Nuôi Trồng Thuỷ Sản Ở Đầm Hà Phát Triển Từ Sự Đầu Tư Đúng Hướng

Trong những năm vừa qua, hoạt động thuỷ sản trên địa bàn huyện Đầm Hà (Quảng Ninh) phát triển khá đa dạng và phong phú. Từ nuôi trồng thuỷ sản cho đến khai thác thuỷ sản và dịch vụ hậu cần nghề cá đã đóng góp một phần đáng kể vào sự phát triển kinh tế của huyện, tạo việc làm và nâng cao đời sống của ngư dân.
Mô hình nuôi cá nước ngọt của ông Tằng Tắng Phúc (Bản Tài Lý Sáy, xã Quảng Lâm) mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng.
Ngay từ năm 2003, Đầm Hà đã xác định việc thúc đẩy phát triển kinh tế thuỷ sản là mục tiêu quan trọng và cần được ưu tiên đầu tư và khuyến khích phát triển. Từ năm 2004 đến năm 2007, huyện đã có chủ trương và lập quy hoạch chi tiết 3 khu nuôi trồng thuỷ sản tập trung quy mô trên 270ha ở các xã Đầm Hà, Tân Bình và Đại Bình để phát triển nuôi tôm.
Từ năm 2012 đến nay, huyện cũng đã tiếp tục triển khai lập các quy hoạch lớn liên quan đến lĩnh vực phát triển ngành Thuỷ sản như: Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020, định hướng 2030; quy hoạch chi tiết khu nuôi trồng thuỷ sản bãi triều xã Tân Bình; quy hoạch vùng nuôi thuỷ sản an toàn; đầu tư cơ sở hạ tầng cấp điện cho 3 khu nuôi tôm tập trung tại các xã Đại Bình, Tân Bình, Đầm Hà.
Đồng thời, ban hành các chính sách hỗ trợ, khuyến khích người dân chuyển dần từ hoạt động khai thác ven bờ sang nuôi trồng thuỷ sản ven biển, nuôi lồng bè như: Hỗ trợ 30% giá giống thuỷ sản, tối đa không quá 20 triệu đồng cho một tổ chức, cá nhân; hỗ trợ dàn quạt sục khí để nuôi thuỷ sản thâm canh, có quy mô từ 2ha trở lên, tối đa không quá 30 triệu đồng/tổ chức, cá nhân...
Nhờ có sự quan tâm, đầu tư đúng hướng, hàng năm lĩnh vực thuỷ sản đã phát triển mạnh mẽ và có sự đóng góp không nhỏ vào giá trị kinh tế chung của huyện và luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu sản xuất nông nghiệp.
Theo số liệu thống kê, năm 2013, tỷ trọng ngành Thuỷ sản cao gấp 1,6 lần ngành Trồng trọt; 1,5 lần ngành Chăn nuôi; 5,5 lần ngành Lâm nghiệp. Tổng sản lượng thuỷ sản đạt khoảng 6.000 tấn (đạt 95,24% kế hoạch và bằng 111,70% so với cùng kỳ); giải quyết và tạo việc làm thường xuyên cho trên 3.000 lao động ngư nghiệp.
Được biết, theo “Quy hoạch tổng thể phát triển ngành Thuỷ sản huyện Đầm Hà đến năm 2020”, dự kiến sản lượng thuỷ sản của huyện sẽ đạt trên 13.690 tấn thuỷ sản các loại. Trong đó sản lượng nuôi trồng 11.420 tấn; khai thác 2.270 tấn; nâng tỷ trọng giá trị sản xuất thuỷ sản từ 40% hiện nay lên 50% trong cơ cấu giá trị sản xuất nông nghiệp; tạo việc làm cho 3.700 lao động.
Đồng thời phát triển số lượng cơ sở chế biến đạt khoảng 13 cơ sở, năng lực chế biến đạt 3.500 tấn/năm. Theo ông Nguyễn Văn Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, để đạt được mục tiêu trên, huyện đang tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp quan trọng như: Ổn định diện tích nuôi các loài cá truyền thống trên các vùng cao, vùng xa để tăng nguồn thực phẩm, tạo việc làm, tăng thu nhập cho các hộ gia đình nông dân, đồng bào miền núi của huyện.
Đồng thời đổi mới cơ cấu các đối tượng nuôi như các giống thuỷ đặc sản (lươn, ếch, ba ba, tôm càng xanh, rô phi… ) để nâng cao giá trị kinh tế. Đầu tư cơ sở hạ tầng để phát triển nuôi các đối tượng thuỷ sản có giá trị theo hướng tập trung, thâm canh và áp dụng tiêu chuẩn VietGAP để sản phẩm đảm bảo chất lượng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu.
Tổ chức lại sản xuất khai thác hải sản ven biển của huyện, trên cơ sở cơ cấu lại tàu thuyền, nghề nghiệp phù hợp với nguồn lợi hải sản. Xây dựng khu dịch vụ hậu cần nghề cá để khắc phục sự nhỏ lẻ, phân tán hướng dần tới đồng bộ có quy mô...
Hy vọng rằng, từ những tiềm năng lợi thế sẵn có cùng với những quyết tâm và giải pháp đồng bộ của chính quyền địa phương, ngành nuôi trồng thuỷ sản của Đầm Hà sẽ ngày càng phát triển mạnh mẽ, góp phần giảm nghèo bền vững và mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực cho người dân.
Related news

Năm nay, giá nhiều loại cây giống không chỉ tăng mà tiêu thụ cũng có phần dễ dàng hơn so với cùng kỳ năm trước. Đến thời điểm này, một số loại cây giống đã có dấu hiệu hút hàng do sức mua tăng trong khi nguồn cung giảm…

Ông Nguyễn Thế Vũ, Phó Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản thuộc Sở NN-PTNT Bình Định, cho biết: Tình trạng hạn hán kéo dài từ đầu năm đến nay đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến lĩnh vực nuôi trồng thủy sản nước ngọt; nguồn nước tại các ao, hồ, sông, suối trên địa bàn tỉnh bị khô kiệt đã làm cho diện tích nuôi cá bị thu hẹp đáng kể. Đến nay, toàn tỉnh mới thả nuôi được gần 720 ha diện tích cá nước ngọt, chỉ bằng 33,6% so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó, nuôi cá trong các hồ chứa nước 605 ha, nuôi cá trong ao lót bạt 10,4 ha. Ngoài ra, việc nuôi cá lồng trong các hồ chứa cũng sụt giảm, thể tích lồng nuôi cá nước ngọt chỉ đạt 7.600m3, bằng 64,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý, do nguồn nước bị khô kiệt, việc duy trì sản xuất, bảo vệ đàn cá giống bố mẹ tại Trạm Thực nghiệm nuôi trồng thủy sản Mỹ Châu đang hết sức khó khăn.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng thì mô hình nuôi cá ao tự nhiên ở huyện Bến Cầu (Tây Ninh) đang phát triển, được nhiều nông dân hưởng ứng và muốn nhân rộng. Thế nhưng, bên cạnh hiệu quả đem lại thì bà con nuôi cá đang phải đối mặt với nỗi lo canh cánh về đầu ra sản phẩm.

Sau 2 năm triển khai dự án “Ứng dụng kỹ thuật sản xuất giống ốc hương tại Quảng Ngãi”, Trung tâm Giống thuỷ sản Quảng Ngãi đã sản xuất thành công ốc hương giống, góp phần cung cấp nguồn ốc giống đảm bảo chất lượng cho người nuôi trong và ngoài tỉnh.

Trong bối cảnh dịch bệnh đang hoành hành trên đàn gia súc, gia cầm thì chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học (ATSH) được xem là giải pháp hữu hiệu, không những giúp người chăn nuôi bảo vệ được gia cầm của gia đình mà còn bảo đảm được vệ sinh môi trường và vệ sinh an toàn thực phẩm.