Home / Tin tức / Mô hình kinh tế

Nhìn Lại 10 Năm Phát Triển Thủy Sản Ở Cẩm Khê

Nhìn Lại 10 Năm Phát Triển Thủy Sản Ở Cẩm Khê
Publish date: Monday. October 20th, 2014

Khi nói về kết quả nghề nuôi cá ở địa phương, đồng chí Bí thư Đảng ủy xã Tuy Lộc, huyện Cẩm Khê cho biết: Hiện nay Tuy Lộc có gần 100ha chuyên nuôi thủy sản, chủ yếu chuyển đổi từ đất ruộng sang làm ao nuôi, bà con áp dụng kỹ thuật nuôi tiên tiến nên cho năng suất bình quân gần 3 tấn/ha.

Trong đó có nhiều hộ nuôi cá chép đỏ làm cá cảnh, bán vào dịp tết 23 tháng Chạp, nuôi cá giống  rất hiệu quả. Đây là xã duy nhất sản xuất thứ cá chép đỏ đặc sản  bán khắp trong Nam, ngoài Bắc, riêng lượng cá giống lên tới gần 100 triệu con nên nguồn thu từ chăn nuôi cá của Tuy Lộc mỗi năm gần chục tỷ đồng.

Cùng với trồng rau, chăn nuôi, làm mộc nuôi cá trở thành trụ cột kinh tế ở địa phương. Trái với Tuy Lộc, khi trao đổi về tình hình phát triển thủy sản của địa phương, ông Chủ tịch UBND  xã Điêu Lương, cũng là một xã có diện tích nuôi cá khá lớn lại bùi ngùi: Nuôi cá hàng năm mới chỉ góp phần giải quyết việc làm, thu nhập khá hơn trồng lúa chút ít. Đây là thực trạng của bức tranh phát triển thủy sản ở Cẩm Khê nơi có diện tích nuôi, thả lớn nhất tỉnh.

Do đầu tư hạn chế, nuôi cá truyền thống nên năng suất thủy sản ở Cẩm Khê mới đạt bình quân trên 2 tấn/ha.

Ngay từ những năm 2000 Đảng bộ, chính quyền huyện Cẩm Khê đã xác định thủy sản là trụ cột kinh tế của địa phương. Phát huy tiềm năng mặt nước ao, đầm, ruộng một vụ, rồi thế mạnh về khả năng sản xuất, cung ứng con giống, nuôi cá đặc sản lúc ấy Cẩm Khê chủ trương  mở rộng quy mô diện tích nuôi cá để tăng sản lượng thủy sản.

Đến khi tỉnh có chủ trương đưa thủy sản thành chương trình nông nghiệp trọng điểm đã tạo cơ hội cho nhiều xã phát triển. Giai đoạn từ 2005-2007 hầu hết những xã quanh khu vực đầm, nơi có nhiều ruộng một vụ người ta khẩn trương dồn đổi ruộng đất, cải tạo để làm ao; rồi nhận thầu hồ, đầm để nuôi, thả cá.

Trong thời gian ngắn diện tích nuôi cá từ quy mô dưới 1.000ha đã vọt lên gần gấp đôi, hiện nay toàn huyện có xấp xỉ 1.900ha nuôi thủy sản, chiếm 1/5 diện tích cả tỉnh. Hầu như xã nào cũng có ao, đầm nuôi cá nhưng tập trung nhiều nhất là khu vực Điêu Lương, Văn Khúc, Sơn Tình, Thanh Nga, Thụy Liễu, Tuy Lộc…

Hiện nay diện tích nuôi thủy sản của Cẩm Khê đã bằng gần 20% diện tích cả tỉnh, trong đó diện tích chuyên nuôi có 1.200ha, diện tích hồ thủy lợi 230ha, còn lại là nuôi tận dụng ruộng một lúa, một cá. Số liệu thống kê chưa đầy đủ, trung bình vài năm qua, sản lượng tôm, cá của huyện đạt khoảng xấp xỉ 5.000 tấn. Nhờ có chính sách khuyến khích phát triển mà quy mô diện tích tăng mạnh, tiến bộ kỹ thuật được áp dụng đã làm thay đổi đáng kể nghề nuôi, thả cá ở Cẩm Khê.

Một số vùng như Văn Khúc, Điêu Lương, Thanh Nga, Văn Bán, Xương Thịnh, Sơn Tình… trước đây vốn khó khăn trong sản xuất lương thực, thông qua chuyển đổi sang nuôi, thả cá đã tạo thành lợi thế, giúp nhiều hộ dân thoát nghèo. Những tập quán nuôi thả truyền thống, lạc hậu, năng suất thấp đã dần được thay thế bằng kỹ thuật tiên tiến; nhiều diện tích nuôi đã đạt năng suất 3-4 tấn/ha; một số hộ đầu tư nuôi cá đặc sản cho thu nhập hàng tỷ đồng/ năm.

Song bên cạnh những kết quả trên, chương trình phát triển thủy sản ở Cẩm Khê cũng bộc lộ những hạn chế. Trước hết là quy mô sản xuất nhỏ lẻ, đầu tư thiếu đồng bộ. Mặc dù là huyện sớm phát triển, nhiều xã nuôi thành vùng tập trung nhưng nhìn chung vẫn mang tính nhỏ lẻ, ít đầu tư bài bản, phụ thuộc nhiều tự nhiên. Những xã ở  xung quanh đầm Láng Chương, Đồng Mèn, Thanh Nga, Xương Thịnh, Tuy Lộc… chủ yếu tận dụng mặt nước cũ, cải tạo đắp bờ, chia lô mà chưa có hệ thống cấp, thoát nước.

Ông Lê Văn Minh, Chủ tịch UBND xã Điêu Lương  - nơi có trên 150ha nuôi thả cá, xã đi đầu dồn đổi ruộng đất làm ao cho biết: Do vướng mắc trong rào cản quy mô ruộng đất, cộng với khả năng hạn chế về vốn nên hộ nào khá mới có gần một mẫu, phần nhiều 3-4 sào ao nuôi cá. Đã thế hệ thống nuôi chủ yếu đào ao, vượt thổ, tận dụng thế trũng làm nơi nuôi chưa có hệ thống cấp, thoát nước đồng bộ nên  vùng nuôi phân tán, nuôi vài ba năm là gặp tình trạng ô nhiễm, cá mắc bệnh, chậm lớn.

Với cách nuôi phân tán, nhỏ lẻ, mang tính tận dụng mặt nước chỉ phát huy hiệu quả khi thời tiết thuận hòa, một vài năm đầu môi trường chưa ô nhiễm; về lâu dài gặp khi thời tiết khô hạn, lũ lụt là bất khả kháng.

Đặc biệt do ô nhiễm môi trường, hiện nay nhiều khu vực nuôi cá xuất hiện bệnh, dịch cá bị bệnh chết nhiều, nuôi chậm lớn. Cũng do quy mô nhỏ chưa tạo thành vùng hàng hóa tập trung nên giải quyết đầu ra cho sản phẩm còn bị động, chủ yếu bán lẻ, qua tư thương nên giá bán thấp, từ đó hiệu quả không cao.

Vấn đề nữa là kỹ thuật nuôi còn hạn chế. Mặc dù phải đầu tư kinh phí khá lớn đào ao, mua cá giống, sắm ngư cụ… nhưng do hạn chế khả năng kinh tế nên số hộ làm chủ kỹ thuật nuôi chưa nhiều, năng suất, hiệu quả thấp. Bình quân năng suất đạt 2,2 tấn là thấp, hiệu quả nuôi cá mang lại chỉ hơn làm ruộng chút đỉnh do vậy tác động thủy sản với kinh tế, xã hội chưa nhiều. Một vấn đề nữa là việc chủ động nguồn giống và giải quyết thị trường tiêu thụ còn nan giải.

Gần đây dù nguồn cá giống thông thường đã cơ bản đáp ứng, song chất lượng con giống và giá bán còn nhiều vấn đề đáng lo, thiếu tính ổn định; giống cá đặc sản vẫn nhập ngoài với giá cao, làm cho chi phí sản xuất tăng. Đặc biệt việc tiêu thụ vẫn hoàn toàn do tư thương chi phối, chưa có sự liên kết, đảm bảo ổn định thị trường và lợi nhuận cho người nuôi.

Để phát huy khả năng thủy sản trong giai đoạn tới, Cẩm Khê cần bám sát quy hoạch phát triển của ngành, rà soát lại các vùng nuôi thả cá. Trong đó chú trọng  ưu tiên những khu vực nuôi tập trung hiện có để huy động nguồn lực đầu tư xây dựng hạ tầng, nhất là công trình cấp, thoát nước, cơ sở sản xuất con giống, chế biến thức ăn, thị trường… từng bước hình thành vài, ba vùng chăn nuôi quy mô lớn, hiện đại.

Tiếp tục đổi mới khâu sản xuất, cung ứng và kiểm soát nguồn giống để tạo thuận lợi cho người nuôi tiếp cận đưa nhiều loại thủy sản mới, đưa kỹ thuật nuôi tiên tiến vào sản xuất, nâng dần năng suất lên 3-4 tấn/ ha. Trong chiến lược phát triển thủy sản cũng cần sớm xây dựng cơ chế liên doanh, liên kết để huy động và thu hút nhiều nguồn lực đầu tư cung ứng dịch vụ kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm góp phần  nâng cao giá trị, hiệu quả, đưa thủy sản thực sự  trở thành thế mạnh của huyện.


Related news

Phát triển kinh tế biển bền vững trước biến đổi khí hậu Phát triển kinh tế biển bền vững trước biến đổi khí hậu

Bình Thuận là một trong nhiều tỉnh, thành ven biển từ Ninh Thuận trở vào chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu (BĐKH). Mới đây, Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản phối hợp Tỉnh ủy Bình Thuận tổ chức hội thảo bàn giải pháp phát triển kinh tế biển theo hướng bền vững trước thách thức BĐKH ở các tỉnh, thành phía Nam, thu hút đông đảo các nhà lãnh đạo, khoa học tham gia đưa ra các giải pháp thích ứng.

Thursday. July 16th, 2015
Lâm Đồng trúng lớn mùa sầu riêng Lâm Đồng trúng lớn mùa sầu riêng

Sầu riêng của tỉnh Lâm Đồng năm nay “trúng mùa được giá”, nhiều bà con nông dân phấn khởi.

Thursday. July 16th, 2015
Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 53% kế hoạch Sản lượng nuôi trồng thủy sản đạt 53% kế hoạch

Huyện Đầm Dơi (Cà Mau) hiện có hơn 62.000 ha diện tích nuôi trồng thủy sản, trong đó phần lớn được người dân nuôi theo hình thức truyền thống là tôm – cua – cá kết hợp, những tháng đầu năm do điều kiện thời tiết không thuận lợi cộng với việc giá cả lên xuống thất thường nên nhiều diện tích tôm nuôi của bà con gặp rất nhiều khó khăn.

Thursday. July 16th, 2015
Ngư dân trúng đậm mực khơi Ngư dân trúng đậm mực khơi

Liên tiếp mấy tuần qua, ngư dân ở các xã vùng bãi ngang ven cửa biển thuộc các huyện: Lộc Hà, Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh (tỉnh Hà Tĩnh) rất phấn khởi vì liên tiếp được mùa, trúng đậm mực biển với số lượng lớn. Chỉ sau mỗi chuyến ra khơi khai thác khoảng 5 - 6 ngày, các tàu trở về cập cảng cá Cửa Sót, Cửa Nhượng, Xuân Hội… trên khoang đều chất đầy ắp mực tươi rói.

Thursday. July 16th, 2015
Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân Nuôi tôm theo mô hình công nghệ cao sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho nông dân

Với khát vọng nâng tầm tôm Việt, sau 5 năm nghiên cứu và thử nghiệm, năm 2015 Tập đoàn Việt - Úc đã triển khai mô hình nuôi tôm siêu thâm canh trong nhà kính. Đây là mô hình tiên phong, hiện đại ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất nông nghiệp được Bộ NN&PTNT đánh giá cao. Mô hình đã khẳng định tính ưu việt qua một vụ mùa thắng lợi được đánh dấu bằng lễ thu hoạch tôm.

Thursday. July 16th, 2015