Có chất gây ung thư trong thức ăn chăn nuôi

Đáng chú ý là chất này không được dùng trong thực phẩm và có khả năng gây ung thư ở người.
“Chất cấm” mới có khả năng gây ung thư
Ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành (Thanh tra Bộ NNPTNT) cho biết, vừa qua việc các cơ quan truyền thông tăng cường đưa thông tin về chất cấm là rất cần thiết.
Nhằm cảnh báo về tác hại của việc sử dụng chất cấm trong chăn nuôi tới sức khỏe người tiêu dùng, tạo thành dư luận xã hội tẩy chay tình trạng sử dụng chất cấm.
Cũng qua các cơ quan thông tin đại chúng, vấn đề chất cấm đã làm “nóng” dư luận nên các cơ quan chức năng nhận được nhiều đơn tố giác của người dân và những doanh nghiệp làm ăn chân chính.
“Qua các đơn tố giác, chúng tôi đã tổ chức thanh kiểm tra và khi lấy mẫu lại phát hiện thêm một “chất cấm” khác, đó là vàng ô.
Theo nghiên cứu của các nhà khoa học, chất này có thể gây ung thư trên động vật thực nghiệm và có nguy cơ gây ung thư ở người” - ông Dũng cho biết.
Cũng theo ông Dũng, hiện Thanh tra Bộ NNPTNT đã phối hợp với các tỉnh Tiền Giang, Bến Tre, Vĩnh Long, Tây Ninh, Bà Rịa - Vũng Tàu (những nơi có đơn tố giác về chất cấm) để tăng cường kiểm tra, kiểm soát chất cấm trong thời gian tới.
Liên quan tới “chất cấm” mới, ông Nguyễn Xuân Dương – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi giải thích:
Qua xác minh cho thấy, chất vàng ô là chất nhuộm sử dụng trong các ngành công nghiệp dệt, nhuộm, xây dựng, không có trong danh mục làm thực phẩm. Thực tế, chất này không có tác dụng tăng trọng mà chỉ có khả năng tạo màu.
Khi sản xuất thức ăn chăn nuôi, một số doanh nghiệp không mua các chất tạo màu sử dụng trong thực phẩm mà lại lấy chất vàng ô để trộn vào thức ăn chăn nuôi.
Chất này có tác dụng làm vàng da, nên thường được sử dụng trái phép trong chăn nuôi gà vào giai đoạn vỗ béo. Nguy hiểm nhất là chất vàng ô gần như không bị đào thải khỏi cơ thể vật nuôi trong suốt quá trình chăn nuôi.
Thử nghiệm thành công que test nhanh
Theo Thanh tra Bộ NNPTNT, liên quan tới chất cấm Salbutamol làm tăng trọng lợn của 2 “ông lớn” trong ngành chăn nuôi là Công ty CP Dinh dưỡng nông nghiệp quốc tế (ANCO) và Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam, sau khi cơ quan chức năng “chỉ tận tay” các điểm yếu trong quản lý của đơn vị thì đến nay, các đơn vị này đã tạm thời kiểm soát được chất cấm.
“Thực tế là lợn của 2 doanh nghiệp này sau khi xuất bán đã bị các thương lái vỗ béo bằng cách sử dụng chất cấm.
Một số thương lái còn ép các hộ dân bằng “chiêu thức” nếu không cho heo ăn chất tăng trọng thì thương lái sẽ không thu mua” - ông Phạm Tiến Dũng - Trưởng phòng Thanh tra chuyên ngành cho biết.
Để kiểm soát chất cấm ở một số doanh nghiệp có số đầu lợn lớn, Thanh tra Bộ NNPTNT cho biết, đang theo dõi chặt việc xuất bán lợn của các đơn vị này để tránh tình trạng xuất bán cho thương lái rồi mang về vỗ béo bằng chất cấm.
Liên quan tới vấn đề này, ông Nguyễn Xuân Dương cho rằng, vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không phải là một sớm một chiều có thể kiểm soát được ngay.
Chỉ riêng Công ty CP Chăn nuôi CP Việt Nam đã có tới 4.000 trang trại thì các cơ quan chức năng không đủ lực lượng, cảnh sát môi trường… tới từng chuồng gà, chuồng lợn kiểm tra được.
Vấn đề là chúng ta cần có phương pháp quản lý.
Theo ông Hà Công Tuấn - Thứ trưởng Bộ NNPTNT, để chấn chỉnh tình trạng sử dụng chất cấm, hoá chất độc hại trong chăn nuôi, biện pháp quan trọng nhất là chúng ta phải vận động, tuyên truyền đẩy mạnh xã hội hoá giám sát, xã hội hoá tố giác.
Người chăn nuôi, sản xuất cám, người dân phải tự giám sát, tố giác, chứ không cơ quan quản lý nào đi kiểm tra hết được.
“Chúng ta không thể để những đối tượng kinh doanh bất chính trục lợi trên lưng những người làm ăn chân chính. Khi sản phẩm kém chất lượng, người tiêu dùng có thể quay lưng, tìm thực phẩm khác.
Nếu không chấn chỉnh kịp thời thì chưa cần tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), chăn nuôi có thể thua trên sân nhà rồi” – ông Tuấn nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Xuân Dương cũng cho biết thêm, hiện cơ quan chức năng đã phối hợp với GS-TS Đào Ngọc Sơn nghiên cứu tại phòng thí nghiệm que thử (test) chất cấm nhanh và rất thành công.
Chỉ sau 5 phút nhỏ nước tiểu lên que thử, nếu vạch chữ T không mất đi là có chất cấm.
Chỉ cần điều chỉnh các quy định hiện hành là các cơ quan chức năng có thể áp dụng que thử vào kiểm soát chất cấm ngay trong tháng 10.
Theo ông Nguyễn Xuân Dương- Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, vàng ô là một loại hóa chất nhập nước ngoài về, được sử dụng phổ biến trong nhuộm vải sợi và xây dựng (như làm ve trên tường), không được dùng trong thực phẩm. Hiện các cơ quan chức năng của Bộ NNPTNT đang tiếp tục điều tra, làm rõ việc trộn chất này vào thức ăn chăn nuôi.
Related news

Hình ảnh những trái mít chín vàng, bắt mắt cùng tấm biển quảng cáo “mít Thái chín cây, 15.000 đồng/kg” rất dễ níu chân người đi đường. Ít ai biết rằng, để có được những trái mít “chín cây” đẹp, có một số người bán đã kích chín bằng những loại hóa chất không rõ nguồn gốc.

Những năm gần đây, các loại cây ăn quả như dứa, chuối, quýt trở thành cây xóa đói, giảm nghèo hiệu quả cho nhân dân một số xã trên địa bàn huyện Mường Khương. Ngành nông nghiệp huyện tích cực chỉ đạo nhân dân áp dụng khoa học - kỹ thuật vào trồng, chăm sóc và thu hoạch, góp phần nâng cao năng suất, sản lượng từng loại cây ăn quả.

Cuối tuần qua, ông Huỳnh Thanh Cảnh – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận chủ trì cuộc họp các thành viên trong Ban chỉ đạo phát triển bền vững cây thanh long và lãnh đạo các địa phương đánh giá tình hình thực hiện Tháng cao điểm phòng trừ bệnh đốm nâu trên cây thanh long (28/11 - 31/12/2014).

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa tổ chức Hội thảo tìm giải pháp phát triển sản xuất, tiêu thụ, chế biến chanh trên địa bàn tỉnh Long An. Đến dự hội nghị có Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam tại TP.HCM - Nguyễn Văn Kỳ, cùng đại diện lãnh đạo các sở, ngành.

Nhằm xây dựng thương hiệu cho thanh long Bình Thuận, Đề án dán tem có chỉ dẫn địa lý “Bình Thuận” trên quả thanh long khi đưa ra thị trường được tiến hành. Đơn vị thực hiện đề án là Hiệp hội thanh long Bình Thuận, thời gian thực hiện là 2 năm (từ 5/2013 – 5/2015), tổng kinh phí là 2.076 triệu đồng, trong đó nhà nước cấp một nữa, còn lại do Hiệp hội và các doanh nghiệp đóng góp.