Mòn mỏi chờ bao tiêu ở cánh đồng lớn
Theo thông tin từ Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, khoảng một tháng trở lại đây, đại diện Công ty Công Bình và Công ty Thiên Ngân đến liên hệ với địa phương với mong muốn bao tiêu lúa cho cánh đồng lớn xã Vị Tân.
Tuy nhiên, qua khảo sát thực tế, hai doanh nghiệp này đều “lắc đầu” thất vọng, bởi điều kiện lưu thông không đáp ứng yêu cầu.
Trong khi cây lúa nơi đây rất cần đầu ra ổn định, thì trái lại thời gian qua có rất nhiều doanh nghiệp tìm đến rồi “bỏ đi”.
Và nông dân thì tiếp tục phải chịu thiệt thòi.
Ông Nguyễn Văn Hoàng, ở ấp 4, xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, vẫn chưa quên nỗi ám ảnh vào vụ Đông xuân năm trước.
Thương lái đến đặt cọc vài trăm ngàn đồng để mua lúa của ông, đến ngày thu hoạch thì “bặt tăm” vì hay tin giá lúa đang trượt dốc.
“Lúc ấy tôi hoang mang không biết xoay trở thế nào, đành chạy đôn chạy đáo tìm nơi khác bán, rồi bị ép xuống còn 3.800 đồng/kg.
Giá như được bao tiêu thì tôi và bà con đã an tâm sản xuất rồi”, ông Hoàng tâm sự.
Còn bà Trần Kim Trưởng, ở ấp 7, xã Vị Tân, thì lo lắng điệp khúc mất giá hàng năm sẽ tái diễn vào cuối vụ Đông xuân này, chỉ vì “kênh cạn”: “Lúa tốt cỡ nào cũng bị mua rẻ hơn bên ngoài thôi.
Mới vụ Thu đông năm trước, ngoài kênh người ta bán 5.100 đồng/kg, còn lúa của bà con trong này thuộc loại đẹp mà thương lái chỉ mua có 4.700-4.800 đồng/kg; Giá rẻ bèo, chi phí vật tư nông nghiệp cộng thêm tiền thuê ghe vận chuyển ra đầu kênh, rõ ràng nông dân chúng tôi chỉ bỏ công làm lời.
Nếu không chịu thiệt thòi như thế thì bán cho ai đây?”, bà Trưởng ngậm ngùi chia sẻ.
Chính quyền địa phương thông tin sau khi khảo sát thực tế, hầu hết các doanh nghiệp đánh giá điều kiện vận chuyển khó khăn nên không ký kết bao tiêu.
Thực tế, để vào nội đồng bằng đường thủy, ghe vận chuyển phải di chuyển dọc các kênh Lung Nia, Kênh KH9, kênh Đòn Dong.
Tuy nhiên, những tuyến này đã nhiều năm không được nạo vét, phù sa bồi lắng trong thời gian dài gây ra tình trạng “ghe mắc cạn”.
Ông Trần Cần, Phó trưởng Trạm thủy lợi thành phố Vị Thanh, nhận định: “Để ghe thu mua có tải trọng 40-50 tấn di chuyển được thì độ sâu ít nhất phải trên 3m.
Hiện nay, hầu hết các con kênh chỉ sâu chỉ từ 1,5-1,8m.
Rõ ràng, với điều kiện hiện tại chúng ta không thể đáp ứng được yêu cầu mà doanh nghiệp đặt ra”.
Thời gian qua, địa phương đã tranh thủ nguồn kinh phí phục vụ cho công tác thủy lợi nội đồng hàng năm để nạo vét những tuyến bức xúc nhất, nhưng để cải tạo toàn bộ và đồng loạt thì cần số tiền rất lớn.
Ông Hồ Hồng Lâm, Trưởng Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh, cho rằng thực tế là hơn 10 năm nay có rất nhiều tuyến kênh trong cánh đồng lớn chưa được nạo vét.
“Hiện tại, chúng tôi vẫn tiếp tục tranh thủ kêu gọi bao tiêu, mặt khác đề xuất lên Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh xin chủ trương, kinh phí, để nạo vét các tuyến kênh chính dẫn vào nội đồng.
Chỉ có cách này mới thu hút được các doanh nghiệp vào bao tiêu lúa cho nông dân”, ông Lâm khẳng định.
Xã Vị Tân, thành phố Vị Thanh, được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới vào tháng 4 năm 2015.
Theo đó, hệ thống giao thông cơ bản đã đáp ứng được nhu cầu thủy lợi và dân sinh (đạt tiêu chí số 3 về thủy lợi).
Tuy nhiên, những bức xúc của người dân về các tuyến kênh chính phục vụ lưu thông vào cánh đồng lớn thời gian qua cũng tác động ít nhiều đến việc nâng chất tiêu chí, giữ vững danh hiệu nông thôn mới.
Và nhất là làm ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp cũng như sự phát triển kinh tế của địa phương.
Tìm hướng bao tiêu cho cánh đồng lớn thành phố Vị Thanh
(HG) - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh vừa có buổi làm việc với đại diện Công ty Cổ phần Tập đoàn Lộc Trời, nhằm bàn hướng bao tiêu lúa cho cánh đồng lớn của thành phố Vị Thanh.
Tại đây, doanh nghiệp đưa ra một số yêu cầu cho vùng bao tiêu là phải có trạm bơm để chủ động nguồn nước tưới tiêu trong nội đồng và phòng chống hạn mặn;
Kênh rạch đảm bảo thuận tiện cho ghe vận chuyển có tải trọng từ 30 tấn trở lên; lịch xuống giống mỗi vụ của địa phương phải phù hợp với thời gian hoạt động của nhà máy và diện tích cánh đồng được bao tiêu phải đạt từ 500ha trở lên.
Còn doanh nghiệp sẽ đầu tư phân, thuốc cho bà con không lãi suất 4 tháng mỗi vụ; tiến hành thu mua lúa tại ruộng theo giá thị trường, riêng giá lúa sẽ được cập nhật thường xuyên cho nông dân.
Theo ông Lê Văn Đời, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh, trên cơ sở yêu cầu phía công ty đặt ra, Phòng Kinh tế thành phố Vị Thanh cần chủ động xác định vùng bao tiêu, đồng thời xem xét hệ thống thủy lợi, điều kiện vận chuyển trước một bước; phối hợp với doanh nghiệp khảo sát thực tế, sau đó tiến hành họp dân canh tác trong cánh đồng lớn để thống nhất phương hướng bao tiêu sản phẩm cho phù hợp.
Related news
Để giúp người trồng hồ tiêu trên địa bàn huyện tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và từng bước thay thế phương thức canh tác bất hợp lý, đảm bảo tính bền vững, giữ gìn và cải thiện môi sinh nâng cao hiệu quả sản xuất, huyện Chư Pưh đã triển khai dự án phát triển hồ tiêu bền vững bằng các chế phẩm sinh học.
Triển khai từ tháng 11-2015, đến nay, mô hình ứng dụng công nghệ cao trồng thử nghiệm cây cà chua Picota tại Khu Ứng dụng công nghệ sinh học Cái Mơn, huyện Chợ Lách (Bến Tre) đã có vụ trái thu hoạch đầu tiên.
Cùng một diện tích đất, chị Hòa Thị Dinh, thôn An Na, xã Dray Sáp, huyện Krông Ana (Đăk Lăk) đã canh tác cùng lúc 3 loại cây trồng. Nhờ cách làm này thu nhập của chị tăng lên gấp 3 lần so với các vườn chỉ trồng thuần cà phê.
Anh Trần Văn Ngỗ, ngụ ấp Thanh Sơn, xã Vĩnh Bình, huyện Hòa Bình (Bạc Liêu) là 1 nông dân năng động. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Ngỗ còn giúp nhiều nông dân khác thoát nghèo, vươn lên khấm khá.
Khi nhắc đến chàng trai Cháng Thìn Lù, hội viên, nông dân chi hội thôn Thanh Long, Thanh Vân, huyện Quản Bạ (Hà Giang) liền trầm trồ rằng, “nó” vừa bảnh trai, vừa giỏi làm kinh tế, từ lời nói đến việc làm đều dễ thuyết phục bà con.