Nuôi Vịt Biển Mô Hình Sản Xuất Hiệu Quả, Cần Nhân Rộng

Là xã ven biển có diện tích mặt nước mặn, lợ chiếm phần lớn tổng diện tích tự nhiên, Đồng Rui có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển nghề nuôi thuỷ cầm. Những năm qua, người dân xã đã tích cực tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm và mạnh dạn đưa giống vịt biển vào nuôi. Hiện nuôi vịt biển đã trở thành một trong những mô hình kinh tế mang lại nguồn thu lớn cho bà con ở đây.
Dẫn chúng tôi tham quan một số mô hình nuôi vịt biển trên địa bàn xã, ông Kiều Văn Nguyệt, Chủ tịch Hội Nông dân xã, cho biết: Vịt biển là loại thuỷ cầm có giá trị kinh tế cao, chịu dịch bệnh tốt, thích nghi được ở môi trường nước ngọt, mặn và lợ. Loài này không cần vốn đầu tư nhiều, có thể tận dụng nguồn thức ăn tự nhiên giàu dưỡng chất, nên tỷ lệ đẻ trứng rất cao.
Với những ưu điểm nổi trội như vậy, nhiều hộ dân ở đây đã nuôi vịt biển trong môi trường xen lẫn nước mặn, lợ, cùng nhiều loài thuỷ cầm khác. Hiện xã phát triển đàn vịt biển hơn 10.000 con (chiếm trên 90% số thuỷ cầm của xã), sản lượng trứng từ 7.000-8.000 quả/tháng.
Gia đình bà Phạm Hải Nhạn (thôn Thượng) là một trong những hộ đầu tiên ở Đồng Rui nuôi vịt biển. Thí điểm nuôi 200 con giống từ năm 2004, đến nay, đàn vịt biển của gia đình bà có xấp xỉ 3.000 con, thu nhập từ 300-400 triệu đồng/năm. Bà Nhạn cho biết, so với những loài thuỷ cầm khác, vịt biển là loài có giá trị kinh tế cao.
Do sống ở khu vực thuỷ triều, nên môi trường sống của vịt biển lúc nào cũng sạch sẽ, ít bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh. Loài này sinh trưởng, phát triển nhanh, có thể đẻ trứng chỉ sau 5-6 tháng nuôi với sản lượng từ 240-245 quả/con/ năm. Hiện vịt biển thương phẩm và trứng vịt là một trong những nguồn thu nhập chính của gia đình bà.
Nhận thấy vịt biển có đặc điểm sinh trưởng, phát triển phù hợp với điều kiện của địa phương, tháng 7 vừa qua, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã triển khai thí điểm mô hình hỗ trợ chăn nuôi vịt biển cho 8 hộ dân tại Đồng Rui. Đây là mô hình thuộc Dự án “Xây dựng mô hình sản xuất giống gia cầm cho các tỉnh phía Bắc giai đoạn 2014-2016”, nhằm mục tiêu nâng cao năng lực sản xuất con giống, đảm bảo chủ động nguồn giống tại chỗ cho người chăn nuôi.
Tham gia mô hình, mỗi hộ được cung ứng 125 con vịt biển giống, hỗ trợ 50% kinh phí thức ăn và thuốc thú y; được hướng dẫn áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Ông Lương Văn Lạp (thôn Hạ) cho biết: “Một vài năm trở lại đây, nuôi vịt biển bắt đầu phát triển rầm rộ, nên nhu cầu về con giống rất lớn. Tuy nhiên, xã chưa có cơ sở nào sản xuất được nguồn giống đảm bảo tiêu chuẩn để cung ứng cho người dân.
Từ sự hỗ trợ của Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh, gia đình tôi đang nuôi thử nghiệm 125 con vịt biển để nhân giống. Sau hơn 4 tháng, hiện đàn vịt phát triển khá nhanh và khoẻ mạnh, trọng lượng từ 1,7-2kg/con. Với tốc độ phát triển như hiện nay, khoảng một tháng nữa, đàn vịt sẽ đẻ bói lứa đầu tiên. Như vậy, việc nhân giống thành công sẽ giúp người dân có con giống đảm bảo chất lượng, đồng thời tạo cơ sở để nghề nuôi vịt biển ngày càng được nhân rộng”.
Từ hiệu quả thực tế có thể khẳng định, nuôi vịt biển không chỉ là mô hình mang lại nguồn thu nhập cao, ổn định cho người dân, mà còn khai thác tốt những tiềm năng sẵn có của Đồng Rui. Thời gian tới, xã cần tập trung nhân rộng mô hình này nhằm tạo sự ổn định trong chăn nuôi, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.
Nguồn bài viết: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201411/nuoi-vit-bien-mo-hinh-san-xuat-hieu-qua-can-nhan-rong-2248539/
Related news

Là một trong những địa bàn trọng điểm nuôi thuỷ sản của tỉnh, thời gian qua, UBND huyện Giao Thủy đã chỉ đạo các ngành, các địa phương tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển thuỷ sản của tỉnh giai đoạn 2010-2020 và đạt kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế biển nói riêng và kinh tế - xã hội huyện nói chung.

Khi nói về kết quả nghề nuôi cá ở địa phương, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê cho biết: Hiện nay Tuy Lộc có gần 100ha chuyên nuôi thủy sản, chủ yếu chuyển đổi từ đất ruộng sang làm ao nuôi, bà con áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến nên cho năng suất bình quân gần 3 tấn/ha.

Đối với các tỉnh có diện tích điều lớn, là cây trồng chủ lực (Bình Phước, Đồng Nai), Hiệp hội Điều Việt Nam đề nghị sở NN-PTNT các địa phương này tham mưu để đưa việc phát triển ngành điều vào Nghị quyết Đại hội Đảng, làm cơ sở chính trị để thúc đẩy ngành điều phát triển.

Đó là dẫn chứng được bà Nguyễn Thị Thanh Hòa - Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, nêu ra để nói về những tồn tại trong vấn đề bình đẳng giới và trao quyền cho người phụ nữ, nhất là phụ nữ nông thôn.

Nói đến sự biến động về giá gà lông màu, không nơi nào nhạy cảm hơn thủ phủ gà đồi Bắc Giang. Gặp người chăn nuôi tại những vùng gà lớn như Yên Thế, Tân Yên, Lục Ngạn, Lục Nam, chúng tôi cảm nhận rõ sự ngỡ ngàng, nuối tiếc của người chăn nuôi khi giá gà đột ngột lao dốc không phanh.