyện Vĩnh Cửu, cho biết nhiều đơn vị tư vấn vẫn khuyên ông nếu nhắm đến sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường khó tính cần phải sản xuất theo GlobalGAP. Tuy vậy, chi phí cho sản xuất theo GlobalGAP khá cao, không phải nhà vườn nào cũng theo nổi.
Điều này cũng được ông Nguyễn Thế Bảo, Chủ nhiệm Hợp tác xã (HTX) Suối Lớn ở huyện Xuân Lộc chuyên sản xuất xoài đồng tình. HTX Suối Lớn được Nhà nước hỗ trợ ứng dụng cả VietGAP (14 hécta) và GlobalGAP (9,5 hécta). Sau khi hết hạn, HTX cũng không làm chứng nhận lại nữa, bởi tái công nhận hết diện tích nói trên phải mất tới vài trăm triệu đồng. Phương án của HTX là vẫn thực hiện theo quy trình sản xuất đó nhưng không xin chứng nhận để tiết kiệm chi phí.
Tại hội thảo kết nối sản xuất nông nghiệp giữa Việt Nam và Nhật Bản diễn ra vào tháng 11 vừa qua tại TP.Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Hữu Đạt, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch thực vật sau nhập khẩu 2, cho hay các thị trường khó tính, như: Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Úc nhập khẩu hàng nông sản của Việt Nam chỉ cần đến tiêu chuẩn VietGAP.
Ông Đạt nói: “Những chương trình chứng nhận và tiền chứng nhận hợp tác giữa cơ quan bảo vệ thực vật ở các quốc gia nói trên, chỉ cần các sản phẩm đạt tiêu chuẩn về dịch hại như quy định và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm. Trên cơ sở đó, quy trình VietGAP cũng đã đáp ứng được các tiêu chẩn đó”. Khi áp dụng VietGAP, thuận lợi là nông dân không phải chịu chi phí quá cao như GlobalGAP. Nếu xuất khẩu sang châu Âu mới cần đến GlobalGAP.
* Mã số thay giấy chứng nhận
Cũng theo ông Đạt, việc sản xuất hàng nông sản rau, củ, quả để xuất khẩu sang thị trường, như: Mỹ, Nhật Bản hay Hàn Quốc hiện nay cũng không cần đến giấy chứng nhận VietGAP mà chỉ cần mã số của các HTX hoặc tổ chức mà người nông dân tham gia quy trình VietGAP là được.
Thực chất, các quốc gia này yêu cầu là sản phẩm có nguồn gốc và an toàn vệ sinh thực phẩm, nên thực hiện những nội dung của thao tác sản xuất nông nghiệp tốt được áp dụng trong sản xuất là đủ. Ông Đạt cho biết thêm, cơ quan chuyên môn của ông cùng với các chuyên gia ngành bảo vệ thực vật nước ngoài khi kiểm tra thấy nơi có đăng ký thực hiện đúng theo quy trình của thực hành nông nghiệp tốt sẽ cấp mã số cho nơi đó. Điều này giúp giảm chi phí tối đa cho người nông dân.
Ông Trần Xuân Nguyên, Phó giám đốc Công ty xuất khẩu nông sản A.T.Foods (tại TP.Hồ Chí Minh), cho hay việc giảm chi phí cho nông dân sản xuất nhưng vẫn đảm bảo yêu cầu xuất khẩu sang các thị trường khó tính sẽ giúp nông sản Việt Nam cạnh tranh tốt hơn.
Theo ông Nguyên, trái cây tươi có giá trị rất cao tại nhiều thị trường. Đơn cử 1kg chôm chôm xuất sang thị trường bình thường chỉ có 1,5 USD, còn xuất sang thị trường khó tính lên tới 5 USD.
Nguồn bài viết: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/201412/phai-globalgap-moi-xuat-khau-duoc-2358064/
Related news
Giá đường được hỗ trợ bởi thông tin thời tiết bất lợi tại các nước sản xuất đường hàng đầu thế giới.
Trồng xen canh dưới tán cây vườn, không cần chăm sóc, bón phân nhưng chỉ sau vài tháng, người dân núi Cấm kiếm được cả chục triệu đồng.
Thông thường vào thời điểm giáp hạt, giá sản phẩm thường cao, nhưng với cà phê năm nay lại khác. Đến nay, chuẩn bị vào mùa thu hoạch cà phê mới (khoảng cuối tháng 10 tới) nhưng giá vẫn ở mức thấp.
Cá ngừ là mặt hàng xuất khẩu lớn của Việt Nam chỉ đứng sau cá tra và tôm. Trong năm 2014, kim ngạch xuất khẩu cá ngừ đạt trên 400 triệu USD.
Sáng (22/9), Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) phối hợp cùng tổ chức hội thảo Xây dựng thương hiệu quốc gia gạo Việt Nam.