Nuôi Vịt Đẻ Siêu Trứng - Đầu Tư Đúng Hướng
Xuất thân là một nông dân, cựu chiến binh Phan Ngọc Vui (thôn Thủ Lễ, xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, Thừa Thiên Huế) thử sức với nhiều mô hình làm ăn nhưng đều không mấy hiệu quả. Gần đây, tính toán lợi ích, ông bàn với vợ phát triển chăn nuôi vịt lang cạnh trắng. Ban đầu, ông phát triển đàn vịt theo hướng lấy thịt và bán trứng.
Ông mua những loại cám chất lượng cao và có chế độ ăn hợp lý cho đàn vịt giống. Để năng suất, chất lượng trứng tốt, cứ 2 năm ông lại thay vịt giống một lần.
Ông Vui tâm sự: “Nuôi vịt đẻ không khó nhưng đòi hỏi người nuôi phải có kỹ thuật, chú ý từ khâu chọn giống đến chăm sóc và đặc biệt là cách phòng trừ dịch bệnh”. Với kinh nghiệm tích lũy từ trước, đàn vịt của gia đình ông chưa gặp dịch bệnh gây ảnh hưởng nhiều đến số lượng, tỷ lệ vịt đẻ luôn đạt trên 90%. Hiện nay, gia đình ông nuôi trên 500 con vịt đẻ, mỗi ngày thu hơn 450 quả trứng.
Với mức giá trung bình từ 3.000 đồng đến 4.000 đồng/quả, mỗi năm gia đình ông thu trên 100 triệu đồng từ nuôi đàn vịt đẻ. Trứng vịt tại trang trại nhà ông Vui to và đều quả. Ông Vui chia sẻ: “Do gia đình sử dụng giống vịt siêu trứng, chú ý đến khâu chọn giống và chế độ chăm sóc nên trứng rất to, chất lượng giống cũng tốt hơn”.
Về chặng đường làm giàu gian nan, ông Vui nhớ lại: “Ban đầu, tôi gặp không ít khó khăn do thiếu vốn, thiếu kiến thức chăn nuôi. Nhờ sự giúp đỡ của anh em, bạn bè, tôi tiến hành vay thêm 20 triệu đồng của Ngân hàng NN&PTNT và thông qua kênh Hội Cựu chiến binh, chúng tôi vay 60 triệu đồng, đầu tư xây dựng chuồng trại chăn nuôi, tạo nguồn thu nhập ổn định cho gia đình.
Vừa xây dựng chuồng trại, tôi vừa tích cực học hỏi kinh nghiệm của các hộ gia đình trong xã, tìm hiểu thêm kỹ thuật chăm sóc, phòng chống bệnh dịch trên đàn gia cầm qua sách báo, các phương tiện thông tin”. Mấy năm trở lại đây, gia đình ông đầu tư 150 triệu đồng mua máy ấp trứng tạo sự quay vòng trong chăn nuôi”.
Để bảo đảm cho việc ấp nở, ông xây dựng khu chuyên phục vụ cho việc ấp trứng với hệ thống 3 lò ấp công suất 10.000 trứng/lò và khu chuẩn bị trước khi vịt nở. Đồng thời, ông quan tâm đến việc nghiên cứu đầu tư nâng cao chất lượng con giống. Nhờ kỹ thuật chăn nuôi tốt, ý thức vệ sinh phòng dịch chu đáo, tích cực áp dụng các biện pháp phòng trừ dịch bệnh, tuân thủ các quy trình sản xuất nên quy mô kinh doanh càng lúc càng mở rộng.
Ông Vui phấn khởi: “Mỗi ngày đàn vịt đều đặn cho hơn 450 quả/ngày. Sau khi thu, trứng được chuyển vào lò trữ trứng tươi. Do có uy tín từ lâu nên vịt con ra lò đến đâu đều được thương lái tới tận nơi thu mua, nhiều khi khách phải đặt trước mới có hàng. Hiện nay, một con vịt giống có giá khoảng 7-8 nghìn đồng, chỉ tính riêng việc ấp trứng mỗi tháng gia đình anh thu nhập từ 5 triệu đồng đến 6 triệu đồng/tháng”.
Ông Phan Mậu Dư, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Quảng Phước nhận xét: Do bản tính của cựu chiến binh là cần cù, chịu khó, cộng với niềm đam mê làm giàu nên ông Vui đã có những đầu tư đúng hướng trong phát triển kinh tế. Ông Vui còn là người rất năng nỗ trong tham gia các phong trào của đoàn thể và địa phương.
Related news
Bà Nông Thị Vì - người dân tộc Tày, ở thôn Nà Chạp, xã Quang Thuận, huyện Bạch Thông (Bắc Kạn) đã góp phần xây dựng nên thương hiệu “Quýt ngọt” nức tiếng.
Là một cù lao trên sông Tiền, được phù sa bồi đắp, xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy có lợi thế để phát triển vườn chuyên canh cây ăn trái.
Theo Công ty TNHH Một thành viên Bò sữa TP.HCM (thuộc Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn), nhằm tạo sự gắn kết giữa công ty và người chăn nuôi, sau khi hoàn thành xây dựng nhà máy chế biến sữa bò Củ Chi, công ty sẽ cho cổ phần hóa và bán cổ phần cho nông dân.
Ngoài nhiệm vụ tuần tra, giám sát hoạt động nghề cá, bảo vệ chủ quyền, những năm qua Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Quảng Trị còn hoàn thành tốt công tác cứu hộ, cứu nạn trên biển.
Nửa năm trở lại đây, nhiều thương lái Trung Quốc không ngại chi tiền để mua một số nông sản non của Việt Nam với giá cao.